Ngân hàng thu hẹp tín dụng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ông Trần Xuân Huy, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, tổng huy động vốn 6 tháng đầu năm của Sacombank đạt 64.230 tỷ đồng, dư nợ cho vay 38.330 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng tính đến hết ngày 30/6 chỉ hơn 12%, nhưng hiện Sacombank chỉ ưu tiên vốn, nhất là nguồn vốn giá rẻ (lãi suất cho vay vừa giảm còn 19,8%/năm) cho những khách hàng có quan hệ lâu năm với Ngân hàng.

Tại DongA Bank, đối với bất động sản và chứng khoán, hầu như Ngân hàng không triển khai thêm tín dụng mới. Theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng chỉ ưu tiên vốn cho những dự án hiệu quả và khả năng trả nợ của doanh nghiệp là khả thi. Trong đó, Ngân hàng chú trọng cung ứng vốn cho lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, đồng thời rà soát các khoản tín dụng cũ. Tính đến hết tháng 6/2008, dư nợ tín dụng của DongA Bank là 24.671 tỷ đồng, tổng vốn huy động là 28.078 tỷ đồng.

Với Eximbank, mặc dù đã có chủ trương cho DN xuất nhập khẩu vay tiền đồng với lãi suất bằng ngoại tệ, nhưng không vì thế mà ngân hàng này đáp ứng vốn cho toàn bộ khách hàng có nhu cầu, bởi chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là khống chế tăng trưởng tín dụng không quá 30%, ngoài ra, vốn huy động của Ngân hàng cũng đang cạn dần. Vì thế, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank cho biết, sẽ hạn chế triển khai tín dụng cho các khách hàng mới từ nay đến cuối năm 2008.

Lý do chính khiến các ngân hàng hạn chế cho vay là việc đẩy mạnh triển khai tín dụng mới trong lúc này sẽ dẫn tới thua lỗ, vì lãi suất huy động đứng ở mức cao, phổ biến 18 – 18,5%/năm, trong khi trần lãi suất cho vay bị khống chế ở mức 21%/năm, ngân hàng khó bù đắp các chi phí.

Trong bản giải trình gửi Sở GDCK TP. HCM mới đây của Sacombank, lợi nhuận trước thuế quý II/2008 của Ngân hàng chỉ đạt 325 tỷ đồng, thấp hơn 87 tỷ đồng so với quý I là do 2 nguyên nhân cơ bản sau: thứ nhất, trong quý II, các NHTM đồng loạt tăng lãi suất huy động theo hướng lãi suất thực dương, đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền trước tình hình lạm phát gia tăng, nên để đảm bảo giữ vững thị phần trước sự cạnh tranh gay gắt, Sacombank đã quyết định tăng lãi suất huy động (mức cao nhất là 18,4%/năm), khiến chi phí trả lãi huy động vốn tăng cao; thứ hai, NHNN tăng lãi suất cơ bản từ 12%/năm lên 14%/năm và áp dụng trần lãi suất cho vay đã dẫn đến thu nhập từ hoạt động tín dụng bị giảm sút. Do đó, thu nhập thuần từ lãi của Ngân hàng và các công ty con trong quý II giảm gần 111 tỷ đồng so với quý I/2008.

Theo đánh giá của một chuyên gia ngân hàng, 6 tháng đầu năm, thị trường tiền tệ có nhiều biến động. Cung tiền đồng khan hiếm, để đảm bảo thanh khoản, các ngân hàng phải cạnh tranh huy động vốn, có thời điểm được điều chỉnh lên xấp xỉ 20%/năm. Đáng chú ý, các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ gặp khó khăn trong huy động vốn nên phải nâng lãi suất lên cao mới có thể giữ được khách hàng. Chi phí đầu vào đội lên cao khiến lợi nhuận giảm nên các ngân hàng hiện rất thận trọng trong việc triển khai tín dụng mới.

Nguồn:  ĐTCK-online