Ngân sách có thể thiệt hại gần 5.000 tỷ đồng: Uỷ ban Kinh tế nói gì?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chiều 21/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình Quốc hội cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.

Theo tờ trình, Luật Khoáng có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 và Luật Tài nguyên nước có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 đều quy định về thu tiền cấp quyền khai thác đối với các loại khoáng sản và tài nguyên nước.

Tuy nhiên, đến ngày 28/11/2013 Chính phủ mới ban hành nghị định 203/2013/NĐ-CP về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có hiệu lực thi thành từ ngày 20/1/2014, chậm hơn 2 năm 6 tháng và đến ngày 17/7/2017 mới ban hành nghị định số 82/2017/NĐ-CP về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2017 chậm 4 năm 8 tháng.

Việc Chính phủ chậm ban hành các nghị định hướng dẫn nêu trên đã làm cho các tổ chức, cá nhân phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước không có cơ sở thực hiện nghĩa vụ nộp tiền, các cơ quan quản lý nhà nước cũng không thu số tiền phải nộp (số tiền dự tính khoảng gần 5.000 tỷ đồng).

Đến nay, Chính phủ cho rằng việc triển khai thu đối với số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước nêu trên là không khả thi, có nhiều khó khăn, vướng mắc, do đó kiến nghị Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước từ thời điểm Luật có hiệu lực đến thời điểm nghị định có hiệu lực.

Thẩm tra nội dung này, đa số ý kiến tại Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đồng ý với đề xuất của Chính phủ và cho rằng việc truy thu số tiền nêu trên là khó khả thi do các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, tài nguyên nước đã quyết toán, công bố lỗ, lãi, nộp các khoản thuế và phân chia lợi nhuận. Có những tổ chức đã giải thể, phá sản; các dự án, công trình đã được cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước trước đây đến nay có thể không còn hoạt động/sử dụng hoặc đã chuyển cho tổ chức, cá nhân khác.

Mặt khác, để thu được số tiền của hai lĩnh vực nêu trên, Nhà nước có thể sẽ phải bỏ số tiền không nhỏ cho nguồn nhân lực, thủ tục hành chính, công tác thẩm định, công tác thu, xử lý khiếu nại… Ngoài ra, cũng cần tính đến tác động ảnh hưởng của việc truy thu đến môi trường đầu tư kinh doanh (trong đó có cả các doanh nghiệp nước ngoài), đời sống của người dân.

Do đó, việc cho lùi như Chính phủ trình là cần thiết, đồng thời giải quyết dứt điểm khoản dự toán đang “treo” thuộc ngân sách nhà nước trong các lĩnh vực này, giải tỏa áp lực cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động khoáng sản, tài nguyên nước.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thành cũng cho biết, một số ý kiến khác tại Uỷ ban không tán thành với việc lùi thời gian như Chính phủ trình, đồng thời cho rằng, việc chậm ban hành nghị định hướng dẫn luật dẫn đến những khó khăn vướng mắc như nêu tại tờ trình là trách nhiệm của Chính phủ. Các lý do nêu ra tại tờ trình dẫn đến chậm ban hành nghị định cũng không hợp lý. Để bảo đảm kỷ cương pháp luật, cần thực hiện triệt để, nghiêm minh các quy định của Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước.

Các ý kiến này phân tích, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14, Quốc hội cũng đã ban hành nghị quyết số 70/2018/QH14 ngày 9/11/2018, trong đó giao Chính phủ “Tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý thu ngân sách nhà nước… Không ban hành chính sách làm giảm thu ngân sách nhà nước trừ trường hợp điều chỉnh chính sách thu theo các cam kết hội nhập” (khoản 2 Điều 4). 

Hơn nữa, mặc dù số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với phần trữ lượng đã khai thác từ ngày 1/7/2011 đến ngày 31/12/2013 chưa thu, nhưng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì “văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực”, nên sau khi luật có hiệu lực, hàng năm cơ quan thuế đã phải thực hiện việc quản lý, tổng hợp, hạch toán, báo cáo số thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và phân bổ vào ngân sách địa phương.

Vì vậy, Quốc hội không nên cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước. Việc cho lùi thời gian thực hiện quy định của pháp luật với lý do chậm ban hành nghị định hướng dẫn cũng sẽ tạo tiền lệ xấu trong việc thực thi pháp luật, đồng thời, làm hụt một khoản thu lớn, trong khi ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn.

Đề cập trách nhiệm, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc chậm ban hành hai nghị định nêu trên là trái với quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, việc quy định thời gian nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước bắt đầu từ khi nghị định có hiệu lực đã làm mất hiệu lực của luật với các đối tượng này trong giai đoạn từ khi luật có hiệu lực đến khi nghị định có hiệu lực (từ ngày 1/1/2013 đến ngày 1/9/2017). 

Việc chậm ban hành 2 nghị định nêu trên cũng đã làm cho các tổ chức, cá nhân được cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước không tính được số tiền để thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước và sẽ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 5.000 tỷ đồng nếu Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước. Đây là số tiền không nhỏ trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn.

Do đó, Ủy ban Kinh tế kiến nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân trong việc chậm ban hành hai nghị định nêu trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-6/2020).