Ngành công nghiệp tăng trưởng 14,6%
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2008 ước tăng 6,23%, trong đó công nghiệp và xây dựng tăng 6,33%, riêng công nghiệp tăng 8,14%, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tăng 14,6% so với thực hiện năm 2007. Cụ thể đối với từng ngành như sau:

Ngành Điện lực: Kết quả sản lượng điện sản xuất năm 2008 tăng 10,8% và sản lượng điện thương phẩm tăng 12,8% so với năm 2007, trong đó điện dùng cho công nghiệp và xây dựng tăng 14,8%, chiếm tỷ trọng 50,2%.

 Ngành Dầu khí: Sản lượng khai thác dầu thô năm 2008 chỉ đạt 14,94 triệu tấn, bằng 93,8% kế hoạch năm và giảm 6,2% so với năm 2007.

Trong những tháng đầu năm, giá dầu thô luôn biến động và tăng cao so với cùng kỳ 2007 (đỉnh điểm là 147 USD/thùng), những tháng cuối năm lại giảm mạnh (tại thời điểm này là khoảng 40USD/thùng). Tính bình quân giá dầu thô năm 2008 đạt khoảng 101 USD/thùng, tăng 35,2% so với năm 2007. Vì vậy, mặc dù sản lượng dầu thô khai thác và xuất khẩu không đạt kế hoạch nhưng doanh thu vẫn tăng trên 23,0% so với năm 2007.

Ngành Than – Khoáng sản: Năm 2008 là năm có nhiều khó khăn đối với ngành than.

Sản lượng than sạch chỉ đạt 39,8 triệu tấn, giảm 6,1% so với năm 2007. Sản lượng tiêu thụ khoảng 38,5 triệu tấn, giảm 11,2% so với năm 2007, trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 18,5 triệu tấn, tăng 6,0% so với năm 2007, xuất khẩu ước đạt 19,7 triệu tấn, bằng 62% so với năm 2007.

Đối với các loại khoáng sản khác, trong năm 2008, chỉ có sản phẩm quặng apatít tăng cao; quặng đồng, thiếc thỏi hoàn thành kế hoạch năm; các sản phẩm khác không hoàn thành kế hoạch khai thác.

Ngành Thép: Trong năm 2008, thị trường thép có nhiều biến động khó lường do ảnh hưởng chính sách hạn chế xuất khẩu phôi thép của Trung Quốc. Nguồn phôi thép trở nên khan hiếm, giá liên tục tăng cao.

Sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép đều giảm, sản lượng thép các loại sản xuất khoảng 3,98 triệu tấn, giảm 3,6% so với năm 2007, tiêu thụ thép khoảng 3,8 triệu tấn.

Ngành Cơ khí: Sản xuất tiếp tục duy trì được mức tăng khá là 16% so với năm 2007. Nhiều sản phẩm chủ lực của ngành phục vụ nhu cầu trong nước tăng trưởng cao so với năm 2007 như: động cơ đốt diezen tăng 18,3%, máy xay sát tăng 75,5%, phụ tùng máy động lực tăng 91,0%, phụ tùng xe máy tăng 17,9%…

Giá trị xuất khẩu cơ khí – điện tử đều tăng mạnh so 2007: Dây và cáp điện đạt kim ngạch khoảng 1,0 tỷ USD, tăng 18% so 2007, các sản phẩm cơ khí còn lại dự kiến đạt 2,1 tỷ USD, tăng khoảng 54% so 2007. Xuất khẩu các sản phẩm điện tử và máy tính năm 2008 dự kiến đạt 2,7 tỷ USD, tăng 25,3% so 2007.

Riêng lĩnh vực cơ khí đóng tàu tiếp tục phát huy được thế mạnh là đầu tầu trong ngành cơ khí. Giá trị xuất khẩu ngành đóng tàu đạt khoảng 500 triệu USD.

Ngành Hoá chất và Phân bón: Mức tiêu thụ phân bón cả năm 2008 không tăng nhiều, một số loại bị giảm, hết tháng 12/2008 lượng phân bón tồn kho khoảng 900 nghìn tấn…

Sản lượng phân lân các loại sản xuất chỉ đạt khoảng 1.530 nghìn tấn, tăng 7,5% so với năm 2007, còn lại các sản phẩm khác đều giảm như phân đạm urê ước đạt 915,5 nghìn tấn, giảm 3,6%; phân NPK ước đạt 1521 nghìn tấn, chỉ bằng 82,8% năm 2007.

Sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm khác như: săm lốp, chất tẩy rửa, sơn, pin, … đều giảm nhẹ so với năm 2007.

Ngành Dệt May: Khó khăn nhiều nhưng các doanh nghiệp trong ngành vẫn cố gắng để ổn định sản xuất. Sản phẩm có tốc độ tăng trưởng khá là quần áo cho người lớn ước đạt 1.500 triệu sản phẩm, tăng 27,7%; một số sản phẩm khác tăng nhẹ và giảm so với năm 2007.

Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,1 tỷ USD, tuy chưa đạt mục tiêu đề ra là 9,5 tỷ USD nhưng tăng 17,5% so với năm 2007 nhờ mở rộng thêm thị trường xuất khẩu sang khu vực Đông Âu và Nam Mỹ, Đài Loan,…

Cuối năm 2008, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo không đủ bằng chứng để tiến hành việc điều tra chống bán phá giá hàng dệt may của Việt Nam.

Ngành Da giầy: Dù chi phí đầu vào tăng cao nhưng sản xuất kinh doanh của ngành vẫn có sự tăng trưởng.

Kim ngạch xuất khẩu giầy dép các loại ước đạt 4,7 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2007; xuất khẩu các sản phẩm túi xách, vali, mũ, ô dù ước đạt 0,83 tỷ USD, tăng 30,1% so với năm 2007.

Ngành Giấy: Năm 2008, giá giấy và bột giấy thế giới giảm mạnh, lượng giấy nhập khẩu tăng nhưng sản phẩm trong nước lại giảm tiêu thụ nên lượng tồn kho nhiều, hết tháng 12/2008 lượng giấy tồn kho khoảng 150 nghìn tấn.

Sản xuất giấy trong nước ước đạt 932 nghìn tấn, chỉ tăng 2,3% so với năm 2007 (chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu trong nước), số còn lại phải nhập khẩu (năm 2008 dự kiến nhập khẩu gần 1 triệu tấn giấy, chủ yếu là các loại giấy cao cấp).

Ngành Bia, Rượu, Nước giải khát: Tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất của ngành vẫn không bằng tốc độ tăng của năm 2007. Sản lượng sản xuất bia ước đạt 1.850 triệu lít, tăng 11,8% so với năm 2007. Sản lượng bia chai và bia lon tăng trưởng cao nhưng bia hơi thì giảm đáng kể do phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết.

Xuất khẩu sản phẩm bia chai và bia lon sang các thị trường truyền thống tăng mạnh. Một số loại bia chai mới 350ml đã được đưa ra cạnh tranh với sản phẩm của các hãng nước ngoài ngay trên thị trường trong nước.

Ngành Thuốc lá: Sản lượng thuốc lá tăng trưởng nhẹ so với năm 2007, ước đạt 4.435 triệu bao, tăng 3,2% so với năm 2007.

Riêng TCT Thuốc lá VN, lượng sản phẩm nội địa giảm gần 7,7% do tiêu dùng trong nước hạn chế nhưng xuất khẩu tăng 23,7% % (chiếm 2/3 kim ngạch xuất khẩu của ngành).

Ngành Nhựa: Các doanh nghiệp đã đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm xuất khẩu và phục vụ hàng xuất khẩu như bao bì, văn phòng phẩm, nhựa mỹ nghệ, nhựa gia dụng, nhựa xây dựng vào các thị trường EU, Mỹ, Nhật, các nước ASEAN,… nên kim ngạch ước đạt gần 1 tỷ USD, tăng trên 30% so với năm 2007.

Ngành Sữa: Giá nguyên liệu sữa liên tục tăng từ đầu năm làm cho giá bán sản phẩm tăng, ảnh hưởngđến mức tiêu dùng của người dân vì sữa là một trong những mặt hàng tiêu dùng có nhu cầu ở mọi lứa tuổi. Tuy vậy sản lượng sữa bột vẫn đạt 46,5 nghìn tấn, tăng 18,6% so với năm 2007.

Ngành Dầu thực vật: Gặp nhiều khó khăn do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước, lượng nhập khẩu chiếm trên 90%. Sản lượng dầu tinh luyện ước 528,6 nghìn tấn, giảm 1,2% so với năm 2007 so với năm 2007. Nhưng do sức mua xã hội giảm nhiều nên lượng tồn kho tăng cao so cùng kỳ.

Thanh Tú
Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam