Ngành Giấy: Đang dần phục hồi sau cơn khủng hoảng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Với nhu cầu tiêu dùng giấy in báo, giấy in viết, giấy làm bao bì và giấy tissue đều tăng trưởng lần lượt là 10%, 14%, 11% và 23%, lẽ ra sản xuất giấy năm 2008 có thể tăng trưởng trên 16% so với năm 2007 (8 tháng đầu năm tăng trưởng 16% so với 2007) nhưng do hậu quả của suy thoái kinh tế, do giảm thuế suất thuế nhập khẩu giấy từ các nước ASEAN (từ 5% xuống 3%) và do gian lận thương mại trong xuất nhập khẩu giấy nên sản xuất đã giảm 1,4%, nhập khẩu tăng 5,8%.

Sau cú choáng váng vì ế hàng cuối năm 2008, ngành giấy đang có dấu hiệu phục hồi. Sản xuất giấy quý I/2009, tăng 11% so với quý IV/2008 nhưng cũng chỉ bằng 56% so với quý I/2008. Dự báo, sản xuất tháng 4/2009 sẽ cao hơn tháng 3/2009 và bằng 67% so với tháng 4/2008. Tồn kho giấy đã giảm mạnh và trở lại mức bình thường (35.000 tấn). Đáng lưu ý là sản xuất giấy in báo và giấy in viết (hai loại giấy chịu ảnh hưởng của việc giảm thuế nhập khẩu và gian lận thương mại) đã dần phục hồi, tháng 3 tiêu thụ đã đạt 80% so với cùng kỳ năm trước và sẽ sớm đạt được mức sản xuất và tiêu thụ như trước suy thoái. Đầu tháng 4 tiêu thụ giấy tăng mạnh, nhưng từ 16/4/2008 trở lại đây, tiêu thụ chững lại do nhiều người chờ đợi thuế giá trị gia tăng (GTGT) giảm 50% kể từ 1/5/2008, nên dự báo tiêu thụ giấy chỉ nhỉnh hơn tháng 3 chút ít và chắc chắn đến tháng 5 tiêu thụ giấy sẽ tăng nhiều hơn. Dự báo, trong quý II/2009, sản xuất và tiêu thụ giấy sẽ ở mức 82-85% so với quý II/2008 (trước suy thoái kinh tế). Dù chưa thật chắc chắn nhưng ngành giấy đang cố gượng lên và bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Sản xuất có khả năng tăng 12% và tiêu thụ tăng 2% so với năm 2009. Xuất khẩu giấy tăng và nhập khẩu giấy giảm do huy động năng lực sản xuất mới, sản xuất giấy chất lượng cao thay thế giấy nhập khẩu.

Còn sớm để cho rằng, ngành giấy đã bước qua khủng hoảng, nhưng những gì diễn ra trong năm qua đã khẳng định sức chịu đựng và khả năng phát huy nội lực của các doanh nghiệp trong ngành giấy. Suốt 20 năm qua, các doanh nghiệp đã quen với sự tăng trưởng hàng năm 16-18%, nay cú sốc tồn kho cao vọt do tiêu dùng suy giảm đột ngột đã khiến các doanh nghiệp choáng váng. Nhưng ngay lập tức, các doanh nghiệp nhanh chóng rà soát lại toàn bộ hệ thống quản lý và sản xuất, lấy mục tiêu duy trì sản xuất ở mức tối đa, sắp xếp để bảo toàn lực lượng lao động (có thể thiếu việc nhưng không mất việc). Hàng loạt các biện pháp được thực hiện như: hoàn thiện dây chuyền sản xuất; cải tiến kỹ thuật; giảm tiêu hao nguyên liệu, năng lượng, lao động; tăng cường biện pháp kỹ thuật trong xử lý chất thải; đẩy mạnh tiêu thụ; đánh giá lại các dự án đầu tư để tạm ngừng hay đẩy nhanh tiến độ; tính lại phương án kinh doanh chấp nhận giảm lãi; áp dụng chính sách tiêu thụ linh hoạt qua chiết khấu…Nhờ những biện pháp tổng thể, sau 3- 4 tháng, hầu hết các doanh nghiệp đã ổn định dần hoạt động trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Cũng nhờ vậy, giá bán sản phẩm đã giảm 2-3 lần trong thời gian qua, thậm chí giấy in viết đã hai lần giảm giá trong vòng 20 ngày.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng nắm rất sát các diễn biến sản xuất, xuất nhập khẩu và tiêu thụ giấy, có nhiều biện pháp trực tiếp giúp đỡ hoặc kiến nghị với Chính phủ những giúp ngành duy trì sản xuất và lực lượng lao động. Bộ Công Thương và Bộ Tài chính thường xuyên làm việc với Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Những quyết định về thuế suất thuế nhập khẩu, thuế GTGT, thời hạn nộp thuế GTGT đối với thiết bị đầu tư nhập khẩu… đã thực sự góp phần vào kích thích tiêu dùng giấy, kích thích sản xuất giấy. Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cũng theo dõi rất sát và thường xuyên báo cáo tình hình của ngành, cung cấp các thông tin cần thiết khác và đề đạt kịp thời những kiến nghị của các doanh nghiệp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính…Hiệp hội đã thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp tình hình thị trường trên thế giới, trong khu vực và trong nước; đưa ra những dự báo trong từng thời kỳ để các doanh nghiệp tham khảo, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để đánh giá kịp thời tình hình và thống nhất các giải pháp hành động.

Bài học lớn rút ra từ khả năng thoát khỏi suy thoái của một ngành sản xuất cũng không có gì to tát. Đó vẫn chỉ là sự phát huy nội lực nhanh chóng, tức thời; việc thực hiện đầy đủ chức năng của bộ máy (các Bộ, các tổ chức…), lòng quyết tâm, sự kiên trì và đoàn kết thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Nhà nước, Chính phủ.

Nguồn: Báo điện tử Công thương