Ngành Giấy: Loay hoay bài toán nguyên liệu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trừ Giấy Bãi Bằng, Giấy Tân Mai chủ động được phần lớn nguồn bột giấy, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng đang có những dây chuyền sản xuất bột giấy từ giấy phế liệu, có khả năng cạnh tranh tốt hơn nhưng vẫn còn phải nhập khẩu thêm bột giấy. Còn lại, đa phần các đơn vị khác không chủ động được nguồn bột giấy đều rơi vào tình trạng căng thẳng, sản phẩm làm ra có giá thành cao nên rất khó cạnh tranh. Đặc biệt, tình trạng khuyến khích nhập khẩu, hạn chế xuất khẩu trong ngành giấy thời gian qua khiến nhiều người đặt ra câu hỏi là tại sao Việt Nam có rất nhiều rừng nguyên liệu giấy, gỗ nguyên liệu sử dụng không hết phải xuất khẩu thô dưới dạng dăm mảnh lợi nhuận thấp nhưng vẫn bị phụ thuộc chặt chẽ vào thị trường giấy và bột giấy trên thế giới.

Kiềm chế xuất khẩu, đẩy mạnh nhập khẩu

Thời gian qua, khi cả nước thực hiện đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu thì ngành Giấy phải làm ngược lại là kiềm chế xuất khẩu, đẩy mạnh nhập khẩu.

Theo ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, mặc dù năm 2008 sản xuất giấy cả nước tăng trưởng cao nhất trong vòng 20 năm qua (tăng 18% so với năm 2007 trong khi năm 2007 đã tăng 16,84%) nhưng do nhu cầu tiêu thụ mạnh nên ngành giấy vẫn phải nhập siêu khá cao. Ứớc tính năm 2008 cả nước sẽ nhập khẩu 160.000 tấn bột giấy và 1.093.300 tấn giấy, tăng lần lượt là 45% và 27% so với năm 2007.

Trong khi đó, để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã phải giải “bài toán ngược”, đó là đề nghị giảm thuế nhập khẩu đối với giấy in báo và giấy in & viết; áp dụng thuế VAT 5% đối với giấy và bột giấy để khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu. Đồng thời, sử dụng mọi biện pháp để kiềm chế lượng giấy xuất khẩu, cho dù các nước trong khu vực rất săn đón mong được nhập khẩu giấy của Việt Nam. Vì vậy, xuất khẩu toàn ngành năm 2008 chỉ đạt 169.000 tấn, bằng 88% so năm 2007. Giải pháp này đã góp phần rất lớn vào quá trình bình ổn thị trường giấy trong thời gian qua. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nguyên nhân bất khả kháng góp phần làm tăng tình trạng nhập siêu của cả nước.

Hiệp hội Giấy cũng dự báo, nhu cầu giấy tiêu dùng năm 2009 sẽ lên tới 2,7 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2008. Trong khi đó, năng lực sản xuất dù tăng tới 24% nhưng cũng chỉ đạt 1,617 triệu tấn. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu, ngành Giấy sẽ phải nhập khẩu trên 1 triệu tấn giấy, tăng khoảng 16%, nhập khẩu 191.000 tấn bột, tăng 19,31%. Xuất khẩu sẽ kiềm chế ở mức 200.000 tấn, tăng 7% so với 2008 và hạn chế chủ yếu ở mặt hàng giấy vàng mã, giấy tissue cuộn lớn và giấy in&viết chất lượng cao. Nhằm hỗ trợ cho vấn đề này, vừa qua Bộ tài chính đã có Quyết định số 71/2008/QĐ-BTC cho phép giảm thuế nhập khẩu giấy in báo từ 30 xuống 20%, giấy và các-tông không tráng dùng để in, viết giảm từ 32% xuống 25% để hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu.

Vì sao gỗ thừa bột vẫn thiếu

Nguyên nhân của tình trạng “tăng nhập, giảm xuất” hiện nay là do chúng ta quá thiếu bột giấy nguyên liệu mặc dù gỗ không hề thiếu. Hiện cả nước có khoảng trên 300.000 ha rừng nguyên liệu. Mỗi năm trồng mới khoảng 7.000 ha nhưng mới chỉ có 1 số nhà máy sản xuất bột giấy sử dụng lượng gỗ không đáng kể. Để giải quyết lượng gỗ tồn đọng, nhiều năm nay, Việt Nam phải xuất khẩu một lượng dăm mảnh tương đối lớn. Trong đó, riêng TCty Giấy Việt Nam đã xuất khẩu trên 183.000 tấn dăm mảnh/năm.

Nhiều rừng nguyên liệu ở Thanh Hóa, Kon Tum đã đến tuổi khai thác nhưng không có đầu ra nên phải bán gỗ cho tư nhân hoặc các doanh nghiệp dùng vào các mục đích khác. Với người trồng rừng thì bán cho ai cũng là tiền, vấn đề là ngành giấy đã phải đầu tư một lượng vốn không nhỏ cho người trồng rừng nguyên liệu nhưng không thể thu mua gỗ vì chưa có nhà máy chế biến bột giấy. Trong khi đó, lượng bột giấy nhập khẩu lại lên tới gần 200.000 tấn vào năm tới với lượng ngoại tệ cao hơn nhiều so với lượng xuất khẩu. Đồng thời, giấy in báo và giấy in viết cũng đang được khuyến khích nhập khẩu vì cung chưa đáp ứng đủ cầu.

Các chuyên gia cho rằng, lý do lớn nhất dẫn đến việc “khuyến khích nhập siêu” hiện nay là do ngành Giấy đang mất cân đối nghiêm trọng giữa khâu sản xuất bột giấy và sản xuất giấy. Năng lực sản xuất bột giấy mới đáp ứng được một nửa nhu cầu sản xuất giấy. Vì vậy, “sức khỏe” của ngành giấy hòan toàn phục thuộc vào “nhiệt độ” của thị trường thế giới mà đã từ lâu chỉ tăng không giảm. Các doanh nghiệp lại chỉ chú ý đến đầu tư nhà máy sản xuất giấy vì đầu tư vào sản xuất bột giấy yêu cầu vốn cao, thu hồi vốn chậm, đặc biệt là rất tốn kém trong việc xử lý môi trường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến từ nhiều năm nay không có dự án lớn nào mới đầu tư đi vào hoạt động, trừ dự án đầu tư mở rộng Công ty giấy Bãi Bằng giai đoạn 1. Còn lại hầu như tất cả các dự án đầu tư sản xuất giấy và bột giấy đều bị chậm tiến độ. Chưa kể Dự án bột giấy Kon Tum “giữa đường đứt gánh”, chỉ tính riêng TCty Giấy Việt Nam đã có Dự án Bãi Bằng giai đoạn II công suất 250.000 tấn bột/năm, Dự án Cty CP giấy Thanh Hóa công suất 100.000 tấn bột, 100.000 tấn giấy/năm cũng bị chậm tiến độ nhiều năm nay.

Bên cạnh đó, hàng loạt dự án khác cũng bị chậm vì lý do chính là thiếu vốn bởi các ngân hàng không muốn cho vay do hiệu quả kinh tế không cao, thời gian thu hồi vốn quá lâu. Vì vậy, dù có hàng trăm ha rừng nguyên liệu trong tay nhưng ngành giấy vẫn chưa chủ động được nguồn bột nguyên liệu nên tình trạng nhập siêu vẫn còn đó. Tình trạng mất cân đối cung cầu đã khiến một số doanh nghiệp “liều mình” xây dựng nhà máy bột giấy công suất nhỏ để đón bắt thời cơ. Tuy nhiên, với quy mô quá nhỏ, các nhà máy này không chỉ làm tăng giá thành sản xuất do vận chuyển bột đến nhà máy xeo giấy quá xa làm tăng chi phí mà còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do không có hệ thống thu hồi hóa chất, xử lý nước thải, chất thải.

Hàng loạt nhà máy sắp ra đời

Theo các chuyên gia, giải pháp duy nhất cho tình trạng cung cầu giấy hiện nay là phải khẩn trương xây dựng nhà máy giấy và bột giấy quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường. Đồng thời, nhất thiết phải có lộ trình loại bỏ dần các nhà máy quy mô nhỏ dưới 30.000 tấn/năm để giải quyết bài toán về giá thành và môi trường. Nắm bắt được nhu cầu “khát” bột giấy nguyên liệu, hiện nay đang có rất nhiều dự án của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau trong và ngoài nước muốn đầu tư vào các dự án sản xuất bột giấy và giấy.

Riêng TCty Giấy đang khẩn trương hòan thành một số dự án lớn dự kiến đưa vào hoạt động năm 2011 gồm Nhà máy giấy và bột giấy Thanh Hóa công suất 100.000 tấn bột giấy/năm và 100.000 tấn giấy/năm; dự án mở rộng Công ty giấy Bãi Bằng giai đoạn 2, công suất 250.000 tấn bột/năm; Dự án nâng cấp 2 máy xeo giấy hiện nay tăng công suất lên 30% dự kiến hoàn thành năm 2009; Dự án Bột tái sinh khử mực (DIP) của Cty Giáy Tissue Sông Đuống sẽ hoàn thành tháng 10/2008. Cty Giấy Tân Mai cũng đang có kế hoạch đầu tư các Nhà máy sản xuất bột giấy và giấy tại các tỉnh Kon Tum, Lâm Đồng, Quảng Ngãi và Đồng Nai có tổng công suất 480.000 tấn giấy và 430.000 tấn bột/năm với tổng vốn đầu tư thực hiện cả 4 dự án khoảng 6.070 tỷ đồng. Cụ thể: Dự án đầu tư Nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai – Tây Nguyên công suất 130.000 tấn giấy, 100.000 tấn bột giấy hoàn thành năm 2012; Nhà máy giấy Tân Mai – Miền Đông công suất 150.000 tấn giấy in báo/năm dự kiến năm 2010 sẽ hoàn thành; Dự án Nhà máy bột giấy Tân Mai – Lâm Đồng công suất 200.000 tấn bột dự kiến năm 2010 sẽ hoàn thành. Dự án Nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai – Quảng Ngãi công suất 200.000 tấn giấy và 130.000 tấn bột sẽ hoàn thành năm 2011.

Đặc biệt, Cty TNHH Lee & Man Hậu Giang cũng đang đầu tư nhà máy công suất 330.000 tấn bột, 420.000 tấn giấy làm bao bì. Cty CP giấy An Hòa đầu tư dây chuyền sản xuất 130.000 tấn bột; Cty CP giấy Sài Gòn – Bình Định công suất 140.000 tấn bột; Cty CP Giấy và Bột giấy Việt – Lào – Hà Tĩnh công suất 130.000 tấn bột/năm. Các nhà máy đều đi vào hoạt động năm 2010 và rất nhiều dự án khác. Riêng Tập đoàn APP (nhà máy sản xuất giấy lớn thứ 3 Châu Á) đang xin được đầu tư nhà máy sản xuất bột công suất 1 triệu tấn/năm kết hợp vói trồng rừng nguyên liệu nhưng hiện nay vẫn chưa tìm được địa điểm đầu tư thích hợp.

Vẫn cần một chính sách hỗ trợ hợp lý

Các chuyên gia cho rằng, dù muộn còn hơn không, việc đầu tư các nhà máy bột giấy là rất cần thiết. Tuy nhiên, để các dự án đi vào hoạt động đúng tiến độ, có hiệu quả, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về đầu tư đối với ngành Giấy; đồng thời hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách cho các hạng mục nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng và hạng mục xử lý môi trường với các khu công nghiệp giấy.

Trong điều kiện bột giấy thế giới luôn tăng giá như hiện nay, nếu ngành Giấy chủ động được bột giấy trong nước thì sẽ ổn định thị trường tốt hơn. So với những ngành làm theo thời vụ như mía đường, dứa, vải…, các dự án trồng rừng và xây dựng Nhà máy sản xuất giấy và bột giấy cần thời gian gấp 2 –3 lần, cần nguồn vốn lớn, thu hồi vốn chậm nhưng khi đã đủ chu kỳ khai thác thì vùng nguyên liệu sẽ được khai thác liên tục, trở thành nguồn nguyên liệu chủ động và thị trường giấy sẽ không còn lệ thuộc vào thị trường thế giới, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn người dân trồng rừng. Vì vậy, ngành Giấy rất cần sự hỗ trợ về vốn cũng như những ưu tiên cần thiết.

Chính phủ cũng nên có chính sách khuyến khích tái chế giấy hoặc chính sách khấu trừ thuế VAT đối với nguyên liệu là giấy loại thu gom trong nước để vừa tiết kiệm tài nguyên vừa giảm ô nhiễm môi trường.

Nguồn: Báo điện tử Công thương