Ngành giấy sau 2 năm gia nhập WTO
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Với ngành giấy, ở Việt Nam sau khi đạt đỉnh cao trong tháng 7, sản xuất giấy trong nước giảm sút nhanh chóng. So với tháng 7, sản xuất giấy các tháng 8,9,10,11 lần lượt là 90%, 70%, 55% và 31%. Các nhà lãnh đạo Hiệp hội Giấy dự báo tháng 12 sản lượng chỉ còn bằng 26% so với tháng 7/2008. Sản xuất thì giảm xuống nhưng giấy tồn kho lại tăng lên từ 2000 tấn vào tháng 8, đến nay vọt lên 140 nghìn tấn (11/2008), bằng 3 lần sản lượng làm ra trong tháng. Làm ra dù giảm mà tiêu thụ vẫn hạn chế đã khiến nhiều nhà máy đóng cửa tạm thời hoặc vĩnh viễn. Có công ty tranh thủ lúc này “bảo dưỡng” máy móc để chờ thời.

Sản xuất giảm mà vẫn tồn kho cao phải chăng xã hội không có nhu cầu dùng giấy nữa, phải chăng do internet phát triển mạnh mẽ nên chẳng ai in báo, in sách mà đọc trên mạng hết?

Hoàn toàn không phải vậy, tiêu dùng giấy năm 2008 vẫn đạt khoảng 2 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2007. Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, giấy nhập vào đã bóp nghẹt sản xuất trong nước. Giấy từ các quốc gia phát triển do khủng hoảng đã đẩy mạnh bán vào các quốc gia sản xuất còn lạc hậu, giá thành còn cao như nước ta. Các nhà lãnh đạo Hiệp hội Giấy cho hay, từ tháng 7/2008 đến tháng 11/2008, tỷ lệ giấy báo nhập khẩu so với sản xuất trong nước tăng vùn vụt là 25%, 42%, 47%, 56% và 75%. Dự báo tháng 12, giấy nhập khẩu chiếm 86%. Những năm trước đây, tỷ lệ giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu của ngành giấy luôn là 63/37. Nay do nhập khẩu tăng vọt nên tỷ lệ do rút ngắn còn 50/50. Giấy nhập khẩu có chất lượng cao hơn, giá bán rẻ hơn sẽ đẩy ngành giấy vào bế tắc. Dự báo năm 2009, sản xuất giấy trong nước còn giảm sút hơn khi mà hầu hết các dự án đầu tư sản xuất bột giấy và giấy đã được các nhà đầu tư tuyên bố tạm dừng mà không biết lúc nào sẽ khởi động lại. Có 2 dự án là nhà máy bột giấy An Hoà và nhà máy giấy Kraff Vina đã triển khai một cách từ từ, khó có thể hoàn thành đúng kế hoạch.

Nếu tháng 12 sản xuất chỉ cầm chừng như đã nêu sẽ có 225.000 lao động ngành giấy mất việc làm. Tại sao từ một ngành sản xuất có tỷ trọng cao như thế chỉ một năm thôi ngành giấy đã lâm vào tình trạng bi đát như vậy? Trả lời câu hỏi này, các nhà lãnh đạo Hiệp hội cho rằng lộ trình cắt giảm thuế đã không được thực hiện đúng như cam kết đã đẩy ngành giấy vào thảm họa này.

Theo cam kết thì gia nhập WTO, Việt Nam sẽ giảm dần thuế suất nhập khẩu, giấy in báo, giấy in, viết và các loại giấy khác từ 35% vào năm 2007 xuống còn 20% vào 2012. Với lộ trình kéo dài 4 năm như thế các nhà sản xuất mới có đủ thời gian nâng cao năng lực sản xuất, giảm bớt chi phí hạ giá thành để có khả năng cạnh tranh khi thuế suất nhập khẩu giấy giảm xuống còn 20% vào 2012. Đến 1/1/2008, thuế suất nhập giấy đã giảm 3% còn 32%. Nếu cứ giảm từ từ đến 2012 hoàn tất cam kết thì không có vấn đề gì. Nhưng đùng một cái, không hiểu vì lý do gì, Bộ Tài chính đã sốt sắng bỏ qua lộ trình cam kết để thực thi ngay thuế suất nhập khẩu giấy cam kết từ 15/9/2008, trước thời hạn gần 3 năm 3 tháng. Quyết định 71/2008/QĐ – BTC ngày 1/9/2008 của Bộ Tài chính đã mở đường cho các cường quốc sản xuất giấy trong WTO như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… có cơ hội tràn vào Việt Nam khi ngành giấy trong nước chưa hội đủ điều kiện cạnh tranh.

Cam kết giảm thuế đến năm 2012 còn 20% với sản phẩm giấy có nghĩa là đến lúc dó mới bắt buộc thực hiện thuế suất này. Trong thời gian trước do có thể mỗi năm giảm 1% thậm chí 0,5% cũng không ai phản đối. Ngay với ô tô, chúng ta đã từng giảm xuống 60% thuế nhập khẩu với xe du lịch rồi lại tăng lên 70% rồi 80%… trong khi cam kết tận 2014 mới giảm thuế đến mức 60%. Khả năng rút ngắn thời hạn cam kết còn phải tuỳ vào năng lực sản xuất trong nước và nhiều yếu tố an sinh xã hội khác. Việc đi tắt lộ trình giảm thuế đối với ngành giấy rõ ràng cần được xem xét lại để bảo vệ sản xuất trong nước trong khi còn được phép.

Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị