Ngành nhựa tìm lợi thế cạnh tranh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thay đổi cách quản lý

Từ giáp Tết Kỷ sửu đến nay, mỗi ngày đi làm, chứng kiến cảnh công nhân hì hục đào xới vỉa hè trên nhiều tuyến đường nội thành để lát gạch mới, người điều hành Công ty TNHH RKW-Lotus, TPHCM, băn khoăn với những câu hỏi: “Tại sao gạch lát vỉa hè vẫn còn tốt lại bị phá tung lên rồi để đó một thời gian, thi công chậm, làm choán hết chỗ buôn bán của người dân? Cũng là chuyện đào đường, tại sao trong thế kỷ 21 mà người công nhân vẫn làm việc thủ công như đầu thế kỷ trước? Không lẽ những người quản lý, giám sát công việc này bế tắc trong cách điều hành?”.

Hình ảnh đó đã làm ông liên tưởng đến công tác quản lý, tình hình sản xuất còn rất nhiều điều khiến ông chưa hài lòng ở nhà máy sản xuất bao bì nhựa của công ty nằm trên địa bàn quận Bình Tân.

Nhà quản lý này làm một bài toán so sánh, ở Malaysia, một công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất bao bì nhựa đạt 13-15 tấn sản phẩm/tháng, ở Thái Lan là 10 tấn/tháng, Trung Quốc là 8 tấn/tháng, trong khi đó năng suất của công nhân Việt Nam đạt tối đa là 3 tấn/tháng. Còn ở Đức thì năng suất của một công nhân gấp 10 lần so với Malaysia và Thái Lan.

Và ông lý giải nguyên nhân, một phần là do mức lương tối thiểu của công nhân Việt Nam chỉ khoảng 1,8 triệu đồng/tháng, trong khi đó ở Thái Lan hoặc Malaysia lương công nhân gấp ba, bốn lần so với chúng ta. Mặt khác, phương pháp quản lý của chúng ta chưa bằng các nước khác, từ cấp quản lý đến công nhân làm việc chưa tập trung, tính ổn định còn thiếu cho nên năng suất không thể cao như kỳ vọng”.

Theo Hiệp hội Bao bì Đức, năm 2007, số lượng bao bì nhựa của Việt Nam xuất vào thị trường châu Âu đạt khoảng 50.000 tấn, Thái Lan là 60.000 tấn, Malaysia 175.000 tấn và Trung Quốc là 230.000 tấn. Năm 2008, xuất khẩu bao bì nhựa của Việt Nam vào thị trường này là 65.000 tấn, Thái Lan 45.000 tấn, Malaysia 160.000 tấn, Trung Quốc 225.000 tấn.

Nhận ra những điều đó, từ quí 3-2008 đến nay, Công ty RKW-Lotus đã gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trong thời suy thoái bằng cách tăng năng suất lao động, thay đổi não trạng của cấp quản lý, tăng lương cho nhân viên bình quân 25%/năm. Kế đó là đưa đội ngũ quản lý đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở các nhà máy sản xuất nhựa trên thế giới, đồng thời tổ chức đào tạo lại lực lượng này.

Khi đưa nhân viên đi tham quan nhà máy sản xuất nhựa tại Quảng Châu (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan) và Kuala Lumpur (Malaysia), ông đã hỏi cấp dưới: tại sao họ làm được những việc như vậy còn mình thì không, trong khi phương tiện máy móc, điều kiện làm việc không hề thua kém? Phải chăng chúng ta đang sống và làm việc trong môi trường không năng động, vô hình trung tạo nên tâm lý ù lì, chậm chạp?

Tại Công ty cổ phần Nhựa Rạng Đông, tình hình suy giảm kinh tế từ quí 3-2008 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh thu giảm 30%. Tuy nhiên, theo cách nhìn của ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Nhựa Rạng Đông, đây chính là cơ hội để tìm người giỏi về đầu quân cho công ty.

Chúng tôi tự biết đội ngũ 500 nhân viên của công ty còn hạn chế về kiến thức chuyên môn. Trước khi khủng hoảng kinh tế diễn ra, công việc sản xuất, kinh doanh phát triển liên tục nên không có thời gian chăm lo công tác đào tạo nhân viên. Khi “giông bão” đến, nhà máy ít việc, ban lãnh đạo công ty cho rằng đây là lúc thích hợp để tái cấu trúc lại hệ thống nhân sự, sản xuất. Điều may mắn là trong những lúc “sóng to gió lớn”, công ty vẫn giữ được những cán bộ chủ chốt, đồng thời cử nhân viên đi học, hoặc tổ chức phổ cập kiến thức theo yêu cầu của từng bộ phận trong nhà máy. Bây giờ công ty có muốn đào tạo tiếp cho nhân viên cũng không thể được vì đang vào chu kỳ sản xuất cao điểm những tháng cuối năm”, ông Lam nói.

Ở Công ty cổ phần Đại Đồng Tiến, nếu như giai đoạn 2006-2007, mỗi năm trung bình công ty biến động nhân sự khoảng 50% thì đến năm 2009 tình hình này giảm còn 13%. Theo giải thích của ông Trịnh Chí Cường, Tổng giám đốc Đại Đồng Tiến, là do kinh nghiệm chuyên môn của cấp quản lý ngày càng được tích lũy, nâng cao, thể hiện rõ sự trung thành đối với công ty sau hai năm tái cấu trúc, làm mới nhiều hoạt động trong nội bộ công ty.

Hàng nhựa Việt Nam lên ngôi!

Công ty RKW-Lotus cho rằng mặc dù giá thành sản phẩm của công ty có phần cao hơn sản phẩm bao bì nhựa của Trung Quốc và tương đương với các nước khác trong khu vực nhưng khả năng giành thắng lợi tại thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật là rất lớn vì công ty đã có gần 15 năm kinh nghiệm tại các thị trường này. Một lợi thế khác của công ty là có khả năng sản xuất trên mười loại bao bì nhựa, gấp ba lần chủng loại sản phẩm của doanh nghiệp khác.

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, hiện nay nhu cầu sử dụng hàng nhựa của người dân trong nước chỉ đạt khoảng 28 ki lô gam nhựa/người/năm, trong khi ở Thái Lan là 60 ki lô gam nhựa/người/năm, ở Nhật là 114 ki lô gam/người/năm.Năm năm gần đây mức độ tăng trưởng bình quân của ngành mỗi năm khoảng 15-20%. Riêng lĩnh vực xuất khẩu, năm 2007 đạt 850 triệu đô la Mỹ, năm 2008 là 900 triệu đô la và dự kiến năm 2009 sẽ đạt 950 triệu đô la.

Trong thời gian qua, RKW-Lotus cũng đã nỗ lực thực hiện các chuẩn mực về năng suất, chi phí lao động, để cạnh tranh với các doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa các nước.

Không chỉ RKW-Lotus mà các doanh nghiệp khác như Đại Đồng Tiến, Tân Đại Hưng, Rạng Đông, Duy Tân… cũng cho rằng không ngán ngại sự cạnh tranh hoặc giành thị phần của sản phẩm nhựa Trung Quốc trên sân nhà. Theo đánh giá của các doanh nghiệp này, sản phẩm nhựa gia dụng của Việt Nam đang giữ một vị trí rất quan trọng trong tâm trí người tiêu dùng, trong khi đó doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng nhựa tái sinh hoặc nguyên liệu không có nguồn gốc rõ ràng, có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng nên gần đây không còn được ưa chuộng, dù giá rẻ.

Trên cương vị Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam, ông Hồ Đức Lam cho biết chỉ số tiêu thụ hàng nhựa ở Việt Nam còn rất thấp và tiềm năng trong lĩnh vực này còn rất lớn. Theo ông Lam, sở dĩ hàng nhựa gia dụng Việt Nam cạnh tranh được với hàng Trung Quốc trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu là do: đi đúng hướng, đáp ứng được nhu cầu của đại đa số người tiêu dùng; sản phẩm chất lượng, không sử dụng hóa chất nguy hại.

Hiện nay, sản phẩm của doanh nghiệp nhựa trong nước đang chiếm 80% thị trường phía Nam, miền Bắc là 15%, miền Trung giữ phần còn lại. Trong thời điểm sức mua suy giảm, các doanh nghiệp nhựa cho biết đã không ngừng nghiên cứu thị trường, tung ra sản phẩm mới, tăng cường dịch vụ hậu mãi, tham gia các kỳ hội chợ trên cả nước để tiếp cận khách hàng và dành một khoản ngân sách để nâng cấp hình ảnh thương hiệu.

Theo ông Trịnh Chí Cường, Công ty Đại Đồng Tiến, nhu cầu sử dụng hàng nhựa của người tiêu dùng tuy có giảm trong thời gian qua nhưng vẫn không đáng kể bởi đồ nhựa có thể thay thế và tiện ích hơn các vật dụng khác được làm từ gỗ, ván ép, sắt, inox… Nhắm đến đối tượng chính là người tiêu dùng thành thị, từ quí 4-2008, Đại Đồng Tiến cũng đã đưa ra thị trường dòng sản phẩm nội thất cao cấp và dòng sản phẩm nhựa gia dụng có tính năng kháng khuẩn.

*  *  *

Theo đánh giá của ông Phạm Trung Cang, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, thời điểm này các doanh nghiệp nhựa trong nước đang có nhiều cơ hội, ưu thế để xuất khẩu hàng vào các thị trường khó tính vì hàng nhựa Trung Quốc đang bị nhiều nước tẩy chay sau hàng loạt thông tin nhiều chủng loại hàng hóa của nước này có hóa chất độc hại. “Ngày nay, nhiều siêu thị ở Mỹ, châu Âu đã bày bán sản phẩm nhựa do Việt Nam sản xuất, trong khi một hai năm trước đa số là hàng Trung Quốc. Thị trường Campuchia 10 năm trước bị hàng nhựa Thái Lan chiếm lĩnh, nay hàng Việt Nam cũng đã đẩy lùi sản phẩm của người Thái”, ông Cang cho biết.

Ông Lam cho rằng dù tiềm năng của ngành nhựa Việt Nam rất lớn nhưng giá trị xuất khẩu vẫn chưa tương xứng với năng lực của ngành. Chiếm 40-50% sản phẩm nhựa Việt Nam xuất khẩu là túi sử dụng trong siêu thị. Chính vì thế, mục tiêu của hiệp hội đặt ra, trong giai đoạn 2010-2020, là sẽ đẩy mạnh phát triển sản phẩm nhựa gia dụng (vốn là thế mạnh lâu nay). Song song đó là chuyển dịch sang những sản phẩm nhựa phục vụ trong ngành công nghiệp. Những con đường phát triển trong tương lai đã được Hiệp hội Nhựa Việt Nam và các doanh nghiệp trong
ngành nhìn thấy, vấn đề còn lại là cách đi của họ sẽ như thế nào sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế?

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online