Nghị định 119: Đòn bẩy giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Lý giải về số lượng DN đăng ký xin hỗ trợ kinh phí hàng năm không nhiều, ông Nguyễn Trọng Thụ – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ KH &CN cho rằng: việc thông tin tuyên truyền về Nghị định này chưa được tiến hành thường xuyên và rộng rãi nên các DN không biết chủ trương này. Hơn nữa kinh phí hỗ trợ còn thấp (không quá 30% tổng kinh phí thực hiện) nên khả năng huy động 70% vốn đối ứng từ nguồn tự có cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với DN nhỏ. Trong khi đó, Nghị định cũng chưa nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các DN lớn, nhất là các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty. Các quy định về hồ sơ xin hỗ trợ, thủ tục cấp, thanh toán kinh phí chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

Mặc dù số lượng DN được hỗ trợ không nhiều, nhưng những tác động tích cực của Nghị định 119 đối với DN cũng không phải là nhỏ. Điều quan trọng là nhận thức của DN về vai trò của KH &CN trong phát triển sản xuất kinh doanh được nâng lên; từ đó tạo đòn bẩy “kích cầu” làm cho DN mạnh dạn đầu tư vào hoạt động nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ công nghệ và khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Điều này thể hiện ở số kinh phí DN tự bỏ ra để nghiên cứu khoảng 300 tỷ đồng, gấp gần 3 lần số kinh phí do nhà nước hỗ trợ. Hơn nữa chính sách hỗ trợ kinh phí cũng không phân biệt đối xử, tạo “sân chơi” bình đẳng cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, trong đó có các DN ngoài quốc doanh; đồng thời, thiết lập mối quan hệ, liên kết giữa DN với các tổ chức KH &CN. Trong số 111 DN được hỗ trợ, DN nhà nước chiếm 54%, DN thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh chiếm 45,9%. Trong đó, lĩnh vực kỹ thuật công nghệ chiếm tỷ lệ cao (69%, nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 17%…

Các chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích hỗ trợ doanh nghệp áp dụng Nghị định 119

– Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho các hoạt động ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ KH &CN.

– Miễn giảm thuế thu nhập DN với thu nhập từ việc thực hiện các hợp đồng nghiên cứu – phát triển, dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ, bí quyết kỹ thuật, quy trình công nghệ.

– Ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất đối với đất để xây dựng cơ sở nghiên cứu KH &CN, phòng thí nghiệm, trạm, trại, xưởng thực nghiệm.

– Ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu là máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu… phục vụ trực tiếp cho các nhiệm vụ KH &CN mà trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu.

– Ưu đãi về tín dụng.

– Các chính sách khuyến khích khác: Khi sử dụng các kết quả KH &CN do nhà nước đầu tư, doanh nghiệp chỉ phải trả tiền thù lao cho tác giả, mức thù lao bằng 30% giá chuyển giao công nghệ; Được hỗ trợ 30% kinh phí để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu tạo ra các công nghệ mới thuộc 5 lĩnh vực được Nhà nước ưu tiên (nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới; nghiên cứu tạo ra công nghệ mới; nghiên cứu tạo ra dây chuyền công nghệ đạt trình độ tiên tiến; nghiên cứu tạo ra công nghệ sản xuất sử dụng tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu; nghiên cứu công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường). Doanh nghiệp cũng được trích 50% thu nhập tăng thêm sau thuế trong 3 năm do áp dụng công nghệ mới để đầu tư lại cho KH &CN và thưởng cho cá nhân, tập thể có công nghiên cứu, tạo ra công nghệ và áp dụng công nghệ mới.

Hàng năm, Bộ KH &CN thông báo công khai chủ trương hỗ trợ, thành lập các Hội đồng thẩm định để tư vấn giúp Bộ xem xét hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu đổi mới công nghệ.

AT

Một số kết quả nghiên cứu đổi mới công nghệ của DN đã được đưa vào ứng dụng trong các công trình tầm cỡ quốc gia. một số DN đã được chỉ định thầu các công trình với giá trị hàng chục triệu USD. Điển hình như Công ty đóng tàu Hạ Long được hỗ trợ 2 tỷ đồng (trên tổng số 50 tỷ đồng thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và đổi mới công nghệ) đã xây dựng thành công đà bán ụ 25.000 tấn phục vụ việc đóng tàu tải trọng lớn (từ 6.500 tấn đến 22.500 tấn) để xuất khẩu cho Nhật Bản. Hiện sản phẩm này đang được sử dụng trong đóng thử tàu container 610 TEU và đóng tàu 30.000 tấn để xuất khẩu cho Ba Lan. Kết quả nghiên cứu đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất của Công ty lên gấp đôi với tổng giá trị sản phẩm 2.000 tỷ đồng /năm.

Xí nghiệp cơ khí Quang Trung (Ninh Bình) cũng được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu thiết kế chế tạo cổng trục một dầm 450 tấn. Từ kết quả nghiên cứu thiết kế này, lần đầu tiên tại Việt Nam, Xí nghiệp đã chế tạo thành công và đưa vào sử dụng cổng trục 200 tấn tại cảng Bến Kiền, phục vụ cho Chương trình đóng tàu 53.000 tấn, góp phần bổ sung đơn hàng 14 tỷ USD đóng tàu năm 2007.

Công ty Chế tạo điện cơ Hà Nội đã nghiên cứu thiết kế và chế tạo động cơ điện đồng bộ công suất đến 500kV đạt tiêu chuẩn của Nhật Bản -JEC 317. Đây là sản phẩm đầu tiên được sản xuất ở Việt Nam và đã được đưa vào sử dụng tại công trình thủy lợi (Nam Định). Sau khi được ứng dụng (năm 2006) doanh thu từ kết quả nghiên cứu đạt 5 tỷ đồng, lợi nhuận đạt được khoảng 500 triệu đồng.

Công ty cơ khí lắp máy Bộ Xây dựng đã nghiên cứu chế tạo thành công máy tổ hợp và nắn dầm thép công nghiệp có áp suất thủy lực 250kg/cm2 thay thế sản phẩm nhập khẩu với giá bằng 50% giá nhập khẩu. Công ty đã đưa vào sử dụng 2 tổ hợp nắn dầm thép công nghiệp làm lợi hàng chục tỷ đồng /năm. Được biết, nhu cầu kế hoạch trong tương lai của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam cần 30-50 tổ hợp, như vậy khả năng làm lợi của sản phẩm này có thể lên đến tới hàng trăm tỷ đồng.

Công ty TNHH Bách Khoa (Hà Nội) được Nhà nước hỗ trợ 1, 1 tỷ đồng để nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất 4 loại phụ gia trợ nghiền cho công nghiệp sản xuất xi măng đã tạo ra sản phẩm ít độc hại, giá thành rẻ (giảm 20%), được nhiều nhà máy xi măng chấp nhận sử dụng, tiết kiệm được hàng tỷ đồng. Tổng doanh thu từ các hợp đồng bán phụ trợ nghiền của Công ty trong 2 năm (9/2002-9/2004) đạt khoảng 5 tỷ đồng (tăng gấp đôi so với trước khi được hỗ trợ).

Trong thời gian tới, để những chính sách hỗ trợ của nhà nước thực sự tạo động lực cho DN nghiên cứu và đổi mới công nghệ, Bộ KH &CN cũng đưa ra một số hướng sửa đổi các quy định liên quan đến các ưu đãi trực tiếp và gián tiếp đối với DN, các quy định liên quan đến thủ tục thanh quyết toán, nâng mức hỗ trợ kinh phí từ 30% lên 50%.


Nghị định 119 tạo “cú hích” đi sâu vào lĩnh vực khoa học

Ông Nguyễn Tăng Cường, Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung

Giai đoạn đầu chúng tôi rất vất vả, đầu tư tất cả vốn liếng vào lĩnh vực khoa học. Nhưng trớ trêu thay là khi nghiên cứu đã rất khó khăn nhưng khi thành công mang sản phẩm đi bán lại không có ai mua. Chúng tôi phải bươn chải, trả giá cho những vấn đề khoa học mất hơn chục năm. Thành lập từ năm 1988 đến năm 2000 mới tạo dựng được thương hiệu.

Là DN tư nhân, lúc đầu chúng tôi nghĩ có sự phân biệt đối xử, quan niệm Nhà nước chỉ quan tâm tới DNNN. Nhưng khi Nghị định 119 ra đời từ năm 1999, nhưng tới năm 2005 chúng tôi mới được tiếp cận thông qua việc hỗ trợ một phần kinh phí nghiên cứu đề tài KH &CN: “Nghiên cứu thiết kế chế tạo cổng trục 450 tấn” làm cho nhà máy đóng tàu Nam Triệu. Từ đó tạo cho chúng tôi một niềm phấn khởi lớn, có động lực, tạo “cú hích” cho chúng tôi đi sâu vào lĩnh vực khoa học.

Với phương châm “Khoa học công nghệ là then chốt” trong sản xuất kinh doanh, Xí nghiệp cơ khí Quang Trung đã đầu tư chiều sâu vào khoa học kỹ thuật từng bước nghiên cứu ứng dụng và tiêu chuẩn hóa các sản phẩm, sản xuất thành công các loại cầu trục có sức nâng từ 51- 200 tấn, cổng trục từ 10-700 tấn, cần cẩu chân đế đến 200 tấn… đạt tỷ lệ gia công chế tạo trong nước đến 90%. Đến nay, đơn vị đã làm chủ được công nghệ tiên tiến về thiết kế và công nghệ lắp ráp các cần cẩu siêu trường, siêu trọng.

Hoạt động KHCN tạo nên giá trị của doanh nghiệp

Ths. Vũ Thị Thuận – Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần TRAPHACO

Trong tình hình hiện nay, hầu hết các DN mới chỉ dừng ở giai đoạn nghiên cứu ứng dụng, chưa đẩy mạnh nghiên cứu có tính chiến lược. Các DN mới chỉ dừng ở mức đầu tư cho nghiên cứu làm sao thu hồi nhanh vốn đầu tư. Thông qua Nghị định 119, Nhà nước đã giúp DN dám mạnh dạn nghiên cứu đề tài mang tính chiến lược.

Trong thời gian qua Công ty được hỗ trợ thực hiện 2 đề tài theo Nghị định 119. Trong đó, đề tài: “Nghiên cứu trồng cây chè dây an toàn làm nguyên liệu phục vụ sản xuất thuốc Ampelop và các chế phẩm phòng, điều trị bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng” đã giúp Công ty có được quy trình nhân giống và quy trình trồng cây chè dây an toàn, tiêu chuẩn hóa nguyên liệu, nâng cấp chỉ tiêu đánh giá chất lượng sản phẩm bằng phương pháp hiện đại. Sản phẩm Ampelop đã bán trên thị trường với doanh thu hàng năm từ 7-10 tỷ đồng và được xuất khẩu. Qua đó, uy tín của công ty ngày càng được khẳng định – đó là giá trị vô hình của DN. Trong quá trình thực hiện, các đề tài cũng đã góp phần đào tạo được 1 tiến sĩ, 2 thạc sĩ và 1 cán bộ khoa học.

Nghị định này thể hiện sự sáng tạo trong hoạt động KHCN, đã khai thác được nguồn lực sẵn có của DN như nhân lực, cơ sở vật chất, nguồn vốn. Đặc biệt những đề tài thực hiện theo Nghị định này thường có tính khả thi cao và mang tính thực tiễn cao, do xuất phát từ nhu cầu bức xúc của DN. Hơn nữa, bản thân các DN cần thấy rằng đây lợi ích của mình vì chỉ có cạnh tranh bằng KHCN mới là canh tranh cao nhất.

Làm KHCN không phải quá cao siêu

Ông Nguyễn Văn Thụ – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam

Nhờ có cơ chế khuyến khích này nhiều DN nhận thức được rằng làm khoa học công nghệ không phải quá cao siêu, chỉ dành cho các nhà khoa học. nếu tổ chức tốt bộ máy quản lý kỹ thuật của DN và có sự kết hợp chặt chẽ với các nhà khoa học, các viện, các trường để tạo ra những dây chuyền thiết bị tiên tiến không phải là không làm được. Thực tế trong sản xuất đã minh chứng cho điều này.

Trước đây nói đến nghiên cứu khoa học là nghĩ tới đề tài ở các viện, các trường, các nhà khoa học, trong DN mấy ai nghĩ đến làm KHCN. Từ khi Nghị định 119 ra đời, hoạt động nghiên cứu KHCN đã diễn ra sôi nổi ở một số DN cơ khí thuộc nhiều thành phần kinh tế. Có những DN tư nhân tự thiết kế chế tạo nhiều thiết bị công nghệ như máy đóng cọc, thiết bị nắn dầm thép lớn đưa vào sản xuất thành công. Có DN đầu tư vào công nghệ mới tiên tiến để gia công dập nhiều chi tiết ô tô để nâng dần tỷ lệ nội địa hóa tới 60-70% tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao cho ngành chế tạo thiết bị đồng bộ. Có DN thành công trong việc tự động hóa khâu thiết kế, chế tạo các cầu trục có tải trọng đến 500T. Với tỷ lệ các cầu trục sản xuất trong nước đạt 80-90% tiết kiệm cho Nhà nước hàng chục triệu USD nhập siêu. Các cơ sở sau khi được thực hiện một vài dự án thành công, họ cảm thấy tự tin và sẵn sàng làm tiếp những dây chuyền mới tiên tiến để nâng dần hàm lượng công nghệ của doanh nghiệp.

Hiệu quả của việc nghiên cứu triển khai đã tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích của nhà khoa học – doanh nghiệp – nhà nước. Vì vậy, khuyến khích các DN đầu tư vào KHCN theo Nghị định 119 là con đường ngắn nhất, thuận tiện nhất để doanh nghiệp mạnh dạn cải tiến dây chuyền công nghệ, chế tạo các công cụ tiên tiến hơn nhằm tạo ra các sản phẩm mới có sức cạnh trạnh cao.

Nguồn: Báo Khoa học và phát triển