Nghị định mới của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay; thủ tục xử lý tàu bay bị bỏ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nghị định gồm 4 Chương, 13 Điều và 04 phụ lục quy định về việc thực hiện bắt giữ tàu bay, thả tàu bay đang bị bắt giữ và thủ tục xử lý tàu bay bị bỏ tại Việt Nam. Nghị định chỉ điều chỉnh đối với tàu bay theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến bắt giữ tàu bay, thả tàu bay đang bị bắt giữ và xử lý tàu bay bị bỏ tại Việt Nam.

1. Về việc thực hiện bắt giữ tàu bay

Mục 1 Chương II của Nghị định quy định về việc bắt giữ tàu bay như sau:

Sau khi nhận được Quyết định bắt giữ tàu bay và ngay khi tàu bay hạ cánh hoặc sau khi nhận được Quyết định hủy Quyết định thả tàu bay của Tòa án theo quy định tại Điều 10 Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tày bay, Giám đốc Cảng vụ hàng không hoặc Trưởng Đại diện Cảng vụ hàng không có trách nhiệm ra Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay; chủ trì, phối hợp chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện việc không cho phép tàu bay cất cánh và giải quyết các công việc có liên quan đến thủ tục xuất nhập cảnh đối với hành khách, thủ tục hải quan hàng hóa theo chuyến bay.

Cảng vụ hàng không có trách nhiệm gửi ngay Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay cho Tòa án đã ra Quyết định bắt giữ tàu bay.

Người đề nghị cấp phép bay, người khai thác tàu bay, người chỉ huy tàu bay có nghĩa vụ thông báo với Giám đốc Cảng vụ hàng không hoặc Trưởng đại diện Cảng vụ hàng không về người thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với tàu bay bị bắt giữ trong thời hạn tàu bay bị bắt giữ tại cảng hàng không, sân bay.

2. Về thủ tục thực hiện việc thả tàu bay đang bị bắt giữ

Nghị định quy định về thủ tục thực hiện việc thả tàu bay đang bị bắt giữ như sau:

Ngay sau khi nhận được Quyết định thả tàu bay đang bị bắt giữ, Quyết định hủy Quyết định bắt giữ tàu bay của Tòa án hoặc trong trường hợp hết thời hạn bắt giữ tàu bay theo quy định, Giám đốc Cảng vụ hàng không hoặc Trưởng Đại diện Cảng vụ hàng không có trách nhiệm ra ngay Quyết định hủy Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay; chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai các công việc cần thiết để cho phép tàu bay cất cánh và giải quyết các công việc có liên quan đến thủ tục xuất nhập cảnh đối với hành khách, thủ tục hải quan đối với hàng hóa theo chuyến bay.

Cảng vụ hàng không có trách nhiệm gửi ngay Quyết định hủy Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay cho Tòa án đã ra Quyết định thả tàu bay đang bị bắt giữ, Quyết định hủy Quyết định bắt giữ tàu bay.

Ngoài ra, khoản 3 Điều 8 của Nghị định cũng quy định rõ iệc tiếp tục khai thác tàu bay đã được chỉ được tiến hành sau khi người có quyền và nghĩa vụ đối với tàu bay đã thanh toán hoặc thỏa thuận thanh toán các chi phí phát sinh liên quan đến việc bắt giữ tàu bay tại cảng hàng không, sân bay.

3. Về thủ tục xử lý tàu bay bị bỏ

Theo quy định của Nghị định thì có 4 trường hợp được coi là tàu bay bị bỏ, cụ thể như sau:

Trường hợp 1: Sau khi Quyết định bắt giữ tàu bay của Tòa án hết hiệu lực mà không cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào đứng ra thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan đến tàu bay đó.

Trường hợp này, Tòa án đã ra Quyết định bắt giữ tàu bay có trách nhiệm bán đấu giá tàu bay theo quy định của pháp luật.

Trường hợp 2: Chủ sở hữu tàu bay tuyên bố bằng văn bản việc từ bỏ tàu bay mà không chuyển quyền và nghĩa vụ liên quan đến tàu bay đó cho tổ chức bảo hiểm hợp pháp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác.

Trường hợp 3: Sau 60 ngày, kể từ ngày Cục Hàng không Việt Nam đăng thông báo cuối cùng trên các phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương mà người có quyền và nghĩa vụ đối với tàu bay không liên lạc với Cục Hàng không Việt Nam để nhận lại tàu bay, trừ trường hợp người có quyền và lợi ích liên quan đến tàu bay khởi kiện vụ án tại Tòa án để giải quyết tranh chấp và Tòa án thụ lý vụ việc.

Trường hợp 4: Sau 60 ngày, kể từ ngày Cục Hàng không Việt Nam đăng thông báo cuối cùng trên các phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương mà người có quyền và nghĩa vụ đối với tàu bay không liên lạc với Cục Hàng không Việt Nam để nhận lại tàu bay.

Đối với trường hợp 2, 3 và 4 thì Cục Hàng không Việt Nam là cơ quan thực hiện quyền và nghĩa vụ của người có trách nhiệm chuyển giao tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Tiền bán đấu giá được ký gửi vào “Tài khoản tiền quản lý, giữ hộ” của Cục Hàng không Việt Nam tại Ngân hàng được phép hoạt động ở Việt Nam để xử lý theo quy định của pháp luật sau khi đã trừ đi các chi phí liên quan đến việc bán đấu giá. Sau 03 năm, kể từ ngày Cục Hàng không Việt Nam gửi tiền vào “Tài khoản tiền quản lý, giữ hộ” mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có yêu cầu nhận lại thì số tiền đó được sung công quỹ.

Nghị định này bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/02/2012.

Nguồn: Cổng thông tin Bộ Tư pháp