Nghịch lý đô la
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) vừa chính thức điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng đô la Mỹ với mức tăng từ 0,2-1,7%/năm tùy theo từng loại kỳ hạn. Đặc biệt, trong đợt điều chỉnh lần này Southern Bank còn đa dạng hóa các kỳ hạn cho đồng đô la Mỹ như kỳ hạn 4 tháng và 5 tháng với lãi suất 6%/năm, 7 tháng và 8 tháng lãi suất 6,01% và 6,015%/năm…

Trong khi đó, Ngân hàng Eximbank vừa tăng lãi suất đô la Mỹ vào tuần trước và VIB Bank thì thông báo mức lãi suất huy động đô la Mỹ đang ở mức hấp dẫn trên thị trường, khách hàng gửi đô la Mỹ sẽ được thưởng lãi suất theo mức tiền gửi.  

Phó tổng giám đốc Ngân hàng Eximbank, bà Đinh Thị Thu Thảo, cho biết trong tình hình hiện nay thực chất các ngân hàng thương mại đang trong tình trạng thiếu tiền đô la Mỹ nguồn, tức nguồn ngoại tệ huy động để phục vụ cho vay các khách hàng có nhu cầu về đô la Mỹ chứ không phải đô la Mỹ tiền mặt. Nhưng nguồn huy động hiện không có mà nếu chấp nhận bỏ chi phí ra mua đô la Mỹ tiền mặt thì các ngân hàng thương mại lại rước phần thiệt thòi về mình.  

Nếu một khách hàng muốn bán cho ngân hàng một triệu đô la Mỹ, ngân hàng phải sử dụng 16 tỉ đồng huy động được với lãi suất 12%/năm để mua vào, sau đó đem số tiền đô la đó cho vay ra ngoài với lãi suất cao nhất chỉ là 7%, điều này gây thiệt thòi cho các ngân hàng. Vì vậy, hiếm có ngân hàng nào chấp nhận giải pháp như vậy mà gần như đồng loạt tăng lãi suất huy động đô la để hút loại ngoại tệ này qua kênh huy động.  

Khi ngân hàng lâm vào cảnh thiếu thanh khoản đô la Mỹ, nếu khách hàng có nhu cầu vay đô la Mỹ thì sẽ có hai phương án được ngân hàng đưa ra. Thứ nhất, khuyến khích các khách hàng vay bằng tiền đồng sau đó chuyển ra tiền đô la Mỹ để thanh toán. Cách đi vòng như vậy đã đẩy phần thiệt thòi về cho doanh nghiệp, vừa chịu lãi suất cao của tiền đồng, vừa tốn thêm chi phí chuyển đổi. Thực tế, các doanh nghệp có nhu cầu về đô la Mỹ để thanh toán thường là doanh nghiệp nhập khẩu, mà 70% nhập khẩu của Việt Nam là nguyên liệu, vật liệu sản xuất. Việc vay tiền đồng sau đó chuyển ra tiền đô la Mỹ sẽ làm tăng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp và gây áp lực tăng giá sản phẩm.  

Phương án thứ hai là có thể vay tiền đô la Mỹ trên thị trường liên ngân hàng để giải quyết nhu cầu tức thời, nhưng với cách này các ngân hàng sẽ đi lại vào con đường thiếu thanh khoản tiền đồng như hiện nay dẫn tới cuộc đua lãi suất tiền đồng vừa rồi. Vì theo nguyên tắc, tiền vay trên thị trường liên ngân hàng không thể được dùng để cho vay lại. Mà nếu cho vay lại, khi đến ngày trả nợ khách hàng chưa đến trả hoặc tới ngày đáo hạn họ không có tiền đô la để trả và trả bằng tiền đồng thì sẽ kéo theo việc các ngân hàng cho vay sẽ thiếu tiền đô la để thanh toán lại cho các ngân hàng khác.  

Bà Thảo cũng nói rằng vì lý do trên nên mặc dù Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục cắt giảm lãi suất đồng đô la Mỹ nhưng lãi suất huy động loại ngoại tệ này tại Việt Nam vẫn cứ tăng hoài. Bởi, tăng lãi suất huy động là một trong những biện pháp của ngân hàng để khuyến khích người dân và doanh nghiệp gửi đô la Mỹ vào ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, lãi suất đô la Mỹ hiện đang thấp hơn nhiều so với lãi suất tiền đồng Việt Nam, trong khi tiền đô la ngày càng mất giá càng làm cho người dân có xu hướng đổi đô la Mỹ ra tiền đồng.  

Khoảng một năm trước, để tính lãi suất cho vay tiền đô la Mỹ, các ngân hàng chỉ cần lấy lãi suất thả nổi Sibor hay Libor cộng thêm phần lãi biên (margin) của ngân hàng. Nhưng hiện nay cách tính này gần như không còn áp dụng nữa. Các ngân hàng chỉ lấy lãi suất huy động cộng thêm phần lãi của ngân hàng để tính ra lãi vay. Chính động thái này lại biểu hiện sự xa rời thị trường thế giới của nền tài chính Việt Nam. 

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online