Nghịch lý trong quy định về cho vay bằng ngoại tệ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

/ Để thanh toán cho nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
      2/ Để trả nợ nước ngoài trước hạn, nếu khoản vay đó đảm bảo các điều kiện: Chấp hành đúng các quy định về vay, trả nợ nước ngoài theo quy định của pháp luật về ngoại hối; Khách hàng vay có khả năng trả nợ gốc và lãi vốn vay bằng ngoại tệ, tiết kiệm được chi phí vốn vay so với việc vay vốn nước ngoài;
      3/ Để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư và hướng dẫn của NHNN. Nhu cầu vay này lần đầu tiên được đưa vào đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ của các TCTD.
      So với Quyết định 966/2003/Qđ-NHNN ban hành năm 2003 về đối tượng cho vay bằng ngoại tệ của các TCTD, quyết định mới bỏ các nhu cầu vốn mà khách hàng không có nhu cầu sử dụng vốn vay bằng ngoại tệ gồm:
      1/ Để thực hiện các dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh hàng hoá và dịch vụ XK; thực hiện các dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh có nguồn thu ngoại tệ trên lãnh thổ VN.
      2/ Đối với người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
      3/ Để thực hiện các dự án đầu tư theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
      4/ Các nhu cầu vốn ngắn hạn để sản xuất, kinh doanh mà khách hàng vay không có nguồn thu ngoại tệ, nếu được TCTD được phép hoạt động ngoại hối cam kết bằng văn bản bán ngoại tệ hoặc có hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn để trả nợ vay.
      5/ Các nhu cầu vốn nằm ngoài quy định tại Quyết định 966/2003/Qđ-NHNN được sự chấp thuận của Thống đốc NHNN.
      Mục đích của quyết định mới này theo giải thích của NHNN là để giảm căng thẳng về nguồn ngoại tệ. Tuy nhiên, phân tích kỹ tình hình hiện nay thì có thể thấy là quyết định này chỉ là một giải pháp chẳng đừng, mang tính ngắn hạn, đối phó (như phân tích thêm ở dưới đây) với những hậu quả khó khăn do chính NHNN (góp phần) tạo ra.
      Nguồn cung ngoại tệ khan hiếm vì những lý do sau:
      1/ Tiền đồng thực tế đã lên giá quá nhiều so với USD do chênh lệch lạm phát quá lớn ở Việt Nam và Mỹ. Mà lạm phát cao ở Việt Nam có nguyên nhân là do chính sách tiền tệ bất hợp lý của NHNN trong thời gian qua. Tiền đồng lên giá đồng nghĩa với tăng nhập siêu, lên tới 7,5 tỷ USD trong quý 1. Nhu cầu USD khổng lồ như vậy đã làm suy kiệt nguồn cung USD ở Việt Nam.
      2/ Trong lạm phát tăng cao và người dân có kỳ vọng lạm phát cao trong tương lai thì NHNN lại áp đặt trần lãi suất tiền gửi là 12%, và thậm chí còn thông qua Hiệp hội Ngân hàng vận động các ngân hàng áp dụng trần lãi suất 11%, thấp xa so với mức lạm phát dự kiến trong năm nay. Lãi suất thực âm đã khuyến khích người gửi tiền rút tiền ra mua vàng để bảo toàn tài sản. Chỉ riêng trong quý 1, lượng vàng nhập khẩu về đã lên tới 40 tấn, tương đương với khoảng 1,5 tỷ USD ngoại tệ phải bỏ ra để nhập khẩu về. Bất cân đối cung cầu càng vì thế mà trầm trọng.
      3/ Chính sách tỷ giá của NHNN khá cứng nhắc trong khi chênh lệch lãi suất tiền đồng và USD ở mức lớn (5-6%), nhiều người đổ xô vay ngoại tệ, chuyển ra tiền đồng để gửi ngân hàng hưởng lãi suất cao hơn.
Ngược lại, ở phía cung, tình trạng dư thừa USD trong quý 1 đã chấm dứt sau khi nguồn cung USD từ các nhà xuất khẩu được NHNN chỉ đạo thu mua hết, còn nguồn đầu tư gián tiếp nước ngoài thì giảm mạnh do tình hình ảm đạm trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
      Phân tích kỹ hơn, ta thấy có một điều tỏ ra khó hiểu trong quyết định mới là nhu cầu vay vốn cho dự án liên quan đến xuất khẩu ở quy định cũ đã bị bãi bỏ, trong khi nhu cầu vay vốn cho nhập khẩu vẫn được giữ lại. Thông thường, trong tình trạng thiếu hụt ngoại tệ như hiện nay, biện pháp đối phó đầu tiên là thắt chặt cho vay ngoại tệ để nhập khẩu và (có thể) khuyến khích các hoạt động sản xuất kinh doanh làm tăng cung ngoại tệ (như xuất khẩu).
      Về việc tại sao cho vay nhập khẩu không bị thắt chặt, ít nhiều ta có thể lý giải được từ góc độ là cung cầu hàng hóa trong nước đang mất cân đối nghiêm trọng, đòi  hỏi phải tiếp tục nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa, đặc biệt là những thứ liên quan đến sản xuất kinh doanh để góp phần tăng cung trong nước. Ngoài ra cũng còn có lý do nữa là nhiều nhà nhập khẩu đã tranh thủ thời điểm trước tháng 4 là thời điểm một số mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam sẽ bị áp thuế nhập khẩu cao hơn (như ô tô), hoặc bị Chính phủ nước ngoài áp thuế xuất khẩu cao hơn (như thép Trung Quốc), và việc thanh toán những hợp đồng nhập khẩu đã ký như vậy cần phải được tôn trọng, đồng nghĩa với việc phải tiếp tục cho vay theo mục đích này. Một quan chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đồng ý với những kiến giải này.
      Về việc xóa bỏ mục đích cho vay liên quan đến xuất khẩu, như vậy quyết định này ít nhất là đang đi ngược lại với chính sách khuyến khích xuất khẩu mà Chính phủ vừa mới tái nhấn mạnh gần đây như là một trong một gói giải pháp đồng bộ để đối phó với lạm phát ở Việt Nam. Và đây xem ra là một nghịch lý không thể lý giải được.
      Như vậy, có thể suy luận rằng mục đích ban hành Quyết định 09/2008 chỉ là một giải pháp cấp bách nhằm mục đích thắt chặt tối đa nhu cầu về ngoại tệ để làm giảm tình trạng khan hiếm ngoại tệ như hiện nay. Vì tính bất thường, nghịch lý của nó, ta có thể dự đoán rằng Quyết định này sẽ được chỉnh sửa trong một thời gian ngắn sau khi có  hiệu lực, có thể theo hướng thắt chặt mục đích cho vay để nhập khẩu, và/hoặc theo hướng nối lại cho vay liên quan đến xuất khẩu. 
      Ngoài hậu quả là gây ra xáo động lớn trong nền kinh tế, Quyết định này còn làm dấy lên mối quan ngại đặc biệt trong giới đầu tư nước ngoài về một môi trường kinh tế vĩ mô ngày càng tỏ ra bất ổn định ở Việt Nam. Rất mong NHNN và các cơ quan hữu trách Chính phủ thấu hiểu hiểm họa của những chính sách kiểu này để có một cung cách quản lý nền kinh tế hữu hiệu hơn.

Ts Phan Minh Ngọc
Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân