Người nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam: “Cánh cửa” luật pháp đã rộng mở
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhu cầu nhà ở cho người nước ngoài tăng

Thống kê sơ bộ tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cho thấy nhu cầu thuê nhà của người nước ngoài rất lớn. Hà Nội có khoảng 220.000m2 nhà ở tương ứng với 1.300 nhà và căn hộ đang cho người nước ngoài thuê. Các khu vực mà người nước ngoài thuê chủ yếu tập trung vào những nơi có cảnh quan đẹp, tiện lợi giao thông như quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ và Ba Đình. TP.Hồ Chí Minh diện tích nhà ở dành cho người nước ngoài tăng gấp ba tương đương với 660.000m2 tương ứng với gần 4.000 căn hộ chủ yếu tập trung vào các khu Phú Mỹ Hưng, quận 1, quận 3, quận 5. Nhà ở cho thuê chủ yếu là biệt thự, nhà liền kề và căn hộ chung cư cao cấp. Giá thuê nhà của người nước ngoài phụ thuộc vào diện tích và vị thế của ngôi nhà nhưng tại Hà Nội dao động từ 700 USD – 1.000 USD/tháng, TP. Hồ Chí Minh giá bình quân 1.000 – 1.500 USD/tháng /căn hộ, tại các khu trung tâm giá có thể tăng gấp đôi. Chính vì vậy, việc được sởó hữu một căn hộ có thời hạn cũng sẽ có lợi hơn cho người nước ngoài, nhất là với những người có thời hạn làm việc lâu dài tại Việt Nam.

Theo Bộ Tư pháp, hệ thống pháp luật cũng đã có những quy định cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được vào Việt Nam thuê đất để sản xuất, kinh doanh trong đó có hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở để bán và cho thuê. Mặc dù vậy, các nhà đầu tư nước ngoài đều cho rằng Nhà nước cần có những quy định thông thoáng hơn về vấn đề đất đai, như đề nghị được giao đất để sử dụng lâu dài thông qua việc mua nhà ở tại Việt Nam.

Sau khi QH thông qua Luật Đầu tư, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản với việc nhà nước tiếp tục cho phép nhà đầu tư được tham gia đầu tư nhà ở để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua; được quyền tham gia cải tạo, sửa chữa nhà ở có sẵn; được quyền chuyển nhượng dự án đầu tư… Điều này khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Song thực hiện chính sách này còn nhiều bất cập bởi liên quan đến vấn đề nước ngoài lại phải chờ ý kiến chỉ đạo của… cấp trên!

Điều kiện được mua, sở hữu nhà

Về chính sách thí điểm cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà có thời hạn Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Do đây là cơ chế thí điểm, lần đầu được áp dụng tại Việt Nam nên Chính phủ đề xuất 6 loại đối tượng được mua và được sở hữu nhà ở. Cụ thể, những người vào hoạt động đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật đầu tư; Những người nước ngoài có công đóng góp với đất nước được Chủ tịch nước, Chính phủ tặng Huân chương, Huy chương; Những nhà hoạt động văn hoá, nhà khoa học đang làm việc tại Việt Nam (những người được phong học hàm, học vị về khoa học, giáo dục, y tế, văn hoá, nghệ thuật; các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế – xã hội có bằng đại học trở lên); Những người kết hôn với công dân Việt Nam và hiện đang sinh sống tại Việt Nam (những người là chồng hoặc vợ của công dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước); Những người được Chủ tịch nước công nhận là công dân danh dự của Việt Nam; Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không có chức năng kinh doanh bất động sản đang hoạt động tại Việt Nam theo pháp luật đầu tư bao gồm doanh nghiệp liên doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư trong nước, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp có người nước ngoài làm việc trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh. Các doanh nghiệp này được mua và sở hữu nhà ở để cho những người nước ngoài đang làm việc tại doanh nghiệp đó ở trong thời gian họ làm việc tại Việt Nam.

Để tạo điều kiện cho việc mua và sở hữu nhà, đảm bảo an toàn trong sinh hoạt và đi lại của người nước ngoài, bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh việc cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam phải đáp ứng đủ các điều kiện: Có giấy tạm trú, thường trú (đối với cá nhân), có giấy chứng nhận đầu tư (đối với tổ chức); Tổ chức, cá nhân được mua nhà ở phải đang hoạt động, làm việc, sinh sống tại Việt Nam và không là tội phạm quốc tế, không thuộc đối tượng bị truy nã của tổ chức Interpol; Mua căn hộ tại các dự án phát triển nhà ở thương mại của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhà ở; Có Giấy chứng nhận được mua nhà ở do cơ quan quản lý nhà ở Trung ương cấp, trừ trường hợp người mua nhà ở là công dân danh dự của Nhà nước Việt Nam hoặc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh: Việc quy định phải có Giấy chứng nhận này là để các cơ quan chức năng dễ dàng theo dõi và quản lý được việc mua 1 nhà ở theo quy định, tránh trường hợp một người lợi dụng chính sách để mua nhiều nhà ở tại nhiều địa phương khác nhau. Giấy chứng nhận mua nhà ở được cấp theo nguyên tắc mỗi trường hợp đủ điều kiện mua nhà ở chỉ được cấp một Giấy chứng nhận, nếu chủ sở hữu có nhu cầu thay đổi chỗ ở thì phải xuất trình các giấy tờ chứng minh đã bán nhà ở cũ theo quy định trước khi được cấp Giấy chứng nhận mới. Đối với người mua nhà ở là công dân danh dự hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do được phép mua nhiều nhà ở nên không cần phải có điều kiện này.

Nghị quyết của QH về chính sách thí điểm cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở có thời hạn tại Việt Nam nếu được QH thông qua sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài được sở hữu nhà với thời hạn 70 năm. Sau 3 đến 5 năm thực hiện thí điểm, Chính phủ sẽ tổng kết, đánh giá và đề nghị cho phép áp dụng rộng hơn. Trong trường hợp Nhà nước không tiếp tục thực hiện chính sách này nữa thì người đã mua nhà ở vẫn được thực hiện các quyền của chủ sở hữu đến hết thời hạn được sở hữu theo quy định.

Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật  điện tử