Nguy cơ thiểu phát đã thực sự đáng lo?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Rõ ràng, chính sách kiềm chế lạm phát đã có tác dụng nhưng sự trả giá cho những chính sách chống lạm phát cũng bắt đầu lộ rõ. Vì thế, các chuyên gia kinh tế hàng đầu cho rằng, chỉ số giá giảm chính là thời điểm nhạy cảm của chính sách.

Nói thời điểm nhạy cảm là bởi nếu tiếp tục quá đà với các chính sách kiềm chế lạm phát mà chủ yếu là chính sách thắt chặt tiền tệ thì sẽ dẫn tới sự phá sản hàng loạt của các DN, nền kinh tế gặp khó khăn và trì trệ kéo dài cả chục năm sau. Nhưng nếu sớm lo lắng với thiểu phát để rồi buông lỏng các chính sách chống lạm phát thì có thể dẫn đến điều nguy hiểm là lạm phát bùng phát trở lại. 

Thiểu phát: cần cảnh giác!

Ông Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa cho rằng vấn đề thiểu phát như ý kiến của một số người là  “chưa đáng lo”.

Ông Kiêm giải thích, tiêu chí xác định thiểu phát có 2 vấn đề: giá cả và GDP cùng liên tục giảm. Nếu GDP giảm sẽ dẫn đến sản xuất trì trệ, làm giảm sức mua. Còn hiện nay,  Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 6,5%,  một mức cao trên thế giới, việc làm vẫn tương đối ổn định. Mức tăng trưởng này vẫn đảm bảo tạo ra  việc làm, thu nhập, tiêu dùng…

“Theo tôi chưa cần đặt nặng vấn đề giảm phát vì cứu nền kinh tế đồng nghĩa cứu cả giảm phát và lạm phát. Nếu cứu các doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ có điều kiện phát triển thì sẽ góp phần tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập và khi đó nhiều vấn đề cơ bản sẽ được giải quyết”- ông Kiêm quả quyết.

[links(left)Với thái độ thẳng thắn, GS Cao Cự Bội – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chuyên gia lâu năm về tài chính – ngân hàng, người đã từng tham gia phân tích và có những đề xuất trong  việc kiềm chế lạm phát phi mã của Việt Nam những năm 1990 và hiện nay cho rằng, thực tế cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng là 23%, tăng so với năm ngoái. Các yếu tố lạm phát vẫn còn tiềm ẩn. Vì thế, lạm phát vẫn là câu chuyện đáng lo hơn thiểu phát.

Ông Bội phân tích: nói giảm phát thời điển nay là không đúng với bản chất và nhu cầu của nền kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam ta khác với nền kinh tế của Mỹ là vốn dĩ hiệu quả rất thấp, trình độ quản trị, công nghệ, nhân lực đều rất thấp… dẫn đến hiệu quả kinh tế kém. Tăng trưởng kinh tế dựa chủ yếu trên gia tăng đầu tư.

“Với bản chất đó, nền kinh tế bị lạm phát có gốc rễ từ lạm phát chi phí đẩy. Hiện nay, cần chống lạm phát mà đề phòng giảm phát. Chống lạm phát là chính, luôn luôn là hàng đầu và triệt để. Tuy nhiên, giảm phát cũng rất nguy hiểm vì làm suy thoái, không có tăng trưởng. Vì thế, bên cạnh việc kiên trì các chính sách kiểm soát lạm phát cần có những chính sách linh hoạt để một mũi tên trúng nhiều đích”- GS Cao Cự Bội nhận định.

Thận trọng hơn, ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia đặt ra câu hỏi: “Nếu như đặt ra vấn đề giảm phát mà vẫn hăng hái chống lạm phát thì sẽ gặp những khó khăn gì? Có thể kinh tế vĩ mô sẽ xấu, tăng trưởng sẽ giảm và dẫn đến thất nghiệp. Đây là điều phải đặt ra câu hỏi để giải quyết”.

Ông Tuyển cũng nêu vấn đề, giá thế giới giảm, xuất khẩu giảm, đầu tư cũng giảm thì GDP giảm. Đó là những nguy cơ  phải tính đến. Mặc dù, báo cáo trước Quốc hội,  Thủ tướng đã nói tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, từ đó hạn chế tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới đến tăng trưởng kinh tế đất nước. Có thể chuyển sang “tiếp tục” kiềm chế lạm phát chứ không “ưu tiên” nữa mà chuyển hướng sang chống suy thoái.

Linh hoạt chính sách

Mặc dù khuyến nghị tiếp tục chủ trương kiêm trì chính sách thắt chặt tiền tệ và ưu tiên chống lạm phát, ông Bội cho rằng, trong thời điểm này cần có cách nhìn mới, thực sự linh hoạt và nương tay với khống chế và kiểm soát dư nợ tín dụng. Phải có biện pháp linh hoạt để đáp ứng nhu cầu vốn của DN, để DN dễ thở hơn.

“Nếu không, DN sẽ đổ vỡ hàng loạt nhất là đối với DN nhỏ và vừa thì một trong những thành quả của đổi mới là xây dựng đội ngũ DN dân doanh sẽ bị phá hỏng, Tất nhiên, khi tăng vốn phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, phòng ngừa rủi ro chứ không nên khống chế cứng mức tín dụng  như hiện nay đã làm”- ông Bội nói. 

Vì thế, ông Bội đề xuất, cần kết hợp chính sách tài khóa về giảm thuế, phát hành trái phiếu để thành lập một quỹ hỗ trợ DN, thậm chí bằng nhiều hình thức không vi phạm các cam kết hội nhập mà nhà nước vẫn đưa được vốn giá rẻ, thậm chí là cho vay vốn không lãi suất.

Làm điều này sẽ là một mũi tiên trúng nhiều đích, trước hết là hỗ trợ DN kinh doanh, khi DN mạnh thì xuất khẩu tốt; xuất khẩu tốt ở Việt Nam đồng nghĩa với tiêu thụ tốt nông sản cho nông dân, đời sống nông dân tốt lên; cuối cùng, DN  tốt thì vấn đề xây dựng hạ tầng kinh tế không bị gián đoạn do khủng hoảng.

Ông Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng,  bên cạnh việc chống lạm phát cũng cần chú ý đến việc hiện tốc độ tăng trưởng đang giảm xuống vì nếu xuống quá đà, không chặn được, đặc biệt là ở khối DN nhỏ và vừa, thì nền kinh tế sẽ rất nguy nan. 

Vừa rồi, khi có dấu hiệu lạm phát giảm, Ngân hàng Nhà nước đã có những chính sách khá linh hoạt khi nới lỏng tiền tệ theo hình thức gián tiếp qua hệ thống ngân hàng. “Bình thường chúng ta bơm thẳng vốn ra bằng cách mua ngoại tệ, bằng vốn tín dụng trực tiếp cho DN. Thay vào đó chúng ta tăng lãi suất dự trữ bắt buộc tiền gửi, thanh toán trước hạn trái phiếu, giảm lãi suất tái chiết khấu để nâng thanh khoản cho ngân hàng nhằm giảm lãi suất cho vay. Việc này sẽ đạt hai mục đích: DN tiếp cận vốn dễ hơn, khi lãi suất giảm DN giảm được chi phí, có tạo điều kiện  vượt lên khó khăn” – ông Kiêm bình luận

Ông Vũ Duy Thái, Chủ tịch Hiệp hội công thương Hà Nội cũng đề xuất, chính sách cần cân bằng và đồng bộ giữa vĩ mô và vi mô, giữa thắt chặt tín dụng với tăng trưởng hợp lý. Không nên thắt chặt tín dụng mà bỏ mặc DN dân doanh xoay xở. Bên cạnh những chính sách ưu tiên vốn cho công trình trọng điểm thì cũng cần có chính sách đột phá cho DN nhỏ và vừa về vay vốn và lãi suất.

Nguồn: Báo Điện tử VietNamNet