Nguyên Thứ trưởng Bộ TN &MT Đặng Hùng Võ: Cẩn trọng khi FDI tập trung vào BĐS
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

PV: Thưa ông, thời gian vừa qua nguồn vốn FDI đổ vào BĐS là khá lớn, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Ông Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng đó là một xu hướng tất yếu sẽ xảy ra trong quá trình hội nhập, và điều này về phía những người quản lý, cụ thể là Bộ TN &MT trước đây cũng đã trù tính đến việc này. Thứ nhất, là trong quá trình hội nhập, khi mà chúng ta thiết lập các quyền bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài thì đấy là một trong những nguyên tắc cơ bản của tổ chức Thương mại thế giới, cái đó đã được thiết lập ngày càng tốt hơn, ngày càng chuẩn mực hơn và chắc chắn đầu tư nước ngoài sẽ chiếm một ưu thế, vì trước đây mình có thể dùng các rào cản, hay có thể gọi là rào cản về pháp luật, tức là quyền và nghĩa vụ của các nhà đầu tư nước ngoài có sự chênh lệch. Trong khi hiện tại, chúng ta cố gắng tạo nên sự bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài thì điều đó sẽ khuyến khích đầu tư nước ngoài nhiều hơn, thường thì các nhà đầu tư nước ngoài vào nội địa hay bị vướng mắc về đất nên khi ta đã thiết lập được sự bình đẳng thì chắc chắn sẽ thu hút được nhà nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn cho rằng thị trường BĐS VN vẫn có những cái chưa thật ổn định. Thế nhưng, họ vẫn đánh giá là một thị trường có tiềm năng và rất nhiều thị trường bị bỏ ngỏ như: khách sạn cao cấp, cao ốc văn phòng, trung tâm văn phòng, và giá thuê đang đạt ở mức đỉnh thế giới. Nên vẫn còn rất hấp dẫn, và họ thấy rằng đầu tư vào VN là một điểm tốt. Cũng phải nói tới điểm thứ 3 là do chính sách của VN ngày càng cởi mở hơn, đấy là một đường lối mà chúng ta cố gắng thực hiện sớm nhất cho phù hợp với lộ trình hội nhập. Bên cạnh đó họ thấy rằng thị trường chứng khoán có những biểu hiện tính bất ổn định cao, thì họ nhận thấy đầu tư vào BĐS ổn định hơn.

PV: Vậy theo ông, việc vốn FDI tập trung nhiều vào BĐS sẽ có những mặt lợi và không lợi như thế nào đối với chúng ta?

Ông Đặng Hùng Võ: Tất nhiên lợi thì chúng ta thấy rằng, thị trường BĐS có lượng đầu tư lớn hơn, có sức mạnh hơn và sẽ có luồng vốn đi vào mạnh hơn. Nó sẽ dẫn đến mức độ phát triển của thị trường tốt hơn nếu chúng ta có một quy hoạch phát triển tốt thì chắc chắn rằng với khối lượng vốn lớn sẽ làm cho mức độ phát triển cao hơn.

Còn mặt không có lợi ở đây, tức là cái mặt chúng ta cần nhìn thấy để tránh những bất lợi có thể xảy ra cho chúng ta. Thứ nhất, phải tính đến tính hiệu quả, tức là mở thị trường, quyền sử dụng đất rất có thể mang đến những vấn đề mang tính chính trị và xã hội mà nhà đầu tư nước ngoài có thể dùng tiền để giữ đất trong một khoảng thời gian nhất định 50 – 70 năm làm cho quy hoạch phát triển của VN sẽ lệch lạc. Bởi vì, họ đã dùng thị trường để giữ đất, đấy là một cái chúng ta cần phải xem xét trong việc mở rộng quá trình đầu tư BĐS nước ngoài vào VN; Thứ hai, nhà đầu tư nước ngoài vốn cạnh tranh rất lớn, nhà đầu tư trong nước sức cạnh tranh yếu hơn, vậy chúng ta tạo được sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ nhưng sẽ dẫn tới một hệ quả đương nhiên của nó là sẽ làm giảm sức cạnh tranh của các nhà đầu tư trong nước; Thứ ba, là nhiều khi chúng ta chỉ quan tâm tới việc tăng trưởng trong vốn đầu tư mà không quan tâm tới hiệu quả của đầu tư. Chắc chắn khi chúng ta tăng vốn đầu tư trong nước hay ngoài nước cho một thị trường thì chắc chắn là chỉ số về hiệu quả đầu tư cần phải xem xét kỹ. Trong việc hiệu quả đó, nhà đầu tư nước ngoài không bao giờ đặt lợi ích của nhà nước chúng ta trên lợi ích của họ, chắc chắn không có. Nên phải làm sao chúng ta vừa có thể quản lý khuyến khích được nhà đầu tư nước ngoài nhưng lại đảm bảo lợi ích cho ta, nhưng đó là cái khó đối với các nhà quản lý.

PV: Điều đáng lo nhất hiện nay là việc luồng vốn FDI đổ quá nhiều vào BĐS sẽ phá vỡ quy hoạch chung của chúng ta. Vậy theo ông, để giải bài toán này chúng ta phải làm gì?

Ông Đặng Hùng Võ: Theo tôi, để xử lý vấn đề này thì chúng ta vẫn cần phải có một quy hoạch tốt, chắc chắn phải dùng bài toán quy hoạch, mà hiện nay trong bài toán quy hoạch của chúng ta, kể cả quy hoạch sử dụng đất lẫn quy hoạch xây dựng lại đang bề bộn quá nhiều vấn đề mà chúng ta thấy rằng cách thức này chỉ có thể giải quyết khi chúng ta có một bài toán quy hoạch hợp lý, từ tổng thể đến chi tiết cần phải xử lý một cách trọn vẹn. Hiện nay, Thủ tướng cũng đã cho phép chúng ta sử dụng tiền, thậm chí là tiền ngân sách để thuê tư vấn nước ngoài về quy hoạch, và cũng rất nhiều nhà quy hoạch nước ngoài đã đến VN. Thế nhưng, luôn luôn vẫn còn nhiều vấn đề trong bài toán quy hoạch, chính vì vậy mà chúng ta vẫn cứ lo ngại, còn nếu đã có quy hoạch tốt rồi thì nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể thực hiện theo quy hoạch thôi.

PV: Như vậy, nếu tạo ra sự bình đẳng, các nhà đầu tư trong nước có nguy cơ thất bại ngay trên sân nhà khi mà tiềm lực của họ không thể so sánh được với các nhà đầu tư nước ngoài, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Đặng Hùng Võ: Các nhà đầu tư trong nước theo tôi trước đây thì yếu, cho đến hiện nay thì các nhà đầu tư trong nước cũng đã có một sự phát triển khá mạnh, cũng có rất nhiều nhà đầu tư có vốn lớn và trong đầu tư khá mạnh. Thế nhưng dù sao đi nữa thì so với các nhà đầu tư nước ngoài thì các nhà đầu tư trong nước vẫn yếu hơn. Trước ngữ cảnh đó, chính các nhà đầu tư trong nước phải tính đến phương án để tự cứu mình, và lúc đó câu chuyện liên kết, sát nhập để lớn mạnh hơn sẽ là tất yếu. Chắc chắn nhà nước sẽ không thể can thiệp bằng các văn bản như trước đây nữa mà chỉ có thể tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh để các nhà đầu tư thể hiện mình mà thôi.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật  điện tử