Ngày 17-11, Quốc hội chất vấn 4 Bộ trưởng: Trách nhiệm vẫn chạy… lòng vòng!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

CÓ MÓC NGOẶC THÌ BỘ TÀI CHÍNH CŨNG… CHỊU.

– Mở hàng cho phiên chất vấn sáng 17-11, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) thẳng thắn chất vấn Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh về trách nhiệm của bộ khi để Đề án 112 biến thành “miếng bánh khổng lồ” bị hà lạm, chi tiêu không được kiểm soát, trong khi bộ có một thứ trưởng là thành viên ban chỉ đạo đề án. Thay vì đi thẳng vào trách nhiệm của bộ, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải thích rằng thành viên là người của Bộ Tài chính cũng như các bộ, ngành khác không có quyền quyết mà “khoán trắng” cho chủ nhiệm ban điều hành quản lý và giám sát. “Đúng là Bộ Tài chính có kiểm soát việc chi tiêu nhưng dựa trên cơ sở hồ sơ chứng từ giữa hai bên triển khai thực hiện, đối chiếu với cơ chế chính sách chế độ tài chính để kiểm soát và duyệt chi. Trong trường hợp hai bên thông đồng, gian lận thì Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước không biết được” – ông Ninh bộc bạch.

Không đồng tình, ĐB Thuyết gay gắt phản ứng: “Bộ trưởng giải trích về trách nhiệm của Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước như vậy thì đơn giản quá. Nếu chỉ cần thấy bên A và B trình ra chứng từ đầy đủ và dễ dàng thông qua thì tôi cũng làm giám đốc Kho bạc Nhà nước được”. Cùng bức xúc, ĐB Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) “truy”: “Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trong quản lý chi thực hiện đề án. Bên cạnh đó, là “tư lệnh” ngành tài chính quốc gia và là thành viên ban điều hành đề án, trách nhiệm của bộ trưởng Bộ Tài chính ở đâu?”. Bộ trưởng Ninh lặp lại: “Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước không thể nắm được việc các bên thông đồng, móc ngoặc để ăn mà chỉ căn cứ trên chứng từ kế toán. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát lại các khoản chi của đề án”.

DỰ BÁO TÌNH HÌNH GIÁ CẢ CHƯA HIÊU QUẢ.- Trước bức xúc của cử tri cả nước về trách nhiệm của Bộ Tài chính trong cơn “bão giá” làm ảnh hưởng tới đời sống, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nhìn nhận việc giảm thuế một số mặt hàng trong nhóm 18 mặt hàng được coi là giải pháp kiềm chế tăng giá không thể ngay tức khắc hạ được cơn “sốt” giá. Bộ trưởng cho biết việc thanh, kiểm tra giá trên cả nước thời gian qua cũng đã phát hiện và xử lý… 3 doanh nghiệp sai phạm. Cho rằng nguyên nhân chính khiến chỉ số giá (CPI) tăng cao là do “giá nguyên liệu thế giới tăng cao”, nhưng Bộ trưởng Ninh cũng thừa nhận rằng việc dự báo tình hình giá cả của các cơ quan chức năng chưa hiệu quả do chưa lường hết những diễn biến giá cả trên thị trường thế giới.

BAO GIỜ HẾT CẢNH “CON TRÂU ĐI TRƯỚC, CÁI CÀY THEO SAU”?.- “Bộ trưởng có thể phác họa bức tranh của nền kinh tế nông thôn đến năm 2020 như thế nào? Lúc nào bộ trưởng có thể thay đổi được hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày đi sau”? Tôi đi Hà Giang nhiều lần, vẫn thấy bà con bê đất từ dưới suối lên trên núi cao để trỉa ngô. Đó là hình ảnh muôn thuở của nông thôn Hà Giang. Đến bao giờ bộ trưởng có thể thay đổi được hình ảnh này ở các tỉnh miền núi?” – ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) “ra đầu bài” đối với Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát. Bộ trưởng Cao Đức Phát không đưa ra một mốc thời gian cụ thể theo yêu cầu mà thông báo Bộ NN-PTNT đang lấy ý kiến các địa phương, các nhà khoa học trong nước để hoàn chỉnh, trình lên Chính phủ, Ban Chấp hành Trung ương đề án thực hiện chủ trương xây dựng nền nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

“Tôi hỏi rất cụ thể là biện pháp nào nhưng bộ trưởng trả lời cũng rất tản mạn, tôi không muốn như thế, vì nghe nhiều rồi”, không bằng lòng ĐB Đào gay gắt nói. Ông “truy kích” tiếp: “Tôi muốn biết được từ bộ trưởng một tư duy đột phá, tôi muốn biết được bức tranh phác họa vài nét thôi, không cần phải đề án. Tôi rất cụ thể, đề nghị bộ trưởng cũng rất cụ thể, không nên né tránh”. Bộ trưởng Phát vẫn “né”: “Tôi nghĩ câu hỏi rất lớn và cũng rất rộng, tôi đã liệt kê một số chương trình cụ thể mà bộ đang chỉ đạo, nếu đi quá chi tiết tôi sợ làm ảnh hưởng tới thời gian của QH”. Bộ trưởng giãi bày thêm: Điều trăn trở nhất là một đất nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới mà có mấy trăm ngàn người phải ăn mèn mén (ngô bung), ngày lễ tết mới được ăn cơm. Chính phủ cũng đã đồng ý cấp gạo để bà con không phải lo bê đất lên hốc đá trỉa ngô để ăn mèn mén.

KẸT XE: CHỈ MỚI THẤY TRÁCH NHIÊM CHUNG!.- Vấn nạn kẹt xe nóng bỏng trên các tuyến đường tại hai đô thị lớn Hà Nội và TPHCM đã được các ĐBQH đem ra chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng. ĐB Lương Phan Cừ (Đắk Nông): “Ùn tắc giao thông tại 2 đô thị lớn đã được cảnh báo từ lâu, nhưng đến nay, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Trách nhiệm thuộc về ai? Chính phủ, Bộ GTVT hay UBND 2 TP này? Bộ GTVT đã có giải pháp để giải quyết tình trạng này?”. Bộ trưởng Dũng tiếp tục “ca bài ca” quen thuộc: “… Đó là trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ GTVT, Bộ Công an, các ngành, các cấp và trách nhiệm trực tiếp của 2 TP…”.

Không thỏa mãn với câu trả lời của Bộ trưởng Dũng, ĐB Nguyễn Đức Nhanh (TP Hà Nội) lên tiếng: “Là tư lệnh ngành, bộ trưởng đã kiến nghị với Chính phủ đề ra những giải pháp đối phó với nạn kẹt xe và quy hoạch hạ tầng giao thông tại 2 TP lớn?”. Bộ trưởng Dũng tiếp tục trình bày một loạt dự án ở “thì tương lai” nhưng quá muộn vào lúc này như: các đường cao tốc đạt chuẩn quốc tế, để nối trung tâm Hà Nội và TPHCM đến các trung tâm kinh tế và các đô thị khác; các tuyến đường giải thoát lưu lượng giao thông đô thị, như tuyến Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Lạng Sơn, Láng – Hòa Lạc, xa lộ Hà Nội – Biên Hòa…

NHẬN YẾU KÉM VÀ 2 LẦN XIN HỨA!.- Vừa “thoát” khỏi kẹt xe, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng liên tục nhìn nhận sự yếu kém trong quản lý Nhà nước của bộ trong lĩnh vực xây dựng cơ bản; yếu kém về tài chính của chủ đầu tư và các ban quản lý dự án. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc giải ngân chậm.

ĐB Danh Út (Kiên Giang) nêu bức xúc của cử tri trước tình trạng tiến độ “rùa bò” tại nhiều công trình giao thông, như Quốc lộ 61, 63, N1 (đoạn qua địa phận Kiên Giang): “Có nơi đã xây 3 năm mà vẫn chưa hoàn thành, có nơi nhà thầu yếu kém “bỏ của chạy lấy người”, nơi có cầu thì không có đường, nơi có đường lại không có mố cầu… Phải chăng, Bộ GTVT chờ để xảy ra những sự cố thương tâm như ở cầu Nông Sơn, cầu Chôm Lôm, thì mới tỉnh giấc?”, ĐB Út gay gắt. Sau khi thừa nhận sự chậm trễ, gây ách tắc giao thông tại các tuyến Quốc lộ 61, 63, N1, Bộ trưởng Dũng phân bua tầm “vĩ mô”: Có thể do bố trí vốn không đủ hoặc các nhà thầu gặp hiện tượng đất yếu phải điều chỉnh tổng dự toán, mặt khác phải kể đến năng lực yếu kém của nhà thầu…

Lập tức, ĐB Út phản ứng: “Không thể nói những con đường này cần phải chống lún nên chậm trễ, vì nó đã có từ… thời Pháp”. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) hưởng ứng: “Cầu Hương An trên Quốc lộ 1A có thể sập bất cứ lúc nào. Dù đã nhận được tin này từ lâu, nhưng đến nay Bộ GTVT vẫn không xử lý. Quốc lộ 14D mới xây đường đã xuống cấp, mỗi lần mưa lũ gây sạt lở. Ở Kiên Giang, người dân cứ mắc cười khi đi trên những “quốc lộ” chỉ có 4,5 m, vậy thì quốc lộ nỗi gì?”. Chất vấn của ĐB Minh khiến nghị trường ồ cười.

Đến nước này, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng mới chịu hứa sẽ có mặt tại hiện trường một số nơi để chỉ đạo trực tiếp…

NHẬP SIÊU QUÁ LỚN: “KHÔNG ĐÁNG LO”.- Bộ trưởng mới nhưng đăng đàn cuối cùng trong ngày, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng khá nhẹ nhàng với chỉ 9 câu chất vấn xem ra không “gai góc” lắm. Trước băn khoăn của một số ĐB rằng nước ta đang nhập siêu quá lớn, trong đó 10 tháng đầu năm nhập tới 47,9 tỉ USD, Bộ trưởng Hoàng cho rằng không đáng lo bởi “chưa có biểu hiện bất hợp lý giữa nhập cho sản xuất và nhập tiêu dùng”, trong đó nhập tiêu dùng chỉ khoảng 2 tỉ USD. Bộ trưởng lý giải nhập siêu tăng mạnh là do giá nguyên liệu nhập tăng. Chưa đồng tình, ĐB Vũ Hoàng Hà (Bình Định) hỏi trực diện: “Bộ trưởng có giải pháp gì để hạn chế nhập những nguyên liệu trong nước có thể sản xuất được?”. Bộ trưởng Hoàng thừa nhận rằng nếu gia tăng sản xuất trong nước thì sẽ hạn chế nhập khẩu, thậm chí còn thúc đẩy xuất khẩu…

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn): Không có năng lực kiểm soát thì nguy quá!

Liên quan đến Đề án 112, tôi có gởi câu hỏi chất vấn Thủ tướng Chính phủ, nhưng tại phiên chất vấn này, tôi muốn biết Bộ Tài chính nhận xem mình có trách nhiệm đến đâu trong việc giám sát chi tiêu. Trước một vụ việc sai phạm, tham nhũng, đặt ra cho chúng ta là ngoài việc trừng trị những người vi phạm, thì quan trọng hơn là phải phân tích kỹ, để rút ra những kinh nghiệm sâu sắc, tránh lập lại. Thế nhưng, hôm nay, tôi không hài lòng khi Bộ trưởng Tài chính vẫn chưa nhận thấy được trách nhiệm của mình trong vụ việc này. Hơn nữa, cách trả lời của Bộ trưởng Ninh càng làm cho tôi và các ĐB khác thêm băn khoăn về con số thất thoát ngân sách của Nhà nước. Bởi vì nếu ngành tài chính – theo như bộ trưởng giải thích – chỉ làm mỗi nhiệm vụ thừa nhận thỏa thuận giữa bên A và bên B mà không có năng lực kiểm soát thì… nguy quá!

Bộ trưởng GT-VT Hồ Nghĩa Dũng: PMU18 là một nỗi đau

Vụ PMU18 là một nỗi đau của ngành giao thông vận tải. Chúng tôi đã cố gắng trong 1 năm để hồi phục, để tổ chức lại, để hồi phục lại sinh khí, tạo được một khí thế để làm việc.

Tuy nhiên dư âm của nó, vì đòn đau cho nên bây giờ luôn luôn cảnh giác, đôi khi cảnh giác quá mức, đề phòng thái quá là một tâm lý vẫn đang phổ biến. Tâm lý do dự, đề phòng, thiếu tính chiến đấu thật mạnh, quyết liệt trong công tác đầu tư xây dựng này nó vẫn còn tồn tại. Điều đó chúng tôi sẽ vẫn phải tiếp tục và phải có thời gian tiếp tục để khắc phục. 

Theo Báo Người Lao động