Nhà bán lẻ VN còn nhiều cơ hội
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

 Phóng viên: Ông nhận định thế nào về thị trường bán lẻ VN?

– Ông Steven HL Goh: Qua những thông tin có được và trong những ngày ở TPHCM, tôi nhận thấy TPHCM – với dân số trên 8 triệu người (gấp đôi dân số Singapore) là mảnh đất đầy tiềm năng cho ngành bán lẻ.

Dạo quanh đường phố, tôi thấy sự hiện diện của tiệm tạp hóa, chợ ở nhiều nơi. Thị trường bán lẻ VN còn ở mức cơ bản, mô hình bán lẻ hiện đại như Co.opMart, Diamond Plaza, Thương xá Tax… chỉ chiếm 20% thị trường; kênh phân phối chợ, cửa hàng chiếm đến 80%. Trong khi đó, tỉ lệ này ở Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc… thì ngược lại. Chẳng hạn, ở Nhật Bản, mô hình bán lẻ hiện đại chiếm đến 90%; ở Trung Quốc là 60%.

Lợi nhuận mang lại từ kinh doanh bán lẻ ở VN cũng chưa cao. Tôi lấy Saigon Co.op làm ví dụ. Lợi nhuận của Saigon Co.op thấp hơn so với các công ty kinh doanh siêu thị ở Tokyo, Seoul…, trong khi các siêu thị ở những TP này phải chi cho quản lý, vận chuyển, nhân công cao hơn Saigon Co.op nhiều.

Để tăng lợi nhuận, Saigon Co.op và các nhà bán lẻ VN nên đầu tư nâng cấp hệ thống quản lý, hệ thống công nghệ thông tin…

Xã hội VN đang phát triển, thu nhập bình quân tính theo đầu người tăng cao cộng thêm yếu tố dân số trẻ là những điều kiện rất thuận lợi để thị trường bán lẻ phát triển.

. Nếu có một nhà đầu tư nước ngoài đề nghị ông cho lời khuyên trước khi đầu tư vào VN, ông sẽ nói với họ điều gì?

– Theo tôi, không chỉ nhà đầu tư nước ngoài mà cả nhà bán lẻ VN đều phải lựa chọn đối tượng khách hàng, làm tốt công tác marketing, hoàn thiện quy trình quản lý điều hành hoạt động. Riêng nhà bán lẻ nước ngoài vào VN, họ phải tìm hiểu kỹ các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội, phong tục tập quán của người VN để có những điều chỉnh thích hợp, chứ không nên bê nguyên mô hình hoạt động ở nước khác vào đây. Tốt nhất là nên bắt tay với nhà bán lẻ trong nước.

. Thị trường bán lẻ VN với hệ thống phân phối còn non trẻ; trong khi đó, các tập đoàn bán lẻ lớn như Metro Cash & Carry (Đức), Bourbon (Pháp), Parkson (Malaysia), Zen Plaza (Nhật), Diamond Plaza (Hàn Quốc), Wal-mart (Mỹ), Carrefour (Pháp), Tesco (Anh)… đã và đang “đổ bộ” vào VN. Theo ông, các doanh nghiệp bán lẻ VN có bị “bóp chết”?

– Tôi có thể nói nôm na rằng khi hai con voi chiến đấu với nhau, chắc chắn cỏ dưới chân chúng sẽ bị đè bẹp, nhưng không phải cây cỏ nào cũng chết mà sẽ có những cây gượng dậy được. Tương tự như vậy, khi các nhà bán lẻ nước ngoài vào VN, họ không chỉ cạnh tranh với các nhà phân phối nội địa mà còn cạnh tranh lẫn nhau để tồn tại, giành thị phần. Do đó, nhà bán lẻ VN vẫn có nhiều cơ hội. Vấn đề là các bạn nắm bắt cơ hội đó như thế nào!

Trung Quốc và Ấn Độ cũng mở cửa thị trường nhưng doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn sống được. Trung Quốc mở cửa thị trường từ tháng 12-2005, nhưng đến nay, thị trường bán lẻ Trung Quốc chủ yếu là do các nhà bán lẻ nội địa nắm giữ, nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn khi thâm nhập thị trường này.

Còn ở Ấn Độ, chính phủ bảo vệ những nhà bán lẻ trong nước bằng cách chỉ cho những tập đoàn bán lẻ nước ngoài kinh doanh một mặt hàng như Nike hoặc Reebok…; những tập đoàn bán lẻ đa ngành nghề như Metro, Carrefour, Tesco… không được đầu tư.

Theo Người Lao động