Nhà đầu tư cần nhất cơ chế “một cửa”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hãng Rolls- Royce cách đây một năm muốn được phê duyệt đầu tư vào ngành điện ở Việt Nam. Ban đầu thì có vẻ khá dễ nhưng từ đó đến nay các thủ tục vẫn chưa xong và phải đi gõ cửa từng bộ, ngành”, Patrick Regis, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Anh tại Việt Nam nói với ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong cuộc đối thoại với các doanh nghiệp FDI hôm nay.

Micheal Jonh Pease, Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ (Amcham) tại Hà Nội cũng nói rằng, các doanh nghiệp của Amcham vẫn quan tâm đến việc phát triển ngành điện và cảng nước sâu ở Việt Nam.

“Nhưng chúng tôi cần cơ chế “một cửa”, ví dụ như ở VCCI cử ra một đầu mối làm việc trực tiếp với các hiệp hội doanh nghiệp FDI và mọi vấn đề các doanh nghiệp phản ánh qua đó, thay vì đi mỗi nơi hướng dẫn một khác”, ông Patrick Regis nói.

Ông Ashok Sud,  Phó chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham), nói rằng đến nay Việt Nam vẫn là một nước có quá nhiều giao dịch bằng giấy tờ, đặc biệt những giao dịch kinh tế thông thường. Ông lấy ví dụ Unilever tại Việt Nam phải tiếp nhận khoảng 20.000 đơn hàng mỗi tháng. “Điều luật về giao dịch điện tử đã được ban hành từ năm 2005 nhưng ít được sử dụng và việc sử dụng nhiều lao động, thủ tục nhiêu khê đang tạo nên tình trạng “thất nghiệp ảo”, ông Ashok Sud nói. Ông mong muốn hiệu quả kinh doanh được thực hiện qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng giao dịch điện tử trong nước.

Ông Sud cũng đề nghị một vấn đề được cho là đang ảnh hưởng đến 25 ngân hàng quốc tế tại Việt Nam. Theo Luật Ngân hàng và các tổ chức tín dụng đang được sửa đổi (điều 128), mức cho vay lớn nhất của một ngân hàng không được vượt quá 4,5 triệu đô la Mỹ cho việc cấp vốn cho các dự án công nghiệp, bao gồm cơ sở hạ tầng. Ông cho rằng nếu điều này được thực thi sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng vì thời điểm này Việt Nam cần đầu tư phát triển hạ tầng hơn nữa.

Hay như ở ngành công nghiệp phân phối, các doanh nghiệp FDI yêu cầu việc cấp phép cho các nhà phân phối nước ngoài cần tuân theo một quy trình rõ ràng và tiêu chí khách quan vì Việt Nam đã gia nhập WTO, việc thiết lập các chuỗi bán lẻ cần dựa nền tảng của phép thử về nhu cầu kinh tế (Economic Needs Test – ENT).  

Harry Beirnaert, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Bỉ-Luxembourg tại Việt Nam phản ánh rằng, các doanh nghiệp Bỉ trông chờ vào nhân lực lao động tại thị trường nội địa nhưng chất lượng đào tạo nhân lực đại học của Việt Nam quá kém nên các công ty hầu hết phải đào tạo lại.

Vấn đề này cũng đặt ra các cơ hội cho VCCI và Hiệp hội doanh nghiệp Bỉ- Lurxembourg tìm những hướng hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nhân lực, tương tự như điều mà Hội thương gia Đài Loan, hay Hiệp hội doanh nghiệp Singapore trong phát biểu của người đại diện, cũng mong muốn.

Thậm chí, ông Andrew You, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Singapore còn mong muốn được phối hợp với VCCI và một số trường tham gia vào quá trình hoạch định giáo án cho sinh viên các trường kinh tế để khi ra trường, họ có thể bắt tay vào công việc ngay mà không tốn công đào tạo lại như hiện tại.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online