Nhà nước tiếp tục kiểm soát giá xăng dầu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cuối tháng 2.2008, khi giá xăng dầu tăng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định Nhà nước không kiểm soát giá xăng dầu. Giá xăng dầu phải đi theo cơ chế thị trường nhưng vẫn có sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, Nhà nước không thả nổi giá xăng dầu mà chỉ là thay đổi phương thức quản lý. Đầu mối nhập khẩu xăng dầu đại bộ phận hiện nay vẫn là các doanh nghiệp Nhà nước, riêng Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng chiếm tới 70% nên Nhà nước vẫn có thể chi phối được. Đằng sau việc điều chỉnh giá xăng là việc thay đổi phương thức, cơ chế quản lý giá xăng, dầu. Liên Bộ Tài chính – Công Thương sẽ tính toán để hình thành mặt bằng giá hợp lý. Giá đầu vào, đầu ra, chi phí hợp lý, lãi phù hợp… và đặc biệt có một mức trần để các doanh nghiệp đăng ký. Nếu doanh nghiệp vượt quá mức này thì Nhà nước sẽ “thổi còi”.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng cho rằng, do tình hình giá thế giới biến động không thể tránh khỏi tác động đến Việt Nam. Hiện Chính phủ đang điều hành để tốc độ tăng giá thấp hơn tăng trưởng kinh tế, cho dù đây là một bài toán khó.

Vừa qua, Hội đồng Chính sách tiền tệ Quốc gia có buổi làm việc với các Công ty đầu mối nhập khẩu xăng dầu để tìm cách bình ổn thị trường. Tại đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Xăng dầu là mặt hàng chiến lược quốc gia, kinh doanh theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, song Nhà nước giữ vai trò điều phối. Do vậy, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải đảm bảo cân đối cung cầu và tăng thêm mức dự trữ.

Trước tình hình giá cả xăng dầu thế giới có xu hướng tăng cao, để đảm bảo mục tiêu tập trung ưu tiên kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế – xã hội, Thủ tướng chỉ đạo, từ nay đến tháng 6.2008 ổn định và không tăng giá xăng dầu, trừ trường hợp đột biến; giữ nguyên thuế nhập khẩu ở mức 0% như hiện nay, chấp nhận bù lỗ, trong đó ưu tiên hỗ trợ xăng dầu cho những đối tượng chính sách, người nghèo, vùng sâu, vùng xa, ngư dân đánh bắt xa bờ gặp nhiều khó khăn. Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước điều hành kinh doanh xăng dầu trong cả nước, đảm bảo đủ mức cung ứng xăng dầu cho các ngành sản xuất, tiêu dùng của nhân dân.

Nhằm giảm bớt khó khăn về nguồn vốn cho các công ty đầu mối nhập khẩu xăng dầu, Thủ tướng giao Bộ Tài chính tích cực tăng thu ngân sách từ nguồn dầu thô và các nguồn khác để bù lỗ cho ngành xăng dầu, trung bình mỗi tháng 1.000 tỷ đồng; đồng thời tiếp tục ứng vốn 8.000 tỷ đồng bù lỗ cho các công ty kinh doanh xăng dầu trong năm 2007 để bảo đảm vốn kinh doanh cho các doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu vay đủ ngoại tệ.

Đối với đề án “Đảm bảo cung ứng xăng dầu năm 2008” do Petrolimex trình, Thủ tướng giao Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng khẩn trương xem xét, lập “Quỹ bình ổn giá xăng dầu” và các biện pháp khác nhằm đảm bảo ổn định kinh doanh cho ngành xăng dầu Việt Nam. Trước thực trạng hiện nay, Thủ tướng đã yêu cầu và kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân tiết kiệm chi phí trong sản xuất và tiêu dùng để đẩy mạnh sản xuất, góp phần kiềm chế lạm phát và duy trì mức độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng giá.

Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật  điện tử