Nhà ở xã hội: Người mua trả tiền nhà trong 40 năm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chiều 21-5, trong buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã nói về chính sách nhà ở xã hội, hỗ trợ cho người nghèo làm nhà và làm nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long. Cán bộ, công chức, người nghèo có khó khăn về nhà ở sẽ được gỡ khó từ quỹ nhà ở xã hội, nguồn hỗ trợ từ nhà nước.

Trả tiền nhà bằng 10% thu nhập hàng tháng

Năm 2005, Luật Nhà ở quy định có loại hình nhà ở xã hội. Nhà ở xã hội chỉ dành cho các đối tượng có thu nhập thấp được thuê, thuê mua là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng diện tích dưới 5 m2 sàn/người, nhà hư hỏng. Chính phủ đã giao Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương xây dựng thí điểm quỹ nhà ở xã hội. Mặt khác, Bộ Xây dựng cũng đang xây dựng đề án phát triển nhà xã hội trên phạm vi toàn quốc, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 6 này.

Theo Bộ Xây dựng, nhà ở xã hội sẽ được ưu tiên hơn cho những người có nhu cầu bức xúc về nhà ở, các đối tượng hưởng lương từ ngân sách, cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học trở lên, công nhân có tay nghề từ bậc năm trở lên chưa được nhà nước hỗ trợ về nhà ở dưới mọi hình thức.

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: “Thời gian mua nhà có thể kéo dài 25-40 năm, tiền trả hàng tháng bằng 10% thu nhập của người mua”. Theo các chuyên gia, phát triển nhà ở xã hội để cho thuê, thuê mua hoặc mua trả góp là một trong những phương thức quan trọng để giải quyết chỗ ở cho một bộ phận người dân.

Bộ Xây dựng cho biết việc xây dựng nhà ở xã hội được huy động từ nhiều nguồn lực nhưng chủ yếu từ ngân sách nhà nước để cho thuê hoặc thuê mua trên nguyên tắc thu hồi và bảo toàn vốn. “Chương trình nhà cho người thu nhập thấp tiến hành chậm. Chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến việc tạo lập mới quỹ nhà ở xã hội để cho người có thu nhập thấp thuê và thuê mua” – Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân nói.

Hộ nghèo được hỗ trợ tiền nhà

Tuần này, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ chương trình hỗ trợ người nghèo về nhà ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Hiện nhiều người nghèo đang phải ở trong nhà lụp xụp, rách nát, mất vệ sinh, nhiều nhà không che nổi mưa nắng, không đảm bảo điều kiện ăn ở tối thiểu. Theo đó, những gia đình nghèo qua xét duyệt từ địa phương sẽ có diện tích ở tối thiểu là 24 m2, có tường nhà, mái che đảm bảo điều kiện sinh hoạt ở mức tối thiểu.

Mỗi hộ nghèo có khó khăn về nhà ở sẽ được nhà nước cấp bảy triệu đồng, được vay tám triệu đồng từ ngân hàng chính sách và được hỗ trợ thêm một triệu đồng tiền vận chuyển nguyên vật liệu. Ngoài ra, sẽ hỗ trợ thêm nguồn tiền từ địa phương và các nhà hảo tâm khác, cùng với tiền của mỗi hộ dân. Như vậy là có thể tạo lập được một chỗ ở tối thiểu. Theo Bộ Xây dựng, ở những nơi có rừng, người dân được phép khai thác một lượng gỗ rừng để làm nhà. Đề án này dự kiến có mức đầu tư là 10.000 tỷ đồng. Ông Nam cho biết đây là chương trình giúp đỡ người nghèo chống đỡ với cơn bão giá.

Cùng với chương trình tạo nhà ở cho người nghèo thì chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn hai cũng đã được Bộ Xây dựng trình Chính phủ. Giai đoạn này sẽ tập trung đầu tư vào những vùng bị sạt lở, vùng ngập sâu. Kinh phí cho giai đoạn hai dự kiến khoảng 2.500 tỷ đồng.

Nhiều dự án nhà ở xã hội còn vướng

Hôm qua (22-5), Sở Xây dựng TP.HCM đã tổ chức hội nghị “Cơ chế, chính sách phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố”. Trong hai năm 2006-2007, thành phố đã hoàn thành 23/49 dự án nhà ở với hơn 8.400 căn cho cán bộ, công chức, sĩ quan… Các dự án còn lại triển khai chậm do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng.

Theo Sở Xây dựng, để tạo ra quỹ đất phát triển nhà ở xã hội phải thực hiện theo Nghị định 90. Đối với dự án từ 10 ha trở lên, doanh nghiệp phải dành 20% quỹ đất có hạ tầng hoàn chỉnh để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Nhiều doanh nghiệp cho rằng quy định này không khuyến khích các doanh nghiệp làm dự án trên 10 ha. Dự án trong nội thành mà phải dành ra 20% quỹ đất thì doanh nghiệp sẽ không kham nổi. Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành Nguyễn Văn Đực đã chỉ ra những bất hợp lý của Nghị định 90 và các văn bản hướng dẫn như chỉ cho xây dựng tối đa sáu tầng, diện tích của căn hộ khống chế từ 30 m2 đến 60 m2/căn hộ…

Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM