Nhận diện cơ hội M&A 2012
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong năm 2011, một số phi vụ đã được thực hiện thành công như Masan Consumer mua CP chi phối của Vinacafe Biên Hoà, Hùng Vương mua CP chi phối của Faquimex Bến Tre… Xu hướng tìm kiếm cơ hội trong năm 2012 được nhìn nhận sẽ tập trung vào một số ngành nóng như BĐS, NH, CK do quá trình tái cơ cấu mang lại. Nhưng theo một số nhận định, xu hướng này sẽ không bó hẹp ở một vài ngành mà sẽ chọn lọc theo hướng tập trung vào những DN có nền tảng tốt, có lượng tiền mặt lớn.

Nóng ở ngành nóng

Do sức ép tài chính, nhiều dự án BĐS đang âm thầm được chuyển nhượng. Các DN phải chuyển nhượng dự án thời điểm này đa phần đều gặp khó khăn do hiện nay sản phẩm đầu ra của dự án bán rất chậm, sức mua kém, sức ép trả nợ NH lớn. Theo một số chuyên gia, nhiều thương vụ chuyển nhượng dự án đã diễn ra dưới hình thức chuyển nhượng cổ phần hoặc chuyển nhượng phần vốn góp. Các giao dịch này diễn ra âm thầm và khá mạnh mẽ trong thời gian qua  và phần lớn không được công bố. Các trường hợp đã công bố chủ yếu liên quan đến Cty đại chúng, Cty niêm yết do nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định.

Trong ngành tài chính, thời gian tới được xem là sẽ có nhiều thương vụ tương tự như vụ sáp nhập ba NH Đệ Nhất (Ficombank), VN Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Sài Gòn (SCB) hay thương vụ NH Gia Định chuyển thành NH Bản Việt,… như hồi cuối năm 2011. Trong khối CK, các CTCK trong công cuộc tái cấu  trúc cũng được coi là ngành hết sức tiềm năng do nhiều CTCK rơi vào tình trạng thua lỗ, lỗ lũy kế và phải rút dần các nghiệp vụ. Khi số lượng các CTCK rút đi gần 50% từ con số 105 CTCK hiện nay thì thị trường M&A được cho là sẽ hết sức sôi động.

Cơ hội nằm ở 10% doanh nghiệp

Theo một chuyên gia CK hiện đang làm tại một quỹ đầu tư lớn tại VN, ngoài các ngành nóng kể trên, trên thị trường hiện có những Cty đang  ở trong tình trạng nợ rất nhiều, lợi nhuận không đủ trả lãi vay và có thể gặp phải nguy cơ phá sản. Nhưng Luật Phá sản của VN hiện chưa rõ ràng. “Nhiều Cty vay ngắn hạn nhưng lại trang trải cho các khoản dài hạn hoặc vay được các khoản vay dài hạn nhưng lại phải chịu lãi suất quá cao. Những Cty này cứ lay lắt, cứ gồng mình chịu lãi suất NH trong tình cảnh hết sức khó khăn. Nhiều Cty có khoản vay thêm nhưng cũng chỉ đủ để trả lãi vay và quay vòng vốn. Nếu nói thị trường có tốt lên thì những Cty này cũng khó có thể khỏe lại”- chuyên gia này nói. Chính những Cty này sẽ vẫn tạo nên bức tranh chung của thị trường và là một trong số những nguyên nhân làm chậm quá trình phục hồi của thị trường.

Chị cũng cho rằng, do ảnh hưởng của tình hình vĩ mô chưa hoàn toàn phục hồi hẳn nên điểm đáy của kinh tế có thể hình thành trong năm nay. Cơ hội M&A trên sàn lộ diện ở những Cty ổn định, có tình trạng vay vừa phải hoặc vay ít và có dòng tiền tốt. Những Cty này thường CP có thị giá thấp, bị ảnh hưởng bởi tình trạng xuống dốc chung của thị trường nhưng khi kinh tế ổn định, đây sẽ là những CP có sức bật tốt. “NĐT chiến lược khi đầu tư vào VN thường chọn mua vào ở những Cty có nền tảng, có đòn bẩy như thế để phát triển và mở rộng mảng kinh doanh”. Tuy nhiên, theo chị số lượng những Cty loại này không nhiều. “Vì vừa rồi kinh tế phát triển nhưng đa phần các DN chưa tạo được nền tảng cốt lõi vững chắc, nằm ở khía cạnh người và thế mạnh cạnh tranh của DN. Số lượng các Cty loại này trên sàn chắc là ít hơn 10%” – chị ước lượng.

Tích cực vốn ngoại

CTCK Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng, việc mua lại các CP tốt có thể còn tiếp diễn trong 2012, đặc biệt khi chỉ số P/B (tỉ lệ giá/giá trị ghi sổ) trên thị trường đang ở mức thấp. So với đầu năm chỉ số này giảm mạnh khoảng 50%, hiện ở mức 1,21. Mức P/B này thấp hơn so với các nước trong khu vực. “Chúng tôi cho rằng, trên thực tế nhiều DN lớn ở VN còn có giá trị sổ sách lớn hơn so giá trị sổ sách hiện tại chưa phản ánh được hết giá trị thương hiệu DN, giá trị tài sản. Trong số các DN niêm yết trên hai sàn (không bao gồm các DN trong lĩnh vực NH, Bảo hiểm, CK) hiện có tới 540 DN có P/B <1, hấp dẫn hơn trong số đó có 290 DN có P/B < 0,5. Đây là một môi trường thuận lợi cho hoạt động M&A phát triển mạnh” – BVSC nhận định. 

Về sự tham gia của dòng vốn ngoại, tuy giảm mua ròng trên kênh CK niêm yết nhưng rất nhiều thương vụ phát hành riêng lẻ lớn được các NĐT nước ngoài thực hiện thành công như KKR mua 10% CP Masan Consumer với giá trị 159 triệu USD, IFC mua 10% CP Vietinbank với giá trị 182 triệu USD, Talanx mua 25% CP PVI Holdings với giá 93 triệu USD, Mizuho mua 15% CP VCB với giá 505 triệu USD… Dòng vốn nước ngoài vào thị trường thông qua kênh M&A, phát hành riêng lẻ phát hành cho đối tác chiến lược. Theo BVSC thì dòng tiền ngoại vẫn chảy vào thị trường VN thông quá các thương vụ phát hành riêng lẻ, bán cho đối tác chiế lược. Theo  thống kê sơ bộ của Cty này, đã có ít nhất 1,2 tỉ USD được giao dịch thành công trong năm 2011.

Nhiều DN có thể đổ vỡ

Xét trong từng ngành, nếu như năm 2009 các DN nhỏ và vừa là những DN được cho là hoạt động hiệu quả nhất thì sang năm 2011 lại là những đối tượng gặp khó khăn nhiều nhất khi hiệu quả sản xuất kinh doanh chịu sức sụt giảm khá mạnh từ đỉnh cao năm 2009. Theo nghiên cứu của BVSC, các DN trong ngành ximăng, vận tải biển, dầu khí và thép là những các ngành hiện đang sử dụng tỉ lệ đòn bẩy tài chính tương đối cao so với các ngành khác. Hơn nữa, khả năng thanh khoản ngắn hạn của những ngành này cũng thuộc hạng yếu nhất tại thời điểm hiện tại. Theo BVSC các DN thuộc ngành vận tải biển dầu khí và thép cần được theo dõi thận trọng trong khi các DN xi măng được xếp hạng đáng báo động trong bối cảnh hiện nay, với tỉ lệ đòn bẩy lên tới 3,32% và khả năng thanh toán hiện hành chỉ xấp xỉ 1. Mặc dù còn tùy thuộc vào vị trí của DN tại từng vùng miền, nhưng những DN ximăng nào không có thị phần đáng kể  sẽ đứng trước nguy cơ đổ vỡ trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô con tiềm ẩn nhiều khó khăn trong năm tới.

Lưu Thuỷ
Nguồn: Báo Điện tử Lao động