Nhận diện kinh tế Việt Nam 2012: Đình đốn để phục hồi
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

PGS – TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nền kinh tế nước ta đang lâm vào vòng xoáy đình trệ, bộc lộ rõ xu hướng sụt giảm tốc độ tăng trưởng GDP.

Trong khi ghi nhận tín hiệu tích cực của việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng, xu hướng suy giảm tăng trưởng chưa được đảo ngược, thậm chí còn sâu hơn và chưa có cơ sở để tin tưởng rằng, GDP sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay.

Ngay cả khi nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá cao như các năm trước, thì theo ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, sự tăng trưởng đó chủ yếu dựa vào vốn, sức lao động rẻ và chỉ số giá tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP, nên thu nhập của người dân không tăng. “Vậy thì tăng GDP để làm gì? Đây là vấn đề cần suy nghĩ và mổ xẻ”, ông Kiên đặt câu hỏi.

Theo ông Kiên, những hệ quả được coi là nghiêm trọng do cú sốc của chính sách, điều hành cần được đánh giá đúng và cần đề cập thỏa đáng đến thị trường chứng khoán, thị trường vốn, cùng với hệ quả của tình trạng đóng băng thị trường bất động sản, tăng nợ xấu, căng thẳng thanh khoản, sự yếu đi nhanh chóng của khu vực doanh nghiệp…

Liên quan đến thực trạng kinh tế Việt Nam, PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế – Đại học quốc gia Hà Nội tỏ ra đồng tình với quan điểm của PGS-TS Trần Đình Thiên về thực trạng kinh tế nước ta. Trong đó, 5 năm qua, tình trạng bất ổn kinh tế vĩ mô xuất phát từ nguyên nhân sâu xa là sự yếu kém bên trong của nền kinh tế, từ mô hình tăng trưởng, cơ chế phân bổ nguồn lực, tới năng lực quản trị và điều hành vĩ mô khi đối mặt với những thách thức của tiến trình hội nhập.

Ông Sơn cho rằng, các biện pháp chống lạm phát, nhất là chính sách thắt chặt tiền tệ đã khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng tăng trưởng thấp, đình đốn, hàng tồn kho tăng mạnh. Sự yếu kém này khiến cho tăng trưởng GDP năm 2012 khó đạt mục tiêu đề ra.

“Nhiệm vụ trọng tâm năm 2012 là chống đình đốn sản xuất thông qua các chính sách miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tránh áp dụng tùy tiện các loại phí, đồng thời giảm lãi suất với lộ trình tích cực. Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế cần thực hiện một cách tổng thể, nhất quán và có sự phối hợp nhịp nhàng, tránh tình trạng cục bộ, chồng chéo và lãng phí nguồn lực với hiệu quả thấp”, ông Sơn nói.

Bình luận thêm về tình trạng khó khăn của nền kinh tế hiện nay, ông Sơn cho rằng, vấn đề khó nhất hiện nay là tìm ra lời giải tối ưu cho bài toán chống lạm phát và chống đình đốn. Theo ông Sơn, ở thời điểm hiện tại, có những người tin rằng lạm phát sẽ giảm mạnh, sẽ đề xuất giảm lãi suất. Nhưng nhiều người vẫn e ngại lạm phát không giảm và sẽ nghiêng về mục tiêu tiếp tục kiềm chế lạm phát, thông qua việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ.

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là chống đình đốn sản xuất, thông qua việc nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất.

Trái với quan điểm của nhiều chuyên gia khi tỏ ra quan ngại trước tình trạng đình đốn của nền kinh tế, doanh nghiệp rơi vào tình trạng khốn đốn, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lại có cách nhìn điềm tĩnh hơn về tình hình hình hiện nay. Ông tin rằng, chuyển biến nền kinh tế nước ta đang theo đúng lộ trình, việc rơi vào thời kỳ đình đốn là đúng quy luật, GDP quý I/2012 tăng trưởng  4% là chưa phản ánh được kết quả cả năm.

Tiếng nói chung tại Diễn đàn là phải tiếp tục kiềm chế lạm phát, chống đình đốn, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, không để thất nghiệp gia tăng. Đồng thời về trung và dài hạn phải tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng một cách khoa học và hiệu quả.

Nguồn: Báo Đầu tư điện tử