Nhiều điểm mới trong Luật Đấu thầu 2013
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

 Ngày (13/2), Cục Quản lý Đầu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ chức Hội nghị phổ biến, giới thiệu những nét mới, cơ bản của Luật Đấu thầu năm 2013.

Luật Đấu thầu năm 2013 gồm 13 chương với 96 điều được xây dựng trên cơ sở sửa đổi toàn diện Luật Đấu thầu năm 2005, Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Kể từ ngày luật này có hiệu lực, Luật Đấu thầu năm 2005 hết hiệu lực thi hành, bãi bỏ Mục 1 Chương VI Luật xây dựng số 16/2003/QH11 và Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12.

Về cơ bản, Luật Đấu thầu năm 2013 đã thay đổi toàn diện Luật Đấu thầu năm 2005. Đó là sửa đổi một số quy định hiện hành nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đấu thầu.

Phạm vi điều chỉnh của luật được mở rộng tối đa nhằm quản lý chặt chẽ việc quản lý và sử dụng nguồn lực của Nhà nước. Trong đó, một số nội dung được bổ sung như mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm cung cấp sản phẩm dịch vụ công, mua hàng dự trữ quốc gia… Riêng thuốc, vật tư y tế, ngoài việc sử dụng vốn nhà nước, thì việc sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế công lập cũng đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật.

Đặc biệt, Luật Đấu thầu năm 2013 quy định, tất cả các dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước không phân biệt nguồn vốn nào đều phải thực hiện theo quy định của luật. Kể cả dự án đầu tư phát triển của khu vực tư nhân mà có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án cũng đều phải tuân thủ luật.

Một trong những điểm mới của Luật Đấu thầu năm 2013 nữa là quy định cụ thể hơn về các quy trình lựa chọn và phương pháp đánh giá hồ sơ nhà thầu, nhà đầu tư với từng trường hợp cụ thể.

Ông Lê Văn Tăng- Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu- cho rằng, đây được xem là một trong những giải pháp triển khai quyết liệt trong việc thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP); đồng thời thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư công, xây dựng niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Một trong nội dung mới cơ bản đáng quan tâm của Luật Đấu thầu năm 2013 là quy định về hợp đồng trong hoạt động đấu thầu. Đối với các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh, loại hợp đồng phải được xác định rõ trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu và chỉ bao gồm 4 loại hợp đồng: Hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, hợp đồng theo thời gian. Trong đó, hợp đồng trọn gói được xác định là loại hợp đồng cơ bản, nếu không áp dụng thì phải chứng minh một trong những loại hợp đồng còn lại phù hợp hơn. Đối với những gói thầu quy mô nhỏ, đơn giản thì bắt buộc phải sử dụng loại hợp đồng trọn gói.

Việc quy định như vậy nhằm tăng cường trách nhiệm của nhà thầu và chủ đầu tư trong quá trình thực hiện hợp đồng, tránh tình trạng áp dụng loại hợp đồng không phù hợp với tính chất của gói thầu, điều chỉnh giá hợp đồng, điều chỉnh hình thức hợp đồng, điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng một cách tùy tiện, gây lãng phí, làm giảm hiệu quả đầu tư của các dự án.

Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu năm 2013 còn chú trọng ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước trúng thầu và tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước, ưu đãi đối với nhà thầu và hàng hoá sản xuất trong nước.

Thu Phương
Nguồn: Báo Công thương