Nhiều tập đoàn KT đầu tư tràn lan vào tài chính, ngân hàng, BĐS
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đây là một thực tế đáng báo động khi các tập đoàn, DNNN lớn vốn được coi là “xương sống” của nền kinh tế đất nước lại nhảy vào những lĩnh vực ít liên quan đến ngành nghề chính của mình.

Số liệu chưa đầy đủ của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp mới đây cho biết: Tính đến thời điểm cuối năm 2007, đã có 16 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng với tổng giá trị đầu tư là 4.965 tỷ đồng; 9 tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán với 316 tỷ đồng; 12 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tài chính, bảo hiểm với tổng giá trị 6.518 tỷ đồng; 13 tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với 2.331 tỷ đồng…

Tổng cộng các doanh nghiệp lớn này đầu tư vào các lĩnh vực trên lên đến hơn 15.000 tỷ đồng.

Còn theo con số mà Bộ Tài chính đưa ra, cũng tính đến cuối năm 2007, số vốn đầu tư ra bên ngoài của các tập đoàn, tổng công ty thì con số đầu tư ra bên ngoài doanh nghiệp có giá trị lên đến gần 117.000 tỷ đồng, trong đó, có 28/70 tổng công ty có hoạt động vào lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm,… với giá trị lên đến hơn 23.300 tỷ đồng.

Hiệu quả sử dụng vốn của các tập đoàn, tổng công ty cũng thực sự đáng lo ngại. Một số tập đoàn, tổng công ty có hệ số vay nợ/vốn chủ sở hữu quá cao.

Theo Nghị định 199 về cơ chế quản lý tài chính đối với công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp, HĐQT được quyết định đầu tư tối đa cho một dự án tới 50% tổng tài sản.

Đối với những doanh nghiệp có tổng tài sản thấp thì mức đầu tư này là nhỏ nhưng với những tập đoàn lớn như Tập đoàn Điện lực có tổng tài sản lên tới 166.000 tỷ đồng thì mức đầu tư này là quá cao.

Vì vậy nếu không có cơ chế giám sát hợp lý, chế độ trách nhiệm rõ ràng thì dễ dẫn tới tình trạng huy động vốn và đầu tư tràn lan, không hiệu quả do phải trả lãi ngân hàng nhiều.

Bên cạnh đó, việc mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh đã kéo theo tăng số lượng doanh nghiệp thành viên của các tập đoàn kinh tế. So với năm 2006, số lượng công ty con đã tăng 10% (68 công ty) và công ty liên kết tăng 39% (184 công ty).

Điều này đã dẫn đến nguy cơ không đảm bảo về năng lực trong việc quản lý các khoản đầu tư tại doanh nghiệp khác, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa doanh nghiệp trong và ngoài tập đoàn và rủi ro quan hệ tài chính trong chính tập đoàn như cho vay nội bộ, chi phối giá mua, giá bán…

Theo Bộ Tài chính, sắp tới bộ này sẽ tiến hành bổ sung, sửa đổi Nghị định 199 theo hướng HĐQT các công ty nhà nước chỉ được phép định vay vốn bằng 3 lần vốn điều lệ; doanh nghiệp nhà nước đầu tư vốn ra bên ngoài tối đa bằng vốn điều lệ, các lĩnh vực đầu tư ngoài doanh nghiệp phải hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính; bổ sung chính sách tăng cường sự kiểm tra, giám sát tài chính doanh nghiệp cùng việc nâng cao trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu và cơ quan quản lý tài chính.

Bình luận về thực tế này, nhiều chuyên gia kinh tế đã bày tỏ những quan ngại bởi đây là những lĩnh vực nhạy cảm, rủi ro lớn, làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến mục tiêu chính khi thành lập doanh nghiệp.

Đặc biệt là với việc các tập đoàn kiểm soát một số ngân hàng, sau đó sử dụng ngân hàng để tài trợ cho các kế hoạch mở rộng của mình, nếu không có hệ thống kiểm soát tốt và khả năng phân tích rủi ro thì cấu trúc này có thể dẫn tới lạm dụng khoản vay và đầu tư quá mức của các tập đoàn.

Cũng đã có ý kiến: “Phải chăng quá được Nhà nước, Chính phủ ưu ái mà các “ông lớn” đang vung tay xài tiền tỷ?”.

Ông Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế TPHCM: “Chính phủ cần chấn chỉnh quyết liệt…”

Trong kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 12 này, Ông Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế TPHCM đã gửi chất vấn của mình đến Bộ Tài chính (sẽ được trả lời vào cuối kỳ họp) trong đó có đề cập đến việc đầu tư đa ngành của các tập đoàn, tổng công ty.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Trần Du Lịch cho rằng: Về chủ trương khi phát triển các tập đoàn, xu hướng kinh doanh đa ngành là xu hướng đúng. Trong kinh doanh, việc đầu tư đa ngành là các tập đoàn tìm đến các lợi thế của mình, giảm rủi ro trong kinh doanh.

Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là sự ra đời và tồn tại của các tập đoàn kinh tế nhà nước đều có lý do là phục vụ cho vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Có nghĩa là các tập đoàn nhà nước ngoài nhiệm vụ kinh tế còn là nhiệm vụ chính trị, chứ không đơn thuần là chạy theo lợi nhuận kinh doanh. Đó là điểm khác với tập đoàn tư nhân.

Việc các tập đoàn “đẻ” ra các công ty con để kinh doanh các lĩnh vực khác nhau, theo ông Lịch đó là sai và Chính phủ cần chấn chỉnh quyết liệt, thậm chí cần phải quy trách nhiệm HĐQT của các tập đoàn đó, những người đại diện cho Chính phủ.

Như ngành điện lực, đáng ra, mục tiêu chiến lược của ngành này là phải làm sao đảm bảo được nguồn điện.

Còn cách huy động vốn thì có thể làm được nhiều cách, cần tiền có thể phát hành trái phiếu, hay như kết hợp với các doanh nghiệp tư nhân làm các công trình về điện, phân phối… chứ không phải đi làm resort. Bởi việc anh bỏ vốn vào lĩnh vực này tức là anh nhảy vào lĩnh vực không phải sở trường của anh.

“Lợi nhuận 2007 của nhiều công ty rất cao nhưng chúng ta sẽ rõ hơn hoạt động đầu tư của họ khi quyết toán 2008. Tôi dám khẳng định, quý I năm nay, nhiều doanh nghiệp đang phải bù lỗ hoạt động kinh  doanh trong lĩnh vực tài chính”- Ông Lịch nhấn mạnh. 

Nguồn: Báo Tiền phong