Nhiều thách thức khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Năm 2011, mặc dù Nhật Bản phải chịu thảm họa của động đất, sóng thần… nhưng quan hệ hợp tác kinh tế thương mại, công nghiệp và đầu tư giữa hai nước vẫn phát triển mạnh mẽ. Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Nhật Bản năm 2011 đạt 21,1 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2010; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 10,7 tỷ USD, tăng 39% so với năm 2010. Nhiều mặt hàng của Việt Nam đã thâm nhập và có chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản như thủy sản, may mặc, đồ gỗ, cà phê, sản phẩm nhựa, đồ da, giày dép… Theo các chuyên gia, đối với thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp của Việt Nam còn rất nhiều cơ hội. Tuy nhiên, để thâm nhập được vào thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Theo Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn Đào Xuân Đức, đối với thị trường Nhật Bản, chi phí cho các doanh nghiệp xâm nhập được thì rất cao, bởi vì chi phí ăn ở, đi lại ở Nhật khá cao so với Việt Nam. Về mặt kỹ thuật, Nhật Bản có quy định rất chặt chẽ, vì thế mà các mặt hàng của Việt Nam xuất sang Nhật Bản phải bảo đảm về mặt chất lượng, làm sao ổn định được chất lượng thì mới có khả năng xâm nhập.

Theo nội dung Hiệp định đối tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản, thuế suất bình quân đối với hàng Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản sẽ giảm dần xuống 2,8% vào năm 2018. Khi Hiệp định có hiệu lực, ít nhất 86% hàng nông – lâm – thủy sản và 97% hàng công nghiệp Việt Nam xuất sang Nhật Bản được hưởng ưu đãi thuế. Đổi lại, thuế suất bình quân đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ giảm dần, xuống còn 7% vào năm 2018. Các mặt hàng thủy sản, nông sản, dệt may, sắt thép, hóa chất, linh kiện điện tử có mức cam kết tự do hóa mạnh mẽ nhất. Trong vòng 10 năm, theo thỏa thuận, Việt Nam và Nhật Bản sẽ cơ bản hoàn tất lộ trình giảm thuế để xây dựng một khu vực thương mại tự do song phương hoàn chỉnh. Theo đó, 94,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và 87,6% kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sẽ được miễn thuế nhập khẩu. Với vai trò là những người “nằm vùng”, đội ngũ tham tán cần chú trọng hơn đến các thông tin về hội chợ, triển lãm lớn có uy tín tại địa bàn để định hướng cho các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong việc xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại hiệu quả. Tham tán Thương mại của Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Văn Trung cho rằng, cần tăng cường trao đổi thông tin về nhu cầu xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài cũng như tổ chức đoàn giao thương cho các doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu tìm kiếm bạn hàng, đối tác, nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ của Nhật Bản khi tới Việt Nam. Đồng thời, thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp về những dòng thuế giảm theo lộ trình để doanh nghiệp kịp thời ứng phó, xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh tại thị trường Nhật Bản.

Theo Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương Lê Hoàng Oanh, để thâm nhập vào thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt thông tin và hiểu biết về tập quán kinh doanh của người Nhật. Các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp cần tận dụng tốt các kênh hỗ trợ của Việt Nam và Nhật Bản, cũng như khai thác triệt để những ưu đãi do các Hiệp định song phương và đa phương mang lại. Bên cạnh đó, việc hiểu biết các quy định tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và thực tế kiểm dịch tại Nhật Bản cũng sẽ giúp các doanh nghiệp cung cấp được sản phẩm ổn định chất lượng, hạn chế bị trả lại hàng và rút ngắn thời gian kiểm dịch.

Theo Bộ Công thương, để tăng tốc vào thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các nước khác tại thị trường Nhật Bản. Hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là còn yếu ở khâu tiếp cận thị trường nên trong thời gian tới, cần thiết lập hệ thống bán sản phẩm tại chính thị trường Nhật Bản. Bộ Công thương cũng khuyến nghị, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ quy định trong Hiệp định để tận dụng tối đa lợi thế về ưu đãi thuế nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.

Xuân Lan
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân