Nhiều triển vọng xuất khẩu cá ngừ sang Đức
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), sản phẩm cá ngừ hiện đã trở thành mặt hàng thủy sản xuất khẩu đứng thứ 3 của Việt Nam sau tôm và cá ba sa và trong 3 năm trở lại đây, Đức là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong số các nước EU.

Năm 2013, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Đức chiếm 8% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Từ năm 2009 tới nay,  xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này đã tăng mạnh, từ 13,7 triệu USD lên gần 43 triệu USD (2013).

Với riêng mặt hàng xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam, trong khi xuất khẩu sang  Mỹ  (thị trường lớn nhất của Việt Nam) có xu hướng sụt giảm, thì xuất khẩu sang Đức (thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam và thứ 7 thế giới về nhập khẩu sản phẩm này) vẫn tăng trưởng ổn định, chiếm hơn 19% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam trong năm 2013.

Hiện nước Đức đang nhập khẩu cá ngừ từ 42 nước trên thế giới, trong đó có 4 nước ASEAN, gồm Philippines, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.Tuy nhiên, việc xuất khẩu cá ngừ của các nước ASEAN, do khó khăn và bất ổn về mặt nguyên liệu cùng với những thay đổi về Quy chế thuế quan phổ cập (GSP), đã tăng giảm thất thường trong 5 năm qua, chỉ trừ  xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam vẫn tăng trưởng liên tục qua các năm.

Sau sự sụt giảm hồi năm 2010, hiện xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã tăng trở lại và vượt qua Thái Lan, Indonesia, đứng thứ 5/42 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ xuất khẩu cá ngừ sang Đức (sau Philippines, Ecuador, Papua New Guinea, Hà Lan).

Các chuyên gia cho rằng, triển vọng xuất khẩu cá ngừ sang Đức của Việt Nam đang có chuyển biến tích cực nhất là khi FTA giữa Việt Nam và EU dự kiến ký kết cuối năm nay, điều này đồng nghĩa với việc thuế nhập khẩu cà ngừ sẽ giảm đáng kể chứ không phải mức thuế cao 20-24% như hiện nay. So sánh với Ecuador, quốc gia có lợi thế FTA với EU thì các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khi cạnh tranh về giá.

Bên cạnh đó, việc tăng được sản lượng khai thác cũng như phẩm cấp của cá ngừ đang là đòi hỏi bắt buộc với Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu sẽ kéo theo cơ hội lớn hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng xuất khẩu và mở rộng thị phần.

Hơn nữa, mấy năm gần đây thủy sản Việt Nam vào châu Âu thường tập trung vào một số cảng biển lớn của Đức và đây được coi là cửa ngõ để phân phối tiếp sang các nước khác trong EU. Do vậy, việc tăng cường xuất khẩu cá ngừ sang Đức cũng là cơ hội cho các nhà xuất khẩu Việt Nam tìm kiếm và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang các nước trong khối EU.

Hùng Cường
Nguồn: Báo điện tử Công thương