Nhìn từ chỉ số CPI tháng 10
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Lạm phát tăng trong mức dự đoán đã được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó và giảm đột biến so với con số 2,2% trong tháng 9 giúp mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 8% mà Chính phủ đã đưa ra đang ngày càng trở nên khả thi hơn khi chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2012. 

Như vậy, sau khi tăng mạnh trong tháng cuối của quý 3 do ảnh hưởng của nhóm hàng giáo dục (bắt đầu mùa khai trường) và y tế (Nhà nước áp dụng mức viện phí mới), một trong những chỉ tiêu quan trọng cho thấy “sức khỏe” của nền kinh tế đã về đúng “lộ trình mong muốn” của cả những người điều hành đất nước lẫn những người lao động bình thường.

Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế thì việc CPI liên tục duy trì xu hướng giảm tốc (ngoại trừ tháng 9), kể cả trong những tháng có yếu tố tác động tăng mạnh như: tăng giá xăng, tăng giá điện,… lại cho thấy một thực trạng đáng buồn và đáng lo ngại của nền kinh tế. Bởi lẽ, dường như CPI không phải đang có xu hướng giảm mà là “không thể tăng nổi” khi sức mua của người dân đã cạn kiệt sau một thời gian dài chống chọi với khủng hoảng và bão giá.

Thực vậy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, mức thu nhập của người lao động không tăng, thậm chí còn giảm do các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu cắt giảm chi phí, nhiều người bị sa thải, thất nghiệp,… thì việc lựa chọn chiến lược “thắt chặt chi tiêu” của đại bộ phận người lao động là điều dễ hiểu. Hơn nữa, những thông tin xấu dồn dập như: bất động sản sẽ còn tiếp tục khó khăn, chứng khoán chưa tìm được hướng đi, thu nhập của người dân giảm… càng khiến tâm lý thận trọng trở nên nặng nề hơn. Ngân quỹ của các gia đình giờ chỉ ưu tiên cho những dịch vụ, sản phẩm thiết yếu còn các dịch vụ vui chơi giải trí, nhà hàng, mua sắm,… ngày càng bị nhiều gia đình gạt khỏi danh sách chi tiêu hàng tháng.

Nói cách khác, chính sức mua giảm sút, thị trường tiêu dùng ế ẩm đã kìm tốc độ tăng của CPI trước sự tăng giá của hàng loạt các mặt hàng thiết yếu như xăng, điện, y tế, giáo dục,… trong những tháng gần đây.

Người dân thắt chặt hầu bao thì doanh nghiệp lớn nhỏ cũng lao đao bởi hàng sản xuất ra không bán được, lượng hàng tồn kho có khi lớn hơn cả vốn điều lệ của doanh nghiệp. Trong khi đó, những ông chủ doanh nghiệp vẫn phải trả lãi ngân hàng, chi phí nhân công, bảo hiểm, mặt bằng nhà xưởng, máy móc thiết bị,… và hàng chục loại chi phí khác. Nguy cơ vỡ nợ cũng ngày càng lớn dần khi thời điểm cuối năm, thời điểm thanh toán các khoản công nợ cận kề.

Vậy là, dường như cả người dân lẫn doanh nghiệp đều chẳng mặn mà đón nhận thông tin lạm phát đang giảm và còn tiếp tục xu hướng giảm!

Đỗ Hà
Nguồn: Báo Hải quan Online