“NHNN thực sự khó khăn trong việc hạ lãi suất cơ bản”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Về lý thuyết, việc phối hợp giữa NHNN với Bộ Tài chính (BTC) ở tầm vĩ mô là sự phối hợp giữa chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ. Ở các nước trên thế giới, 2 chính sách này hoà quyện với nhau và được gọi là chính sách tài chính quốc gia.

Tại Việt Nam, sự phối hợp giữa NHNN và BTC trong thực hiện chính sách tài chính quốc gia chưa thực sự ăn khớp đã khiến việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN gặp không ít khó khăn.

Để kiềm chế lạm phát, NHNN đã sử dụng công cụ lãi suất cơ bản và đưa ra mức lãi suất tương đối cao (14%/năm) trong khoảng thời gian tương đối dài (từ tháng 5 đến nay) với mục tiêu là tạo sự hấp dẫn cho người dân gửi tiền vào ngân hàng.

Các tổ chức tín dụng (TCTD) căn cứ vào lãi suất cơ bản đưa ra mức lãi suất huy động và cho vay. NHNN không mong muốn lãi suất cho vay tăng, vì khi DN gặp khó khăn cũng sẽ khiến các TCTD gặp khó khăn do nợ xấu có nguy cơ tăng.

Chính vì vậy, NHNN đã tìm mọi biện pháp để vừa thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, vừa giảm được lãi suất xuống mức thích hợp với mục tiêu tạo điều kiện để DN tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, phát triển sản xuất – kinh doanh, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Nhưng việc hạ lãi suất đã gặp phải rất nhiều khó khăn, một trong những nguyên nhân là gần đây, BTC phát hành trái phiếu chính phủ thời hạn 2 – 5 năm có lúc lãi suất lên đến 17,5%/năm. Điều này chẳng khác gì BTC phát ra thị trường tín hiệu: “lãi suất chuẩn” 17,5%/năm sẽ tồn tại trong vòng 2 – 3 năm tới.

Tất nhiên, BTC cũng có cái khó. Cụ thể, trong giai đoạn hiện nay, nếu huy động trái phiếu chính phủ với lãi suất thấp thì khó có thể đảm bảo đủ vốn cho đầu tư phát triển. Nhưng với mức lãi suất trái phiếu chính phủ cao như vậy thì trong vòng 2 – 3 năm tới, làm sao NHNN có thể hạ được lãi suất trên thị trường tiền tệ?

Tôi cho rằng, nếu không có sự phối hợp chặt trong việc điều hành chính sách tài chính quốc gia thì chúng ta có thể có lợi trước mắt, nhưng trong tương lai, nền kinh tế sẽ gặp không ít khó khăn do lãi suất cao, hạn chế khả năng vay vốn của DN, ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của hệ thống ngân hàng nói riêng, nền kinh tế nói chung.

Nguồn: Báo Đầu tư Chứng khoán điện tử