Nhựa Việt Nam: Bỏ lỡ một cơ hội
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Kết quả điều tra người tiêu dùng của chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao cho thấy, chỉ có khoảng gần 30 doanh nghiệp trong số 1.500 nhà sản xuất nhựa được người tiêu dùng tin tưởng và nhớ đến thương hiệu.

Trong khi đó, tiêu dùng nhựa nội địa đang tăng đến 25 kg/người/năm và tiến đến mức 40 kg/người/năm; và xuất khẩu đạt 700 triệu USD, tăng 46% so với năm trước. Điều này thể hiện thực tế là các đơn vị vẫn chỉ lo phát triển sản xuất, mà không chú trọng đến phát triển thương hiệu, chăm chú đáp ứng các nhu cầu sử dụng cơ bản của sản phẩm mà chưa tạo thêm các giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Bà Lê Thị Kim Thuý, công ty nhựa Đạt Hoà nói rõ: “Các doanh nghiệp sản xuất nhựa trong nước lo bán hàng là chính. Kinh phí xây dựng thương hiệu, quảng cáo và tiếp thị chỉ chừng 1 – 2%/doanh thu/năm”.

Xét trên cả bốn phương diện: quy mô sản xuất, trình độ công nghệ, tiêu chuẩn sản xuất và nguồn nguyên liệu, các công ty nhựa Việt Nam đều ngang cơ với các nhà sản xuất nước ngoài. Nhưng chính vì thiếu thương hiệu, nên giá sản phẩm luôn ở mức thấp hơn, và ngay cả những mặt hàng chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ, Úc, Anh… như của Đại Đồng Tiến, Duy Tân, Chợ Lớn… vẫn không thể bán với giá cao hơn.

Mười năm trước, các nhà kinh doanh Việt Nam đã bắt đầu quan tâm tới khái niệm “thương hiệu”. Thực tế chứng minh, với một thương hiệu được tin cậy, giá trị của sản phẩm sẽ có thể tăng gấp nhiều lần. Thế nhưng, cứ nhìn cách mà các doanh nghiệp ngành nhựa đang làm marketing, thì chỉ biết thở dài…

Tiêu chí thương hiệu, theo kết quả điều tra, đứng sau các tiêu chí về bền, an toàn khi sử dụng; mẫu mã đẹp.

Số liệu điều tra Hàng Việt Nam chất lượng cao cho thấy, với tiêu chí thương hiệu, tỷ lệ lựa chọn ngành nhựa công nghiệp còn cao hơn hẳn ở nhóm sản phẩm đồ bảo hiểm bảo hộ bằng nhựa. Điều này chứng tỏ sự nhận biết thương hiệu đối với nón bảo hiểm là không tương xứng với quy mô mua sắm rầm rộ trong thời gian qua, khi nón bảo hiểm trở thành sản phẩm bắt buộc của xe máy.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nón bảo hiểm là sản phẩm người tiêu dùng chỉ mua một lần, nên chỉ tập trung sản xuất để bán theo kiểu thời vụ. Nhưng họ lại quên rằng đây chính là cơ hội vàng để quảng bá hình thành thương hiệu nhựa, nếu biết áp dụng các hình thức tiếp thị phù hợp.

Ngay khi nghị định 32 của chính phủ ban hành, uỷ ban An toàn giao thông quốc gia đã ước lượng quy mô thị trường: với trên 20 triệu xe gắn máy đang lưu hành, nhu cầu tiêu thụ tối thiểu là 20 triệu chiếc nón bảo hiểm. Nhưng từ đầu năm 2007 đến nay, các doanh nghiệp trong nước chỉ có khả năng đáp ứng khoảng hai triệu chiếc, phần còn lại là hàng nhập khẩu.

Trong giai đoạn vừa qua, cả nước có gần 50 nhà sản xuất nón bảo hiểm nội địa quy mô lớn –  nhỏ, đưa ra thị trường gần 150 nhãn hiệu khác nhau nhưng chưa có nhà sản xuất nào đẩy được thương hiệu lên và chiếm vị trí nhà sản xuất nhựa hàng đầu Việt Nam. Ngay những ngày cao điểm mua sắm nón bảo hiểm, các công ty nhựa Chợ Lớn, Sài Gòn, Amoro, Chí Thành… đều tăng công suất, thực hiện hàng loạt các event bán hàng giảm giá, tặng nón cho học sinh, sản phẩm được khách tranh nhau mua… nhưng sau đó, không có thương hiệu nào vượt lên vị trí nổi bật.

Giám đốc một công ty sản xuất nón bảo hiểm ở Q.11 nói: “Cơ hội là vậy, nhưng nhiều ông chủ, bà chủ trong ngành nhựa vẫn còn nghi ngại, sợ quy định đội nón bảo hiểm đến giờ chót lại được tháo gỡ như mấy năm trước, nên mới có tình trạng sản xuất cầm chừng, làm đến đâu mang bán đến đó mà không mở mạng lưới phân phối, quảng bá sản phẩm, nghiên cứu mẫu nón cho đẹp…”

Nguồn: Báo SGTT