Những “cánh chim” hy vọng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhờ lực đỡ của thị trường nội địa, Covid-19 được kiểm soát tốt, các hãng hàng không Việt Nam có cơ hội phục hồi sớm hơn phần lớn các hãng hàng không trên thế giới từ 1 đến 2 năm.

Các hãng hàng không cần tập trung kích hoạt thị trường nội địa như là điểm tựa quan trọng để có thể tồn tại, phục hồi sau khi Covid-19 được khống chế              Ảnh: Hà Thanh
Các hãng hàng không cần tập trung kích hoạt thị trường nội địa như là điểm tựa quan trọng để có thể tồn tại, phục hồi sau khi Covid-19 được khống chế Ảnh: Hà Thanh

Nỗ lực xua “mây đen” Covid -19

Nếu không có gì thay đổi, Hãng Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) sẽ bắt đầu bán vé cho chuyến bay thương mại đầu tiên từ ngày 1/1 đến 5/1/2021, giúp hành khách có thêm sự lựa chọn dịp cao điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

“Các chuyến bay đầu tiên của Vietravel Airlines sẽ kết nối từ sân bay căn cứ của Hãng là Huế đi Hà Nội, TP.HCM và sau đó dự kiến là Nha Trang, Đà Lạt, Vân Đồn, Đà Nẵng…”, ông Vũ Đức Biên, Tổng giám đốc Vietravel Airlines cho biết.

Mặc dù chưa thể làm thay đổi cán cân của thị trường hàng không nội địa, do đội bay khai thác chỉ gồm 3 chiếc, nhưng việc Vietravel Airlines cất cánh thành công thực sự là một tín hiệu tích cực đối với thị trường hàng không vốn đang trong giai đoạn đặc biệt khó khăn.

Chưa có số liệu chi tiết, nhưng theo Cục Hàng không Việt Nam, do tác động rất lớn của Covid-19, nên sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam trong năm 2020 chỉ đạt 66 triệu lượt, giảm 43,5% so với năm 2019; sản lượng hàng hóa đạt 1,3 triệu tấn, giảm 14,7% so với năm 2019.

Ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động khai thác của các hãng hàng không trong và ngoài nước. Đối với Bamboo Airways, vào lúc cao điểm dịch, đội tàu bay của Hãng đã phải ngừng hoạt động từ 80 đến 90%.

Không tiết lộ chi tiết về kết quả kinh doanh năm 2020, nhưng theo đại diện Bamboo Airways, về mặt tài chính, ngoài việc mất thêm chi phí cho hoạt động cách ly, phòng chống dịch, hãng này đã và đang phải chịu thiệt hại nặng nề về doanh thu do nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa tại nội địa cũng như quốc tế sụt giảm rất sâu.

Là một trong những hãng chịu tác động nặng nề nhất bởi Covid-19, trong 9 tháng đầu năm 2020, Vietnam Airlines chỉ vận chuyển được 6,7 triệu lượt khách, bằng 58,8% so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng tải cung ứng bằng 44,1% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó quốc tế, nội địa lần lượt bằng 27,8% và 86,8%. Hệ số sử dụng ghế đạt 77,3%, giảm 3,6 điểm phần trăm so cùng kỳ năm 2019.

Cơ hội để tham gia vẽ lại bản đồ hàng không thế giới

Theo TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, trên tầm nhìn quốc gia, không chỉ Vietnam Airlines, mà các hãng hàng không Việt Nam khác cũng cần phải được hỗ trợ của Nhà nước, như hỗ trợ bằng lãi suất tái cấp vốn. Đây là khoản hỗ trợ cần thiết để các hãng bay Việt Nam có thể đứng vững và có thể bật dậy ngay khi thị trường hàng không thế giới phục hồi.

Ngoài việc chờ đợi các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, ông Thiên khuyến nghị các hãng hàng không cần tập trung kích hoạt thị trường nội địa như là điểm tựa quan trọng để có thể tồn tại, phục hồi sau khi Covid-19 được khống chế.

“Covid-19 đã làm thay đổi cấu trúc của ngành hàng không thế giới. Tại thời điểm này, không phải cứ to lớn, nổi tiếng là chắc chắn sống sót. Nếu các hãng hàng không Việt Nam đoàn kết, đồng lòng, thì đây lại là cơ hội để chúng ta có thể vươn lên tham gia vẽ lại bản đồ hàng không thế giới”, ông Thiên nhấn mạnh.

Cũng trong 9 tháng đầu năm 2020, tổng doanh thu Công ty mẹ Vietnam Airlines đạt 26.749 tỷ đồng, bằng 82,2% kế hoạch năm 2020 và bằng 46,5% so với cùng kỳ năm 2019. Việc hoàn thành bán 3 tàu bay A321 cũ đã mang về khoản thu nhập, đóng góp quan trọng vào việc cải thiện sự suy giảm doanh thu của Hãng, với mức lỗ của Công ty mẹ Vietnam Airlines trong 9 tháng đầu năm 2020 là 8.555 tỷ đồng, bằng 59,1% mức lỗ kế hoạch năm 2020 (cùng kỳ năm 2019 lãi trước thuế 2.743 tỷ đồng).

Tính chung cả năm 2020, tác động của dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vietnam Airlines vẫn rất nặng nề, khi sản lượng vận chuyển toàn Tổng công ty chỉ bằng 62,2% so với năm 2019; doanh thu năm 2020 của Công ty mẹ ước đạt 33.105 tỷ đồng.

Trong năm 2020, Công ty mẹ Vietnam Airlines dự kiến lỗ 9.638 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu và các cân đối tài chính của Tổng công ty đều bị ảnh hưởng lớn. Quy mô vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2020 dự kiến giảm còn 8.278 tỷ đồng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu tăng lên khoảng 6,19 lần, hệ số nợ (không bao gồm thu bán)/vốn chủ sở hữu tăng lên 5,67 lần. Trạng thái dòng tiền và khả năng thanh toán bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, Covid-19 đã “thổi bay” toàn bộ tích lũy tài chính của Hãng trong suốt 10 năm qua và cần khoảng 5 năm để có thể đạt các chỉ tiêu kinh doanh của năm 2019.

“Không chỉ riêng Vietnam Airlines, mà tất cả các hãng hàng không trong nước đều rất căng thẳng trong việc duy trì dòng tiền để hoạt động. Việc tồn tại, không bị gián đoạn hoạt động khai thác thực sự là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp”, ông Phạm Văn Hảo, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đánh giá.

 

Chờ kịch bản phục hồi

Là một trong những đơn vị tư vấn đưa ra nhận định thị trường sớm nhất, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho rằng, năm 2021 sẽ vẫn là một năm khó khăn.

MASVN đánh giá, ngành hàng không đang trong trạng thái không còn dư địa để phục hồi thêm cho đến khi các chuyến bay quốc tế mở cửa trở lại.

Đơn vị tư vấn tài chính này đánh giá, tuy giá vé thấp đang giúp đẩy nhu cầu di chuyển bằng máy bay tại các tuyến nội địa lên mức cao hơn mức trước dịch, nhưng khi giá vé máy bay ở mức thấp, khả năng tăng chuyến các tuyến nội địa cũng có giới hạn, do không còn nhiều dư địa để giảm giá vé. Nếu các hãng hàng không tiếp tục giảm giá vé, thì hoạt động khai thác cũng không đem lại dòng tiền dương.

“Trước một thị trường nội địa cạnh tranh gay gắt, cho đến khi các tuyến quốc tế được mở lại, chúng tôi cho rằng, tình hình kinh doanh của các hãng hàng không Việt Nam sẽ khó có thêm sự cải thiện”, chuyên gia của MASVN nêu góc nhìn.

Khó khăn thứ hai mà ngành hàng không phải đối mặt trong năm 2021 là thị trường bị thu hẹp, khiến cạnh tranh gay gắt hơn. MASVN nhấn mạnh, hiện tất cả máy bay đều dồn về khai thác tuyến nội địa để cải thiện dòng tiền. Vietjet Air tiếp tục nhận về 11 máy bay mới, nâng tổng số máy bay đang vận hành lên 88 chiếc. Nhận thêm máy bay mới đi kèm hoạt động bán và thuê lại máy bay là cứu cánh cho lợi nhuận trên báo cáo, nhưng sẽ khiến dòng tiền và hoạt động cốt lõi tệ đi khi thị trường chưa hồi phục.

Trong khi đó, Bamboo Airways giảm 2 chiếc A320, nhưng nhận thêm 4 máy bay cỡ nhỏ E195 (124 ghế), nâng số máy bay lên 26 chiếc. Số chuyến bay thực hiện trong tháng 11/2020 đạt 3.286 chuyến, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2019. Vietnam Airlines và Pacific Airlines là 2 hãng bay có số lượng máy bay khai thác giảm so với thời điểm tháng 5/2020, từ 105 xuống 99 và 18 xuống 15 chiếc.

Về triển vọng vắc-xin ngừa Covid-19, theo ước tính của MASVN, để đủ vắc-xin tiêm cho 30% dân số Mỹ, mức tối thiểu để đẩy lùi dịch bệnh, sẽ cần khoảng 4 tháng. Đối với các nước kém phát triển hơn Mỹ, thời gian để đạt được tỷ lệ tiêm chủng 30% sẽ còn kéo dài hơn, do không tự chủ được nguồn vắc-xin.

“Các chuyến bay quốc tế có thể sẽ mở lại ngay khi dịch bệnh được đẩy lùi, lưu lượng khách quốc tế sẽ bắt đầu khôi phục dần từ thời điểm đó. Tuy nhiên, theo chúng tôi, tốc độ hồi phục sẽ khá chậm, do các quy định về cách ly, kiểm dịch; nền kinh tế suy yếu do Covid-19, ảnh hưởng tới nhu cầu du lịch”, chuyên gia của MASVN lưu ý.

Khác với đánh giá của MASVN, Vietnam Airlines cho rằng, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhưng ngành vận tải hàng không Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi nhanh hơn các thị trường khác và có nhiều cơ hội phát triển dựa trên nhu cầu du lịch, giao thương kinh tế trên cả thị trường nội địa và quốc tế.

Với triển vọng từ việc sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19, Vietnam Airlines nhận định, thị trường hàng không quốc tế Việt Nam đến năm 2022 sẽ phục hồi quy mô tương đương năm 2019 đối với kịch bản lạc quan và đến năm 2023 sẽ phục hồi quy mô tương đương năm 2019 đối với kịch bản thận trọng. Đặc biệt, thị trường hàng không nội địa Việt Nam sẽ phục hồi nhanh hơn các thị trường khác, đến năm 2021 sẽ phục hồi quy mô tương đương năm 2019.

Đối với giai đoạn phục hồi sau khi Covid-19 được khống chế, tổng thị trường hàng không Việt Nam dự báo đạt tốc độ tăng trưởng 8%/năm trong giai đoạn 2023 – 2025 và 4%/năm trong giai đoạn 2026 – 2035, đạt 97,3 triệu lượt khách vào năm 2025 và 144,2 triệu lượt khách vào năm 2035.

“Tuy nhiên, ngoài sự cố gắng của các hãng bay, việc kéo dài các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước vẫn là một trong những nhân tố quyết định sự phục hồi của thị trường”, ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính Kế toán Vietnam Airlines đánh giá.