Những điểm đáng quan tâm quanh dự luật thuế TNDN
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Các ý kiến rất đa dạng, phong phú do được nhìn nhận, đánh giá ở nhiều giác độ khác nhau: phạm vi điều của luật này đến đâu, đối tượng nộp thuế gồm những loại hình nào, các tổ chức không có tên là DN nhưng có thu nhập từ các hoạt động kinh tế có phải nộp thuế TNDN không? Quy định về chi phí hợp lý hợp lệ có gì mới? Những loại chi phí nào cần hoặc không cần phải khống chế, cách quy định chi phí cho tiện lợi, minh bạch? Những điều kiện nào ràng buộc để tránh lợi dụng, kê khai sai, luồn lách thuế? Có nhiều loại thu nhập thì xử lý ra sao? Vấn đề khấu hao, đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài trợ đóng góp ủng hộ, từ thiện? Ưu đãi thuế có ảnh hưởng gì đối với DN đang hoạt động? Tại sao cải cách ưu đãi theo cách này mà không theo cách kia? Cách tính ưu đãi đối với những trường hợp cụ thể theo luật hiện hành và dự thảo sửa đổi? Tại sao hạ thuế suất xuống 25% mà không hạ thấp hơn nữa… cũng là những nội dung được nêu ra.

Qua tổng hợp, phân loại theo từng nội dung, từng tình huống cho thấy các ý kiến khá tập trung bám sát vào nội dung của dự thảo sửa đổi luật lần này, có ý kiến đề xuất cả hướng xử lý nhưng cũng không ít có ý kiến chỉ nêu ra tình huống. Có ý kiến phân tích sâu sắc nhưng cũng có nhiều ý kiến chỉ nêu 1 chiều, cá biệt cũng có ý kiến được nêu lặp đi lặp lại trong tất cả các lần tham gia đóng góp vào các luật khác …

Điều đáng mừng là đại đa số đánh giá cao những tư tưởng đổi mới trong nội dung sửa đổi lần này như: hạ thuế suất xuống 25% để bảo đảm tính cạnh tranh quốc tế, tạo thuận lợi cho việc tăng tích tụ; sắp xếp lại ưu đãi thuế theo hướng bỏ ưu đãi tràn lan theo ngành, lĩnh vực tạo ra khoảng cách chênh lệch cần thiết, đủ mạnh giữa các mức ưu đãi để khuyến khích DN đầu tư, kinh doanh tại các vùng khó khăn. Việc thay đổi kỹ thuật lập pháp trong quy định về chi phí không được trừ, các khoản không quy định đương nhiên được công nhận cũng là nội dung được đánh giá cao do mang lại thế chủ động hơn cho DN. Quy định mới về trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ từ nguồn thu nhập trước khi tính thuế (đến 10%) rất tốt cho DN nhưng cách thức quản lý quỹ có vẻ như còn phức tạp hoặc còn có vấn đề trong cách thể hiện nội dung điều luật chưa được sáng sủa lắm. Nội dung khống chế mức tối đa 10% về chi phí tiếp tân, khánh tiết, quảng cáo, khuyến mại cũng có nhiều ý kiến cho rằng còn thấp quá, trái lại cũng không ít ý kiến nên có vài mức cụ thể áp dụng với từng loại hình DN khác nhau hoặc có quy mô khác nhau. Nội dung dự kiến về phân bổ số thuế nộp giữa địa phương nơi DN đóng trụ sở chính với địa phương nơi DN có nhà máy, cơ sở phụ thuộc tuy hợp đạo lý, có cơ sở kinh tế và thực tiễn, được các địa phương đồng tình nhưng cũng không ít DN băn khoăn liệu có tăng thêm chi phí trong thực hiện?

So với dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân trước đây, số lượng ý kiến của DN đóng góp vào dự thảo sửa đổi Luật thuế TNDN không nhiều bằng nhưng nội dung không kém phần phức tạp. Nhìn chung các vấn đề mà DN nêu ra được thể hiện khá nghiêm túc, trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng, có trí tuệ. Tất cả các ý kiến từ bất cứ giác độ nào đều được cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp, phân tích, cân nhắc kỹ lưỡng, chuẩn bị nội dung giải trình, hoặc tiếp thu chỉnh sửa có phù hợp.

Nguồn:  Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp