Nâng mức xử phạt vi phạm hành chính về đất đai
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bổ sung các biện pháp khắc phục hậu quả

Như Nghị định 182, đối tượng áp dụng được quy định trong Nghị định 105 vẫn bao gồm cá nhân trong nước, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cơ quan, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài; hộ gia đình; cơ sở tôn giáo có hành vi vi phạm hành chính trong sử dụng đất đai hoặc trong việc thực hiện các hoạt động dịch vụ về đất đai. Ngoài ra, cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý đất đai sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29.10.2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai.

Ngoài các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, buộc khôi phục tình trạng của đất như trước khi vi phạm, Nghị định 105 quy định thêm nhiều biện pháp khắc phục hậu quả khác, như: buộc khắc phục tình trạng làm suy giảm đất, khắc phục việc thải chất độc hại vào đất; buộc trả lại diện tích đất đã nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; tịch thu lợi ích có được do vi phạm; buộc phải thực hiện đúng thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật về đất đai; buộc phải cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu và chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là 2 năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện.

Nâng mức phạt đối với hành vi vi phạm

Hậu quả hành vi vi phạm hành chính được xác định theo nguyên tắc quy đổi giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị vi phạm thành tiền theo giá đất tại thời điểm xử phạt do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương- nơi có đất đó quy định và chia thành 4 mức. Cụ thể: đối với hành vi không trả lại đất đúng thời hạn theo quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể bị phạt từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng; gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác bị phạt từ 200.000 đồng đến 50 triệu đồng; sử dụng đất không đúng mục đích có thể bị phạt đến 300 triệu đồng; đặc biệt, đối với các hành vi lấn, chiếm đất; huỷ hoại đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất nhưng không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, có thể bị phạt với mức cao nhất là 500 triệu đồng.

Lần đầu tiên, nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có quy định về hành vi “chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai” (Điều 20). Quy định này xuất phát từ thực tế, tình trạng dự án “treo” đang khá phổ biến. Trong khi đó, nhiều cá nhân, tổ chức có nhu cầu sản xuất, kinh doanh đành phải “bó tay” do quỹ đất đã hết. Để hạn chế tình trạng lãng phí đất, Nghị định quy định rõ: Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi không sử dụng đất được giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư quá thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép.

Nghị định cũng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động dịch vụ đất đai như: hành nghề tư vấn về giá đất mà không thực hiện đúng nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất theo quy định của pháp luật, hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền có cho phép; hành vi hành nghề tư vấn về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mà không đăng ký hoạt động hành nghề. Các hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 20 triệu đồng.

Nhìn chung, mức phạt của Nghị định 105 cao hơn nhiều lần so với các quy định tương ứng tại Nghị định 182. Điều này rất cần thiết, nhằm răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm. Đặc biệt, Nghị định 105 quy định các biện pháp bảo đảm việc thực hiện các quy định nêu trên. Cụ thể, sau 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, nếu người vi phạm không tự nguyện nộp phạt thì bị cưỡng chế bằng cách bị khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập, hoặc khấu trừ tiền từ tài khoản ngân hàng. Nếu không áp dụng được những cách trên, cơ quan chức năng có thể kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá.

Tăng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Để phù hợp với các quy định mới về mức xử phạt vi phạm hành chính, Nghị định 105 quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của UBND các cấp và Thanh tra chuyên ngành về đất đai theo hướng tăng lên. Cụ thể là: Ngoài biện pháp phạt cảnh cáo, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt tiền đến 2 triệu đồng, cấp huyện đến 30 triệu, cấp tỉnh đến 500 triệu; Thanh tra viên đất đai đang thi hành công vụ được phạt tiền đến 500 nghìn đồng; Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường có quyền phạt tiền đến 30 triệu và Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường được phạt tiền đến 500 triệu đồng. Ngoài ra, Nghị định 105 còn bổ sung thẩm quyền xử phạt hành chính của Chánh Thanh tra Tổng cục Quản lý đất đai: có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 100 triệu đồng.

Thời gian tới, Bộ Tài nguyên- Môi trường và các cơ quan hữu quan sẽ ban hành Thông tư để tiếp tục cụ thể hoá, đưa Nghị định 105 vào cuộc sống.

Đức Thành
Nguồn: Báo  điện tử Đại biểu nhân dân