Nợ đọng tiền BHXH: Mức xử phạt thấp nên doanh nghiệp “nhờn thuốc”!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đơn vị nào cũng vi phạm

Thực tế từ nhiều năm nay, tình trạng DN nợ đọng BHXH ngày càng tăng. Nhiều DN đã khai thu nhập của NLĐ ít đi, thậm chí là chỉ đóng BHXH theo lương tối thiểu. Điều đáng nói, ngay cả khi đóng góp ít thì số nợ BHXH cũng đang tăng cao đến mức báo động. Năm 2006, số nợ này chỉ là 1.058 tỉ đồng, đến tháng 10.2007 con số này đã tăng lên tới 2.156 tỉ đồng. Theo quy định hiện nay, nếu DN không đóng BHXH cho NLĐ thì đương nhiên NLĐ không được hưởng quyền lợi từ BHXH. Bởi vậy, hơn 30% số NLĐ không được đóng bảo hiểm bắt buộc cũng như hàng vạn NLĐ không được DN nộp BHXH sẽ không được hưởng bất cứ khoản trợ cấp nào từ BHXH nếu như họ bị ốm đau, thai sản… Theo báo cáo của Bộ LĐ -TB&XH và Tổng Liên đoàn Lao động VN, hiện nay, trong số trên 12 triệu lao động thuộc diện trích nộp BHXH bắt buộc trong cả nước, mới có khoảng 6 triệu người được tham gia. Như vậy, với 6 triệu NLĐ không được tham gia BHXH, mỗi năm quỹ BHXH sẽ thất thu ít nhất là 7.000 tỉ đồng. Từ thực tế trên cho thấy, tình trạng nợ đọng BHXH ngày càng tăng; khiến cho nguồn thu của Nhà nước bị sụt giảm và NLĐ gánh chịu sự thiệt thòi.

Thanh tra Sở LĐ -TB&XH Hà Nội cho biết, qua kiểm tra đã phát hiện một số đơn vị sai phạm trong việc ký hợp đồng lao động với người lao động. Nội dung nhiều bản hợp đồng lao động không cụ thể hoá quyền và nghĩa vụ các bên tham gia theo hướng dẫn của pháp luật lao động. Nhiều đơn vị còn ký hợp đồng lao động trái với luật định hoặc bỏ trống nhiều điều khoản về BHXH, bảo hộ lao động. Theo ông Trần Bình Minh, Phó Chánh thanh tra Sở LĐ -TB&XH Hà Nội, tình trạng vi phạm các quy định về BHXH, BHYT đều diễn ra tại các công ty thể hiện dưới 2 hình thức: Trích nộp BHXH chậm và “quên” không mua BHXH, BHYT cho người lao động. Mặc dù các đơn vị đều trích 6% BHXH, BHYT từ lương tháng của người lao động, song không nộp cho cơ quan BHXH, hầu hết đều trích nộp BHXH từ 3-12 tháng, thậm chí có những đơn vị nợ BHXH tới 16 tháng. Không chỉ chậm nộp BHXH, có tới 50% đơn vị còn để lao động ngoài danh sách nộp BHXH bắt buộc. Đây cũng là nguyên nhân phần lớn của các cuộc đình công bùng nổ trong năm qua. Tuy nhiên, dù có đấu tranh thì hầu như NLĐ vẫn là đối tượng chịu thiệt thòi. Khi bị sa thải, không có việc làm hoặc bỏ việc; chế độ BHXH coi như bị mất trắng.

Tăng cường giám sát DN

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: “Pháp luật lao động quy định rõ NLĐ có quyền khởi kiện người sử dụng lao động về các hành vi chiếm dụng tiền đóng BHXH của NLĐ và không thực hiện nghĩa vụ tham gia BHXH cho NLĐ. Tuy nhiên, thực tế là NLĐ khi đi khởi kiện gặp rất nhiều khó khăn về thời gian và các điều kiện khác. Nếu được NLĐ ủy quyền thì công đoàn có thể khởi kiện thay cho NLĐ”.

Các chuyên gia cho rằng, việc NLĐ bị “ỉm” tiền BHXH là do NLĐ còn rất thụ động và dễ bỏ qua quyền lợi của mình khi bị DN vi phạm. Sự lỏng lẻo trong quản lý và thực thi luật pháp cũng là tác nhân cho DN vi phạm. Cụ thể các cơ quan này dễ dãi chấp nhận cho nợ mà không có biện pháp xiết nợ, xử phạt. Hơn nữa, hiện nay chế tài xử phạt thấp (DN nợ hàng vài tỉ đồng, nhưng quy định xử phạt hành chính tối đa là 20 triệu đồng) khiến các DN “nhờn thuốc”. Vì vậy, công đoàn cơ sở phải tăng cường giám sát việc DN tham gia BHXH cho NLĐ. Cần tập trung mạnh vào xử lý DN để đảm bảo việc chấp hành pháp luật trong BHXH. Công đoàn cấp trên sẽ phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, cơ quan BHXH kiến nghị cơ quan có thẩm quyền rút giấy phép hoạt động của DN cố tình chây ì nợ BHXH.

Ngọc Lam

Theo kết quả kiểm tra hằng năm của Bộ LĐ -TB&XH và Tổng Liên đoàn lao động VN, trong khu vực DN, lao động cưỡng bức phổ biến nhất là tình trạng thường xuyên huy động NLĐ làm thêm giờ, song không thanh toán đầy đủ tiền phụ trội. Kết quả khảo sát cho thấy: 81,81% số NLĐ được hỏi trả lời có làm thêm giờ; 27,3% số người được hỏi trả lời họ phải làm thêm quá 200 giờ /năm; 22,73% số người được hỏi khi làm thêm giờ họ chỉ được trả lương như làm việc bình thường. Đặc biệt, 18% ý kiến cho rằng việc họ làm thêm giờ là do định mức lao động quá cao, nếu không làm thêm giờ thì không thể hoàn thành định mức. Trong khi đó, NLĐ lại không được hưởng chế độ BHXH theo đúng quy định.

Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật