Nỗi lo đình đốn sản xuất khi giá tiêu dùng giảm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hầu hết giá các mặt hàng thiết yếu giảm

3 nhóm mặt hàng chính trong cơ cấu tính giá tiêu dùng là ăn uống, nhà ở và đi lại đều có mức độ giảm mạnh kéo chỉ số CPI tháng 10 giảm theo. Lương thực giảm 1,91% kéo theo nhóm hàng ăn uống và dịch vụ giảm 0,42%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 1,08%; nhóm phương tiện đi lại- bưu điện giảm 0,94%; các nhóm hàng khác tốc độ tăng giá đều giảm hoặc chỉ tăng nhẹ từ 0,38 đến 0,85%.

Bên cạnh đó có 4 khu vực là đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ, TP. Hồ Chí Minh và khu vực bắc Trung bộ giá tiêu dùng đã có hướng đi xuống; chỉ riêng khu vực đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc chỉ số giá còn tăng nhẹ.

Việc tốc độ tăng giá liên tục giảm là điều đáng mừng, nhưng nếu so với tháng 12/2007 thì CPI 10 tháng đầu năm 2008 đã tăng 21,645%, và nếu so với bình quân 10 tháng đầu năm 207 thì chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng đầu năm 2008 tăng 23,15%- mức cao nhất kể từ nhiều năm qua.

Cảnh báo sản xuất đình đốn

Tại cuộc họp, hầu hết các ý kiến đều nhất trí đánh giá, CPI giảm tục giảm cho thấy, rõ ràng chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã có tác dụng, nhưng thực tế hiện nay các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp như kinh doanh thép, vật liệu xây dựng, dệt may… đang gặp khó khăn lớn vì không tiêu thụ được hàng hóa, tồn kho lớn, thậm chí phải nhiều DN đã phải dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng. Đây là tín hiệu xấu hay tốt, các chuyên gia thường trực tổ điều hành đã đưa hai luồng ý kiến khác nhau.

Ông Nguyễn Đức Thắng- Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dịch vụ thương mại và giá cả Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và đầu tư- cho rằng: Việc thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ quá khắc nghiệt trong thời gian qua dẫn tới DN thiếu vốn, gây khó khăn cho sản xuất. Nhưng mới chỉ có tháng đầu tiên CPI âm nên chưa có cơ sở đánh giá là giảm phát hay thiểu phát.

Ông Hoàng Thọ Xuân- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương- cũng đặt câu hỏi: Đây mới chỉ là tháng đầu tiên CPI âm, tại sao lúc CPI tăng liên tục chúng ta không cảm thấy nguy hiểm, nhưng đến khi giá cả đi xuống lại vội vã cho đó là dấu hiệu đáng lo ngại? Nếu không thận trọng đánh giá, chúng ta dễ chạy từ cực này sang cực khác, từ chống lạm phát nghiêng sang chống giảm phát.

Nhưng với thái độ quả quyết, thẳng thắn ông Nguyễn Danh Trọng- Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước- phân tích: Tình hình kinh tế toàn cầu đang tác động đến Việt Nam, thể hiện rất rõ qua các chỉ tiêu vĩ mô như giá cả, GDP, xuất nhập khẩu… đều giảm. Nguyên nhân thứ nhất, do mặt bằng giá một số mặt hàng thiết yếu trên thế giới đã giảm mạnh. Như dầu thô, đang từ đỉnh điểm 147 USD/thùng quay ngoắt xuống 62-63 USD/thùng; giá phân bón, cao su, giá vàng, chứng khoán thế giới cũng giảm với tốc độ mạnh tác động đến tâm lý thị trường Việt Nam. Nguyên nhân thứ hai, giá tiêu dùng giảm là do 8 nhóm giải pháp của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, dấu hiệu giảm phát trong những tháng gần đây rất rõ ràng, trong khi chúng ta đang đối phó với lạm phát thì giá tiêu dùng lại giảm đột ngột, đây là điều mong muốn của người tiêu dùng, nhưng về sản xuất thì CPI phải tăng một chút (từ 2 đến 5%) mới kích thích tăng trưởng. Đáng lưu ý, Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng hầu hết giá các mặt hàng nông sản thóc gạo, cà phê, cao su… đột ngột giảm và tiêu thụ rất chậm khiến nông dân gặp khó khăn, cùng với đó là sản xuất đình đốn, tồn kho lớn. Tất cả những dấu hiệu đó cảnh báo đã đến lúc chúng ta phải điều hành từ chống lạm phát sang chống giảm phát, mà theo kinh nghiệm thế giới, giảm phát còn nguy hiểm hơn lạm phát.

Cũng tại cuộc họp, nhiều chuyên gia cho rằng, trong tháng gần đây, độ dốc tăng giá lên rất nhanh mà xuống cũng rất nhanh làm nhiều DN không kịp trở tay. Thực tế hiện nay sản xuất đang rơi vào tình trạng giảm sút nghiêm trọng, nhiều DN phải sản xuất cầm chừng vì bị lỗ, đến 40-50% DN vừa và nhỏ phải hoạt động cầm chừng vì còn phải giữ mối liên hệ với ngân hàng, như sản xuất mặt hàng xe máy đã ngừng, sản lượng thép sản xuất trong nước giảm tới mức tối đa vì tồn đọng hàng triệu tấn, các mặt hàng khác cũng trong tình trạng tương tự. Vì thế, đã đến lúc phải nghiêm túc xem xét, đánh giá mức giảm CPI báo động dấu hiệu gì sắp xảy ra. Các chuyên gia cũng cảnh báo, trong lúc giá nhiều mặt hàng nguyên vật liệu trên thế giới giảm mạnh, một lượng hàng hóa không nhỏ cũng đang tập kết chờ “đổ” vào Việt Nam, nếu không có biện pháp,sản xuất trong nước sẽ càng rơi vào tình trạng đình đốn.

Điều hành thận trọng, linh hoạt

Ông Trọng cho rằng, vừa qua do tình hình lạm phát có xu hướng giảm, mặc dù vẫn theo đuổi chính sách kiểm soát lạm phát nhưng Chính phủ và Ngân hàng đã có những biện pháp điều hành linh hoạt hơn như tăng lãi suất dự trữ bắt buộc tiền gửi, thanh toán trước hạn trái phiếu, giảm lãi suất tái chiết khấu để nâng thanh khoản cho ngân hàng nhằm giảm lãi suất cho vay… mà thực chất đây là nới lỏng chính sách tiền tệ để tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn. Vì thế, tình hình những tháng gần đây có nhiều thay đổi, trước đây lãi suất cho vay ở mức 21% nay đã giảm 3-4%/năm. Nếu như mức huy động vốn trong 5 tháng đầu năm rất khó khăn, chỉ 5,5% nhưng từ tháng 6 đến nay tình hình đã được cải thiện, mức huy động tiền gửi tăng nhanh chóng lên 15%.

Các chuyên gia đều cho rằng, biện pháp chống giảm phát hữu hiệu nhất là kích cầu tiêu dùng và sử dụng vốn, nhất là khuyến khích tiêu dùng hàng trong nước qua việc giảm giá bán, khuyến mại…

Ông Hoàng Thọ Xuân- Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương- nêu vấn đề: Đáng lo ngại là trong khi các mặt hàng dư thừa nhưng giá thịt lợn quá rẻ khiến nhiều người bỏ nuôi lợn vì không bán được. Vì thế, ngay từ bây giờ phải lo nguồn thịt lợn cho dịp Tết. Đối với khó khăn của ngành thép, Hiệp hội Thép đã có đề nghị tăng thuế NK lên 25%, nhưng phải cân nhắc xem bảo vệ ngành cán thép nói riêng hay chú ý đến cả thị trường bất động sản và xây dựng. Theo ông Xuân, cần rà soát lại cân đối cung- cầu hàng hóa năm 2009, xem xét có thực lượng hàng hóa có lạc quan như các đánh giá hay không.

Trước hai luồng ý kiến, ông Nguyễn Tiến Thỏa- Cục trưởng Cục quản lý Giá, Bộ Tài chính, chủ trì phiên họp- cho rằng: Nếu trong điều kiện kinh tế tăng trưởng bình thường thì việc giảm giá tiêu dùng có tính tích cực, vì đây là biểu hiện của việc giảm chi phí, nhưng trong tình hình sản xuất đình đốn, tiêu thụ hàng hóa chậm, các DN không có tiền thanh toán ngân hàng, chúng ta phải cảnh giác. Tuy nhiên, cần có số liệu cụ thể để đánh giá chính xác, nếu tình trạng đình đốn sản xuất kéo dài phải có những giải pháp tác động kịp thời. Việc có nới lỏng chính sách thắt chặt tiền tệ nữa hay không và ở mức độ nào còn tùy thuộc vào tín hiệu của nền kinh tế.

Về việc tăng thuế NK thép, theo ông Thỏa, các bộ sẽ tiếp tục cân nhắc để bảo đảm lợi ích của ngành thép cũng như thị trường bất động sản và xây dựng. Theo ông Thỏa, năm 2009 Chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện 8 nhóm giải pháp của Chính phủ nhưng liều lượng tùy theo diễn biến thực tế của nền kinh tế; đồng thời, đảm bảo cân đối cung- cầu điện phân bón, lương thực, tiền tệ… Về chính sách tài khóa: phấn đấu giảm bội chi ngân sách dưới 5% GDP; kiểm soát thị trường, chỉ đạo chuẩn bị tốt kế hoạch Tết Nguyên đán.

Nguồn: Bộ Công thương