Nông sản nhiều cơ hội vào Trung Đông
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trao đổi với PV sau chuyến công tác xúc tiến thương mại tại Dubai, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương khẳng định: VN có rất nhiều tiềm năng để xuất khẩu nông sản vào thị trường này.Ông Lương Lê Phương nói:

– Tại triển lãm Rice Dubai 2011, các gian hàng của VN được rất đông công ty đến tham quan và tìm hiểu thông tin. Theo thống kê của ban tổ chức, đã có trên 200 doanh nghiệp nước ngoài làm việc với các doanh nghiệp trong nước. Hầu hết hàng mẫu đem theo để giới thiệu sản phẩm đã được khách tham quan dùng thử, sau đó mua hết. Nhiều tập đoàn UAE cho biết sẵn sàng hợp tác mua nông sản của VN và sang VN đầu tư.

* Ngoài cơ hội tiếp xúc với khách hàng và tìm hiểu thị trường, đã có hợp đồng cụ thể nào được ký kết không, thưa ông?

– Sau khi tìm hiểu kỹ thông tin cũng như dùng thử sản phẩm của các doanh nghiệp VN, nhiều khách hàng đã có những thỏa thuận hoặc ký hợp đồng với các doanh nghiệp trong nước ngay tại hội chợ. Trong đó có ba hợp đồng rất quan trọng. Một công ty lương thực tại An Giang đã ký hợp đồng bán cho công ty nước ngoài loại gạo sinh thái với số lượng lên đến 25.000 tấn. Một công ty xuất khẩu gạo khác cũng của An Giang đã ký được hợp đồng xuất khẩu 2.500 tấn gạo jasmine 5% tấm.

Ngoài gạo, một số mặt hàng khác cũng được các đối tác đặt mua. Chẳng hạn, có doanh nghiệp VN ký được hợp đồng xuất khẩu sang UAE mỗi tháng năm container đồ thủy sản đóng hộp, một doanh nghiệp khác cũng ký được hợp đồng xuất khẩu tiêu với đối tác tại Dubai…

* Ông đánh giá thế nào về tiềm năng xuất khẩu nông sản của VN sang thị trường UAE?

Có rất ít gạo Việt Nam ở UAE

Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Faisal Ali Mousa, trưởng ban tổ chức Hội chợ triển lãm quốc tế gạo Rice Dubai 2011, cho biết UAE là thị trường tạm nhập tái xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nhưng hầu như không có gạo VN. Theo ông Faisal Ali Mousa, Dubai nói riêng và UAE nói chung là cửa ngõ xuất khẩu vào thị trường Trung Đông và Bắc Phi. Đây là thị trường tái xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với giá trị trên 2 tỉ USD mỗi năm, chiếm 93% lượng tái xuất của thị trường gạo toàn cầu.

Tuy nhiên, hiện gạo VN được xuất khẩu sang Dubai rất ít và chủ yếu qua trung gian chứ không phải trực tiếp, nên rất ít khách hàng biết đến gạo VN. Bên cạnh đó, chiến lược xây dựng thương hiệu gạo VN còn yếu nên ít ai biết đến gạo VN dù VN là nhà xuất khẩu gạo thứ hai thế giới. Do đó, nếu muốn đưa gạo VN vào thị trường này trong thời gian tới, các doanh nghiệp VN phải đẩy mạnh công tác tiếp thị, quảng bá các loại gạo cũng như tên tuổi, hình ảnh doanh nghiệp với các nhà nhập khẩu tại đây.

Có hai vấn đề chính được quan tâm, trước hết là chất lượng gạo. Các nhà nhập khẩu rất sợ sự không đồng nhất về chất lượng gạo, hàng mẫu là một loại trong khi hàng giao lại là loại khác. Hoặc trộn nhiều chủng loại gạo khác nhau không đúng quy cách ban đầu. Thứ hai là thời gian giao hàng. Giá gạo biến động hằng ngày, chưa kể việc chậm giao hàng có thể gây ảnh hưởng xấu đến việc kinh doanh của các nhà nhập khẩu, do đó rất khó được chấp nhận.

– Dù lần đầu tiên tham gia nhưng các sản phẩm nông nghiệp VN đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của khách hàng cũng như có những đơn hàng đầu tiên. Đây là dấu hiệu cho thấy cơ hội để hàng nông sản VN vào thị trường này, không chỉ có lúa gạo mà còn là thủy sản, nông sản và các loại lâm sản khác…

Đặc biệt, trong cuộc gặp gỡ với đoàn VN, tỉ phú Mahendra Patel, chủ tịch Tập đoàn GEAP, đồng ý cho phía VN mượn một tòa nhà trong Khu kinh tế tự do JAFZA để làm trung tâm phân phối hàng VN. Đây là cơ hội tốt hơn cả kỳ vọng, do JAFZA hiện có hơn 6.200 công ty của hơn 120 quốc gia, đóng góp hơn 1/4 GDP của Dubai, chiếm 50% giá trị xuất khẩu của quốc gia này và được xem là cửa ngõ vào khu vực Trung Đông, Bắc Phi…

 Theo bản ghi nhớ ký kết với phía VN ngay sau đó, Tập đoàn GeaP cho phía VN sử dụng tòa nhà gần cảng Dubai trong khu kinh tế mở để làm trung tâm xúc tiến thương mại. Đồng thời, Tập đoàn GEAP sẽ mua sản phẩm của VN, sau đó dùng mạng lưới phân phối của Geap Foods để đưa hàng nông thủy sản VN ra toàn khu vực.

Trong thời gian tới VN sẽ cử Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) tổ chức quản lý tòa nhà. Đây sẽ là trung tâm xúc tiến thương mại hàng hóa của VN vào thị trường Trung Đông và Bắc Phi thời gian tới.

Ngoài ra, tỉ phú Ali Mousa, chủ tịch Tập đoàn FAM Holdings, cho biết đang xúc tiến thành lập một quỹ đầu tư của Dubai để đầu tư vào VN, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Hiện quỹ này cùng với đối tác VN là Công ty Sao Khuê đang lên kế hoạch thời gian cụ thể để đến VN.

* Theo ông, các doanh nghiệp cần làm gì để tận dụng cơ hội này?

– Về phía doanh nghiệp, quan trọng nhất là chủ động tìm kiếm thông tin về khách hàng, về thủ tục xuất khẩu, các hàng rào kỹ thuật, quy định vệ sinh an toàn thực phẩm và hình thức thanh toán để ký kết hợp đồng mua bán.

Nếu tận dụng thành công, Trung Đông và Bắc Phi sẽ là thị trường quan trọng của nông sản VN nói chung và lúa gạo VN nói riêng. Trong bối cảnh xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn, việc tiếp cận các thị trường mới sẽ góp phần giữ giá lúa gạo trong nước. Do đó, về phía Nhà nước cần có hỗ trợ xúc tiến thương mại cho riêng thị trường này bằng các hoạt động như triển lãm giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp mở văn phòng đại diện, hội nghị khách hàng tại Dubai…

TRẦN MẠNH – TTO