Nông sản Việt nâng chất để mở đường tới Anh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Để tận dụng được ưu đãi thuế quan từ HIệp định UKVFTA và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Anh, doanh nghiệp Việt phải nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn… của thị trường này.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nâng giá trị đơn hàng

Lô nhãn đầu tiên của niên vụ 2021 vừa được tỉnh Sơn La xuất khẩu sang Anh và Liên minh châu Âu (EU), mở màn cho những chuyến hàng trái cây tươi của tỉnh này thâm nhập một trong những thị trường khó tính nhất EU.

Trước đó, một số lô hàng gạo, cà phê đã được các doanh nghiệp Việt xuất đi Anh nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) (có hiệu lực từ đầu năm nay).

Điểm chung của hầu hết lô hàng nông sản xuất đi Anh là đơn hàng giá trị nhỏ, thâm nhập thị trường thông qua các nhà nhập khẩu mới. Đơn cử, Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) xuất sang Anh 60 tấn gạo thơm qua Công ty Long Dan – doanh nghiệp do người Việt làm chủ tại Anh.

Dù đơn hàng nhỏ, nhưng các doanh nghiệp đều tận dụng được ưu đãi thuế 0% cho cả gạo thơm và trái cây. Trước khi ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, Anh áp dụng mức thuế nhập khẩu gạo thơm (Jasmin) là 17,4%. Sau khi UKVFTA có hiệu lực, gạo thơm Việt Nam chất lượng cao vào thị trường Anh được miễn thuế nhập khẩu, giúp gạo Việt có sức cạnh tranh tốt hơn.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng hóa sang Anh của nước ta đạt 2,85 tỷ USD, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2020. Mức tăng trưởng này được đánh giá là tích cực, nhờ hiệu ứng của UKVFTA.

Thị trường Anh đã mở, với nhu cầu nhập khẩu hàng hóa trên 700 tỷ USD mỗi năm, nhưng hàng Việt tại Anh mới chiếm chưa tới 1% thị phần. Riêng mặt hàng rau quả, năm 2020, Anh nhập khẩu hơn 5,7 triệu tấn, trị giá gần 6,4 tỷ bảng (khoảng 9 tỷ USD), nhưng rau quả từ Việt Nam xuất sang Anh mới đạt 11,6 triệu USD, chỉ chiếm 0,18% thị phần.

Người Anh tiêu thụ nhiều chuối, loại quả này chiếm 29,5% tổng lượng hoa quả nhập khẩu, chủ yếu nhập từ Colombia và Costa Rica; kế đến là nho, chủ yếu nhập từ Nam Phi và Tây Ban Nha; tiếp theo là cam, quýt và quả có múi khác, chủ yếu nhập từ Tây Ban Nha và Pê-ru.

Đối với mặt hàng gạo, năm 2020, nước Anh nhập khoảng 762.526 tấn, trong đó, gạo nhập từ Việt Nam đạt 3.396 tấn, trị giá gần 1,3 triệu USD, chiếm 0,45% thị phần.

Mặt hàng xuất khẩu sang Anh tốt nhất trong nhóm nông sản là hạt điều. Theo số liệu của Thương vụ Việt Nam tại Anh, năm 2020, Anh nhập khẩu 23.000 ngàn tấn hạt điều, trong đó nhập từ Việt Nam hơn 16.000 tấn, trị giá hơn 92 triệu USD, chiếm 71% thị phần.

Xuất khẩu hạt tiêu sang Anh cũng có triển vọng. Năm 2020, Việt Nam đã xuất 5.621 tấn hạt tiêu trị giá 48 triệu USD sang Anh, trong tổng số 14.000 tấn, trị giá 121 triệu USD mà thị trường này nhập về trong năm.

Tìm đường thâm nhập các siêu thị lớn

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen cho biết, một số mặt hàng nông sản của Việt Nam đã hiện diện tại thị trường Anh. Trong đó, cà phê, hạt điều và hạt tiêu được tiêu thụ khá tốt trong các siêu thị lớn. Trong khi đó, gạo và trái cây (nhãn, vải, thanh long) mới chủ yếu được bày bán tại các siêu thị nhỏ.

Theo ông Cường, Hiệp định UKVFTA giúp nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường Anh so với các sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ các nước chưa ký kết FTA với Anh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt chỉ có thể tận dụng được lợi thế cạnh tranh này nếu sản phẩm đáp ứng được yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn Anh và phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Anh.

UKVFTA đã có hiệu lực đầy đủ, nhưng cơ hội không chờ đợi ai và có thể không kéo dài, vì Anh sẽ gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong tương lai không xa, đồng thời đang tích cực theo đuổi các FTA song phương với các đối tác thương mại lớn.

Anh là thị trường lớn, do vậy, mức độ cạnh tranh rất cao, đi cùng với những yêu cầu khắt khe về chất lượng. Bởi vậy, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt chỉ có thể tiếp cận thị trường này khi thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP hay Euro GAP và áp dụng các quy chuẩn quản trị quốc tế như ISO, SA, ILO… 

Ngoài ra, doanh nghiệp phải có khả năng đảm bảo nguồn cung ổn định cả về số lượng và chất lượng để phát triển quan hệ hợp tác bền vững với các đối tác của Anh, đồng thời có chiến lược tiếp cận thị trường phù hợp.