Nóng thị trường lúa gạo
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thông tin trên, cộng với việc nhiều nước có nhu cầu nhập hàng triệu tấn gạo ngay lập tức tác động đến giá gạo trong nước. Tuy nhiên, điều lo ngại nhất hiện nay là tình trạng tranh giành hợp đồng, bán giá gạo thấp của các doanh nghiệp gây thiệt hại kinh tế và khiến nông dân thiệt thòi.

Giá lúa gạo tăng

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, trong ngày 5.11, giá gạo 25% tấm nhập kho tăng 300đ lên mức 6.800đ/kg. Loại gạo nguyên liệu 5% cũng bắt đầu khó mua do các nhà cung ứng giữ lại.

Không chỉ có gạo, giá lúa khô loại trung bình cũng dao động ở mức khá cao, từ 4.500 – 4.700đ/kg càng đẩy thị trường sôi động thêm. Từ An Giang, ông Phạm Văn Bảy, giám đốc công ty Lương thực An Giang cho hay: “Tín hiệu thị trường gạo thế giới đang tác động mạnh đến giá lúa gạo trong nước. Nhu cầu thị trường dự báo còn lớn nên doanh nghiệp đẩy mạnh mua vào”.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tính toán, đến đầu tháng 11, vẫn còn trên 1,77 triệu tấn gạo tồn kho, trong khi chân hàng đã ký chỉ giải quyết khoảng 700.000 tấn, còn 1 triệu tấn chưa có hợp đồng. “Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra của thị trường gạo thế giới, có thể khẳng định giá lúa gạo sẽ tốt đến hết vụ đông xuân năm sau”, ông Bảy tự tin nói.

Theo phân tích của nhiều doanh nghiệp, những tháng còn lại của năm 2009, thị trường thế giới tiếp tục có nhu cầu khi hàng loạt quốc gia bắt đầu chiến dịch mua gạo. Chính phủ Philippines dự kiến sẽ nhập thêm trên 2 triệu tấn gạo cho năm tài khoá 2009 – 2010. “Một lượng lớn gạo sẽ được Chính phủ Philippines đàm phán mua theo cấp Chính phủ với Việt Nam, ngoài việc mở thầu thương mại”, nguồn tin từ VFA khẳng định.

Sợ bán phá giá

Trước sức nóng thị trường gạo thế giới, giá giao dịch gạo 25% tấm của Việt Nam tăng từ 350 USD/tấn lên 400 USD/tấn; gạo 5% tấm từ 380 USD/tấn lên 430 USD/tấn.

Tuy nhiên, điều lo ngại nhất hiện nay là trong lúc áp lực tồn kho tăng, sẵn có thị trường, doanh nghiệp sẽ cố tìm cách bán ra. Một doanh nghiệp dẫn chứng từ đợt tham gia đấu thầu gạo vừa diễn ra ngày 4.11 tại Philippines.

Theo vị giám đốc này, việc Daewoo International (Hàn Quốc) trúng thầu 100.000 tấn gạo, với giá thấp hơn của Việt Nam đến gần 12 USD/tấn có thể đã xảy ra sự móc nối giữa doanh nghiệp trong nước với đơn vị này. Lý do là trong hồ sơ dự thầu Daewoo ghi rõ là “nguồn gạo lấy từ Việt Nam và Thái Lan”. “Cơ sở nào để Daewoo dự thầu với xuất xứ gạo từ Việt Nam nếu họ không được sự hậu thuẫn ngầm của một số doanh nghiệp trước lúc dự thầu?”, ông này đặt vấn đề.

Một nguồn tin trong nội bộ doanh nghiệp xuất khẩu gạo còn đặt nghi vấn: nếu Daewoo phải lấy gạo Thái Lan để giao hàng cho Philippines thì chắc chắn giá gạo họ phải mua là rất cao vì chính các doanh nghiệp Thái Lan đã dự thầu và bị loại bởi giá bỏ thầu cao hơn của Daewoo và Việt Nam. Điều này cho thấy khả năng là đã có doanh nghiệp Việt Nam xé rào thoả thuận bán hàng cho họ trước khi họ dự thầu với mức giá rất thấp.

Rõ ràng tình hình thị trường tiêu thụ gạo là rất lớn nhưng chính tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, hạ giá xuất khẩu… gây thiệt hại kinh tế và khiến nông dân thiệt thòi.

Theo Hoàng Bảy
SGTT