Ổn định XK: Doanh nghiệp nên sử dụng cả “giỏ” ngoại tệ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tuy nhiên, sử dụng như thế nào, hiệu quả đến đâu xem ra là cả một vấn đề.

Quá lệ thuộc vào đồng USD

Từ khi Việt Nam gia nhập WTO, quan hệ thương mại của Việt Nam được mở rộng, với trên 200 nước và vùng lãnh thổ, hoạt động XK của Việt Nam gia tăng mạnh mẽ. Theo Bộ Công Thương, năm 2007, Việt Nam XK sang một số thị trường với kim ngạch khá lớn, đó là: Mỹ đạt 10 tỷ USD, EU 9 tỉ USD, Singapore 2 tỉ, Nhật Bản 6 tỉ USD, Trung Quốc đạt 3 tỷ USD… Theo thống kê, các hoạt động thanh toán qua ngân hàng cho thấy, việc thanh toán hàng hoá chủ yếu được giao dịch bằng 13 loại ngoại tệ, nhưng chủ yếu vẫn là đồng USD (chiếm trên 80%), EURO (khoảng 1,8%), còn lại là UR, CNY, JPY…

Theo ông Doãn Hữu Tuệ, nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp XK của Việt Nam chủ yếu chọn USD vì đây là đồng tiền thanh toán duy trì được tỉ giá VND/USD khá ổn định trong thời gian dài tại Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước thường giữ cho tỷ giá VND/USD hàng năm chỉ tăng khoảng 1%. Mức biến động như vậy không đáng kể so với biến động của EUR, GBP, JPY, AUD (những đồng tiền có thể tăng, giảm 1% ngay trong ngày).

Năm 2007, Việt Nam đã có Đề án nâng cao tính chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam khắc phục tình trạng USD hóa trong nền kinh tế (ban hành kèm QĐ 98/2007/QĐ-TTg ngày 4/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên những nội dung này chưa được vận dụng vào thực tiễn, nhất là đối với các doanh nghiệp XK. Do quá lệ thuộc vào đồng USD, nên vừa qua khi đồng USD mất giá liên tục, doanh nghiệp XK Việt Nam đã bị động và gặp khó khăn rất nhiều trong việc huy động nguồn vốn sản xuất kinh doanh.

Ông Martin Rama, chuyên gia kinh tế trưởng World Bank tại Việt Nam phân tích, một trong các nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng tài chính – tiền tệ Châu Á năm 1997 là do các nước trong khu vực về cơ bản thực hiện chủ trương ổn định tỉ giá hối đoái so với USD. Đây là lý do vì sao nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đưa ra khuyến nghị Việt Nam không nên neo giữ VND với USD mà tỷ giá cần được xác định trên cơ sở thiết lập một “rổ” ngoại tệ để tránh những cú sốc trong nền kinh tế.

“Gấp”, nhưng phải có lộ trình

Một trong những giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn chính là doanh nghiệp nên đàm phán với các đối tác nước ngoài thanh toán bằng những đồng ngoại tệ khác, ổn định hơn. Tuy nhiên, yêu cầu này nếu trong thời gian ngắn thì thực sự khó khả thi, bởi từ trước tới naycó tới trên 80% doanh nghiệp XK quen thanh toán bằng đồng USD, thay đổi thói quen này không dễ, nhất là chưa có sự chuẩn bị. Lãnh đạo Ngân hàng Techcombank cho biết, có tới 95% khách hàng Techcombank vẫn giao dịch bằng đồng USD. Vì thế yêu cầu các doanh nghiệp thay đổi thanh toán bằng nhiều đồng tiền ngoại tệ khác ngay lúc này là nguy hiểm, bởi những đồng ngoại tệ khác không được nhà nước kiểm soát tỷ giá. Điều đáng chú ý là, mức độ dao động của những đồng ngoại tệ này lên xuống từng ngày, có khi biên độ lên đến 10%. Nếu không cẩn trọng trong giao dịch, các doanh nghiệp có thể bị lỗ nhiều hơn so với việc đồng USD mất giá.

Như vậy để thấy rằng, việc khuyến khích các doanh nghiệp XK thực hiện giao dịch bằng nhiều đồng ngoại tệ là đúng đắn, bởi hiện nay rủi ro tài chính trong giao dịch buôn bán quốc tế là rất dễ xảy ra, trong khi công tác tìm hiểu đối tác và dự báo giá cả, tỷ giá của Việt Nam còn yếu. Vả lại đã đến lúc các doanh nghiệp phải có cái nhìn xa hơn, không nên quá lạm dụng và kéo dài sự lệ thuộc vào đồng USD, bởi vì như vậy hiệu quả hoạt động XK phụ thuộc rất nhiều vào tỷ giá lên xuống của đồng USD.

Hiện nay, XK Việt Nam chiếm tới 60% GDP của cả nước, nếu XK có vấn đề gì do tỷ giá lên xuống thất thường của đồng USD thì sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bị tác động trầm trọng. Vì vậy, ông Martin Rama cũng khuyến nghị, Việt Nam đang thực hiện các giải pháp nâng cao tính chuyển đổi của VND và khắc phục tình trạng USD hoá, nhưng những giải pháp này cũng phải thận trọng và có lộ trình không thể trong thời gian ngắn. Đồng thời trong khi các doanh nghiệp chưa thể có điều kiện thực hiện thì Việt Nam phải có sự phối hợp và hướng dẫn cụ thể của các ngân hàng về tỷ giá lên xuống của thị trường tiền tệ, giúp các doanh nghiệp tránh được thua lỗ.

Ngày 12/4/2008, Thống đốc Ngân hành Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu đã ký quyết định thành lập Tổ giám sát thị trường tiền tệ. Nhiệm vụ chính của Tổ là giám sát thị trường tiền tệ, cập nhập thông tin thường xuyên, đưa ra các phân tích đánh giá diễn biến thị trường trên cơ sở đó tham mưu cho Thống đốc các biện pháp xử lý. Đây là một trong những nhiệm vụ Thủ tướng vừa giao cho Ngân hàng Nhà nước trong triển khai thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đó. Theo đó, phải rà soát và kịp thời xử lý những bất hợp lý trong hoạt động ngân hàng, bảo đảm phù hợp với tình hình và mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ. Được biết, trước đó, Chính phủ cũng quyết định thành lập Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhằm tư vấn cho Thủ tướng về giám sát thị trường tài chính ở cả 3 lĩnh vực Ngân hàng, Chứng khoán và Bảo hiểm, cũng như cảnh báo về các nguy cơ đối với ngành này.

Nguồn: Báo điện tử Công thương