Pháp luật an toàn lao động: quá lỏng lẻo!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

An toàn lao động (ATLĐ) có thể được hiểu là tập hợp tất cả các quy định, quy tắc, nội quy mà cá nhân và tập thể lao động phải tuân thủ nhằm phòng ngừa, giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra trong quá trình lao động. Thiệt hại này có thể là vật chất hoặc phi vật chất liên quan trực tiếp đến tài sản nhà nước, tổ chức và cá nhân, tính mạng, sức khỏe không chỉ là của người trực tiếp lao động.

Thứ nhất, phải nói là chúng ta thiếu những quy định về ATLĐ. Mặc dù Bộ luật Lao động năm 1994 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2002) dành hẳn chương IX để quy định về “An toàn lao động, vệ sinh lao động”, nhưng hầu như chỉ là những quy định trên giấy vì thiếu văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành. Nhìn chung, những quy định về ATLĐ rất tản mác, chưa có tính hệ thống, tính khả thi không cao và điều kiện, cơ chế áp dụng chưa rõ ràng, chế tài chưa nghiêm khắc. Một ví dụ thực tế là từ lúc bắt đầu tuyển dụng cho đến khi bước vào quá trình lao động, hầu như không có quy định nào bắt buộc người lao động phải trải qua các khóa huấn luyện về ATLĐ chung và ATLĐ theo chuyên môn. Nếu có thì cũng chỉ là những hướng dẫn sơ sài, chủ yếu “truyền nghề” và “kinh nghiệm lao động” chứ không huấn luyện bài bản về bảo vệ sức khỏe và ATLĐ. Thậm chí trong một số ngành nghề nguy hiểm như khai thác đá, khai thác mỏ ở nước ta, vẫn còn phổ biến tình trạng công nhân chưa qua đào tạo, không có trang phục, không có nón bảo hộ lao động…

Ở các nước phát triển, “Health and Safety” (An toàn và sức khỏe) là khóa huấn luyện bắt buộc trước khi người lao động bắt tay vào công việc, kể cả những công việc thông thường nhất. Ví dụ, nhân viên bán hàng phải được huấn luyện ít nhất là 10 tiếng về an toàn và sức khỏe, bao gồm các vấn đề phòng cháy, và được hướng dẫn tường tận các điểm thoát hiểm khi có sự cố, được chỉ ra và phân tích các hành vi phải thực hiện trong từng tình huống cụ thể xảy ra trong suốt quá trình lao động. Nhân viên này biết chắc chắn mình phải làm gì nếu phát hiện có nước hoặc bất kỳ chất lỏng nào trong khuôn viên cửa hàng. Thay vì vội vàng lau dọn sạch địa điểm ẩm ướt của sàn nhà, họ được huấn luyện phải để bảng “Attention” (Chú ý) ở những địa điểm nguy hiểm trước khi tiến hành bất kỳ hành vi nào khác để ngăn chặn mọi rủi ro có thể xảy ra trước khi họ kịp lau dọn. Hơn nữa, pháp luật của những nước này sẽ không bảo vệ người lao động nếu thiếu bảng “Attention” và trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể đặt ra nếu có khách hàng trượt ngã vì vũng nước đó.

Các khóa huấn luyện này là bắt buộc vô điều kiện đối với tất cả các công nhân và được chuyên môn hóa cho từng ngành nghề, đơn vị. Ở các công ty lớn người ta có những giảng viên nghiệp vụ – những người được đào tạo bài bản về nghề, về ATLĐ, đủ sức giảng giải về pháp luật ATLĐ và nội quy về ATLĐ của tổ chức, cơ quan. Sau khóa học, các câu trắc nghiệm sẽ được đặt ra để kiểm tra cách hiểu và khả năng ứng xử của tất cả các nhân viên vừa được tuyển dụng. Các nhân viên này chỉ thực sự được bắt tay vào công việc mới khi họ đã nắm bắt và cam kết sẽ thực hiện các quy định về ATLĐ trong suốt quá trình lao động.

Cuối buổi huấn luyện, người ta thường trình chiếu các sự cố hoặc tai nạn lao động đã xảy ra trước đây ở ngành nghề đó (có khi là kinh nghiệm ở chính công ty đó), số liệu về thiệt hại thực tế về người và của để làm bài học sâu sắc cho nhân viên. Các nguyên nhân và sai lầm được vạch ra. Bằng phương pháp trực quan sinh động, các nhân viên này được tiếp cận những hiểu biết về ATLĐ rất cụ thể, sát sao với ngành nghề.

Thứ hai, phải kể đến ý thức về ATLĐ trong quá trình lao động ở nước ta. Ở nhiều nơi, kỷ luật ATLĐ hoàn toàn bị lãng quên. Đến khi tai nạn lao động xảy ra, người sử dụng lao động có vô số lý do để viện cớ, đùn đẩy trách nhiệm.

Có thể viện dẫn rất nhiều nguyên nhân cho các vụ tai nạn về lao động xảy ra dồn dập trong thời gian qua, tuy nhiên không thể phủ nhận sự thiếu vắng của việc luật hóa các quy định về ATLĐ cũng như sự buông lỏng kỷ luật trong quá trình lao động. Với việc tăng cường đầu tư, chuyển từ kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp, sức khỏe và ATLĐ phải được coi là điều kiện tiên quyết trong quá trình lao động, là tiêu chí để đánh giá chất lượng lao động và là điều kiện cơ bản trong quá trình hội nhập. Thật đau lòng mà nói, tai nạn lao động sẽ còn xảy ra nếu không có những nhận thức và hành động đúng đắn đối với vấn đề sức khỏe và ATLĐ. Chừng nào luật pháp về ATLĐ được xây dựng và hoàn chỉnh một cách có hệ thống, quan niệm về sức khỏe và ATLĐ rõ ràng, ý thức về ATLĐ được nâng cao và trách nhiệm về ATLĐ được đặt ra một cách nghiêm túc, rành mạch, thì chừng đó mới mong giảm thiểu tai nạn lao động và người lao động mới mong được bảo vệ trong suốt quá trình lao động

TS. Phan Trung Hiền, Khoa Luật – Đại học Cần Thơ

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online