Pháp – Thị trường nhiều tiềm năng…
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hơn 300 doanh nghiệp Pháp hoạt động tại Việt Nam trên mọi lĩnh vực, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam và trao đổi thương mại giữa hai nước. Pháp hiện là nhà tài trợ song phương đứng thứ hai ở Việt Nam về viện trợ phát triển, với 3,14 tỷ USD, đầu tư vào các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Để thâm nhập thị trường nhiều tiềm năng này, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại – Du lịch TP. Cần Thơ đã phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Cần Thơ đã tổ chức Hội thảo “Tiềm năng thị trường Pháp”…

Đầu tư và thương mại ngày càng phát triển…

Hiện đã có 1.200 doanh nghiệp của Pháp xuất khẩu sang Việt Nam. Việt Nam được đánh giá là thị trường nhiều tiềm năng và cơ hội đối với doanh nghiệp Pháp. Theo Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến đầu năm 2013, đã có hơn 380 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3 tỷ USD, của các doanh nghiệp Pháp đầu tư Việt Nam. Các dự án đầu tư vào lĩnh vực thông tin và truyền thông 22%, sản xuất và phân phối điện, gas và nước 17%, công nghiệp chế biến 13%, nông nghiệp 6%, khách sạn và nhà hàng 6%, xây dựng 5% và các dịch vụ khác 19%. Một trong những dự án thương mại của Pháp đang phát triển nhanh mạnh tại Việt Nam được biết đến là hệ thống siêu thị Big C, hiện nay đã có 24 siêu thị tại Việt Nam.

Ông Alexandre Ea, Trưởng văn phòng TP. Hồ Chí Minh của Cơ quan Thương mại Ubifrance, cho biết: Cơ quan thương mại Pháp Ubifrance là cơ quan hỗ trợ các doanh nghiệp Pháp trong việc phát triển thị trường quốc tế. Đây là một cơ quan nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, hoạt động dưới sự bảo trợ của Bộ Kinh tế tài chính, Bộ Ngoại thương, và Tổng cục kinh tế tài chính. Trong các hoạt động của mình, Ubifrance phối hợp với các đối tác trong lĩnh vực xúc tiến xuất khẩu của Pháp như: ACFCI – Hội đồng các phòng thương mại và công nghiệp Pháp, UCCIFE – Hội đồng các phòng thương mại và công nghiệp Pháp ở nước ngoài, các tổ chức khác như OSEO, COFACE…. Ubifrance có 80 văn phòng tại 60 quốc gia. Các văn phòng của Ubifrance được đặt trong các Đại sứ quán và Lãnh sự quán của Pháp tại các nước. Mỗi văn phòng Ubifrance được tổ chức theo 4 lĩnh vực: Công nghệ mới, sáng chế, dịch vụ; Hàng tiêu dùng, y tế, nhà ở; Công nghệ lương thực thực phẩm; Cơ sở hạ tầng, giao thông, công nghiệp. Ông Alexandre Ea, đã đánh giá cao tiềm năng đầu tư và thương mại vào Việt Nam: “Tại Việt Nam, trong năm 2012, Ubifrance đã giúp 332 công ty Pháp tìm hiểu thị trường Việt Nam. 35% số công ty này hoạt động trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giao thông, công nghiệp. Lĩnh vực này cũng bao gồm năng lượng và môi trường. Cơ sở hạ tầng là một lĩnh vực đang đặt ra những khó khăn và thách thức cho Việt Nam. Nước Pháp có cam kết mạnh mẽ về mặt tài chính trong lĩnh vực này thông qua các hoạt động của Cơ quan phát triển Pháp AFD hoặc các quỹ của Tổng cục kinh tế tài chính (Quỹ nghiên cứu hỗ trợ khu vực tư nhân FASEP, Quỹ dành cho các nước mới nổi RPE). Nhằm giới thiệu kinh nghiệm của các doanh nghiệp Pháp và giúp họ khai thác các cơ hội trên thị trường Việt Nam, trong năm 2013, Ubifrance sẽ tiếp tục các hoạt động trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng dành cho giao thông (cảng hàng không, cảng biển, đường sắt, giao thông đô thị), năng lượng (điện) và môi trường (nước, xử lý chất thải, phát triển bền vững). Đồng thời, chúng tôi sẽ tổ chức các hoạt động trong một lĩnh vực đầy triển vọng, đó là công nghệ lương thực thực phẩm, nhất là chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, rượu vang. Bên cạnh đó, còn có các cơ hội giao thương trong lĩnh vực viễn thông và tin học doanh nghiệp…”

Làm gì để thâm nhập được thị trường Pháp?

Tổng lãnh sự Cộng hòa Pháp tại TP. Hồ Chí Minh, Frabrice Mauriès đánh giá: Sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ, phát triển kinh tế đa dạng, nhất là nông nghiệp hiện đang có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng có nhiều thách thức. “Pháp rất mong muốn hợp tác với TP. Cần Thơ và các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để phát triển thế mạnh nông nghiệp nơi đây và phòng chống biến đối khí hậu có thể ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của khu vực này”, ông Frabrice Mauriès nói.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại-Du lịch TP. Cần Thơ nhận định: Các mặt hàng xuất khẩu sang Pháp như may mặc, thủy sản tăng liên tục. Ông cũng phân tích: “Trong những năm gần đây, tuy tình hình kinh tế của thế giới có những diễn biến tiêu cực nhưng việc xuất khẩu hàng hóa của Cần Thơ sang Pháp tăng liên tục. Sự tăng trưởng chủ yếu nhờ cơ cấu hàng hóa Việt Nam xuất sang thị trường này có tỷ trọng hàng tiêu dùng thiết yếu cao với giá cả hợp lý và chất lượng đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng Pháp. Trong năm 2012, tổng kim nghạch xuất khẩu sang Pháp của các doanh nghiệp Cần Thơ là khoảng 3,8 triệu USD. Nhưng chỉ riêng quý I năm 2013, con số này đã lên mức 4,1 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là may mặc, thủy sản và nông sản chế biến…”. Để thâm nhập được thị trường Pháp, các doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Pháp theo tiêu chuẩn châu Âu như may mặc, giày dép, nông sản chế biến, thủy, hải sản…

Thông tin từ các doanh nghiệp Pháp, mặc dù hiện nay Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng thị trường Pháp vẫn còn bỏ ngỏ, chỉ có gạo Thái Lan chiếm thị phần nơi đây. Ông Valentin Tran, Giám đốc xuất khẩu Công ty TNHH TMDV Quốc tế Big C Đồng Nai khẳng định: Nông thủy sản Việt Nam có nhiều cơ hội để xuất khẩu sang Pháp. Để xuất khẩu sang Pháp thì các doanh nghiệp Việt Nam trước hết phải tìm hiểu thị trường và các tiêu chuẩn của nước Pháp. Hiện nay, Pháp cũng là nước nhập khẩu gạo nhưng hiện nay chỉ có gạo Thái Lan. Big C rất mong hợp tác với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ĐBSCL để xuất khẩu gạo sang Pháp…

Cánh cửa đầu tư và giao thương Việt Nam – Pháp đang mở ra. Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đang có nhiều cơ hội xuất khẩu nông thủy sản, hàng may mặc… sang Pháp và nhập khẩu phân bón, vật tư nông nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp. Theo các chuyên gia Pháp, để thâm nhập thị trường Pháp, các doanh nghiệp Việt Nam nên tham dự các kỳ hội chợ triển lãm tại Pháp, thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp để xúc tiến thương mại.

Huỳnh Biển
Nguồn: Thời báo doanh nhhân – http://tbdn.com.vn/sites/epaper/ThoiBaoDoanhNhan/chitiet.aspx?ArtId=21306&CatId=163&PCatID=