Phát triển công nghiệp phụ trợ để tăng năng lực sản xuất công nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hiện nay 70-80% sản phẩm phụ trợ của các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp phải nhập khẩu, những sản phẩm phụ trợ của các doanh nghiệp nội địa có hàm lượng giá trị công nghệ và giá trị gia tăng thấp như bao bì, xốp chèn…

Ngành công nghiệp phụ trợ không đóng vai trò phụ

Tại Hội thảo Quốc gia lần thứ nhất về Phát triển CNPT ở Việt Nam, ông Nguyễn Nội (Cục Đầu tư nước ngoài-Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhập siêu trong những năm qua của Việt Nam đó là do ngành CNPT trong nước còn yếu và thiếu nên các doanh nghiệp buộc phải nhập khối lượng lớn máy móc, linh kiện, nguyên liệu, bộ phận rời của thiết bị.

Từ những ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn như sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, máy tính, đồ điện tử đến những ngành chủ yếu dựa vào lao động nhân công rẻ như dệt may, da giầy đều phụ thuộc vào nguyên vật liệu, linh kiện từ các nhà cung cấp bên ngoài.

Có 12 mặt hàng nhập khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó nhập khẩu máy móc thiết bị, phụ tùng 10,3 tỷ USD, vải 3,9 tỷ USD, linh kiện điện tử, máy tính 2,9 tỷ USD, nguyên phụ liệu dệt may, da 2,1 tỷ USD, ô tô 1,4 tỷ USD (riêng linh kiện bộ phận chiếm 900 triệu USD).

Điều này đồng nghĩa với việc giá trị gia tăng trong từng sản phẩm thấp, giá thành bị đội cao, sản xuất trong nước bị phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Nội, hiện nay chúng ta mới chỉ quan tâm thu hút và dành chính sách ưu đãi cho các tập đoàn lớn vào đầu tư sản xuất tại Việt Nam mà chưa quan tâm, khuyến khích cụ thể cho các công ty nhỏ đi theo các tập đoàn này. Thực tế chính những công ty nhỏ này mới là nhà sản xuất linh kiện, bộ phận thực sự tại Việt Nam, là đối tượng hợp thành ngành công nghiệp phụ trợ, tăng tính tự chủ về nguyên vật liệu cho ngành sản xuất công nghiệp Việt Nam.

Công nghiệp phụ trợ cần có cơ chế phát triển riêng

Theo ông Takano Fuji (VJCC Thành phố Hồ Chí Minh), ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam thiếu trầm trọng đội ngũ quản lý trung gian, người quản lý là kỹ sư và người lao động có trình độ tay nghề cao. Việc thiếu năng lực, kinh nghiệm điều hành, ứng dụng, đồng thời thiếu khả năng lãnh đạo, dẫn dắt các thành viên làm việc theo nhóm cũng là một trong những nguyên nhân lý giải tình trạng chậm phát triển của công nghiệp phụ trợ Việt Nam nói riêng và ngành công nghiệp cơ khí nói chung.

Ông Takano Fuji nhấn mạnh, ngành CNPT không hề đóng vai phụ trong nền kinh tế với những đóng góp về giá trị gia tăng lớn. Đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNPT chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ-một lực lượng sản xuất đông đảo có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Do vậy các doanh nghiệp Việt Nam nên xác định lộ trình và chiến lược đầu tư chiều sâu dài hạn từ 5-10 năm mới đảm bảo phát triển và tăng trưởng bền vững chứ không chỉ muốn thu lợi nhuận một sớm một chiều.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm phát triển của ngành CNPT Việt Nam đó là do chính sách ưu tiên của Việt Nam cho ngành công nghiệp này chưa rõ ràng, cụ thể.

Muốn tạo bước đột phá mới cho ngành CNPT Việt Nam, ông Toàn cho rằng “Cần có sự xác định rõ ràng những sản phẩm trọng điểm, để từ đó có chiến lược đầu tư có chiều sâu, ưu tiên về chính sách, thuế, tài chính và kêu gọi đầu tư nước ngoài kết hợp với đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ”.

Do vậy, vấn đề đào tạo nhân lực, chính sách khuyến khích đầu tư trên cơ sở một chiến lược phát triển CNPT rõ ràng, cụ thể, minh bạch với những sản phẩm trọng điểm, đột phá cùng với chính sách đầu tư chiều sâu là những bước đi cần thiết trước mắt để thay đổi diện mạo ngành CNPT Việt Nam