Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ngày 29/11 tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11. Cùng với chỉ đạo các giải pháp điều hành phát triển kinh tế xã hội từ nay đến cuối năm, Thủ tướng đã chính thức quyết định xây dựng Chương trình quốc gia về vấn đề biến đổi khí hậu.

Theo đánh giá chung của Chính phủ, tình hình kinh tế xã hội tháng 11 và 11 tháng qua tiếp tục phát triển ổn định mặc dù liên tiếp đất nước phải đối phó với thiên tai, dịch bệnh. 11 tháng qua, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 15 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay; giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 520 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2006, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 43 tỷ 600 triệu USD… Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, trên cơ sở các chỉ tiêu kinh tế xã hội 11 tháng qua thì khả năng cả năm nay đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,5% là rất gần.

Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt để ổn định nền kinh tế vĩ mô, trước hết là phải giữ ổn định tỷ giá lãi xuất, đảm bảo hệ thống các ngân hàng hoạt động ổn định. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu sớm hình thành Ban giám sát thị trường tài chính. Bộ Tài chính tăng cường giám sát chặt chẽ thị trường chứng khoán phát triển theo hướng bền vững, nhất là thị trường OTC, đồng thời theo dõi sát tình hình tài chính của các tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty 90-91.

Thủ tướng phân tích rõ 2 nguyên nhân gốc rễ khiến giá cả tăng cao là do giá thế giới tăng cao và thiên tai và dịch bệnh. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành thực hiện quyết liệt các giải pháp, biện pháp bình ổn giá trên cơ sở nguyên tắc cơ chế thị trường gắn với xây dựng chính sách hỗ trợ cho người nghèo và các ngành sản xuất cần phải hỗ trợ. Các bộ liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp đầy đủ thông tin cho doanh nghiệp và nhân dân biết rõ về nguyên nhân tăng giá, giải pháp bình ổn giá của từng bộ ngành để cùng chia sẻ khó khăn với nhà nước. Qua đó, người dân và doanh nghiệp ý thức thực hiện tiết kiệm năng lượng, đổi mới quy trình sản xuất, giảm chi phí đầu vào. Các bộ, ngành và các địa phương, đặc biệt là hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo điều hành thị trường không để xảy ra khan hiếm hàng hoá tiêu dùng và các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, phân bón….trong dịp tết Nguyên Đán.

Từ nay đến cuối năm, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn; rà soát và bãi bỏ các thủ tục hành chính gây cản trở, phiền hà người dân và doanh nghiệp trong đầu tư xây dựng cơ bản từ vốn ngân sách, trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, thủ tục thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh….Từng bộ, ngành rà soát các dự án, chương trình ngay trong bộ mình đi liền với kiểm tra, đôn đốc và giám sát không để xảy ra tham nhũng, thất thoát, lãng phí; tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2007 cũng như xây dựng mục tiêu, kế hoạch của năm tới. Thủ tướng cũng giao cho Bộ Giao thông vận tải chủ trì với các bộ, ngành liên quan tính toán, đề xuất các giải pháp hợp lý để điều tiết tỷ lệ ô tô, xe máy tại các đô thị nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông hiện nay. Thanh tra Chính phủ tập trung giải quyết các điểm nóng về khiếu kiện vượt cấp. Trên cơ sở nắm chắc tình hình đình công, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất các giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng này, đồng thời có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện….

Sau khi nghe báo cáo về tình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả do thiên thai gây ra ở các tỉnh miền Trung, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương trước hết phải đảm bảo lương thực cho người dân, không để ai phải thiếu đói vì thiên tai từ nay đến tết Nguyên Đán; cương quyết không để dịch bệnh bùng phát, nhất là tại vùng ngập lũ; khẩn trương khôi phục sản xuất nông nghiệp và hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông, trường học, đê biển bị hư hỏng… Ngành Giáo dục phải có phương án đảm bảo chất lượng học cho các em học sinh phải nghỉ học vì mưa lũ.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng quy trình thống nhất điều hành các hồ, đập chứa nước; đánh giá, tổng kết và tính toán lại cơ cấu câu trồng vật nuôi theo hướng phòng tránh được dịch bệnh để phát triển sản xuất bền vững. Bộ Y tế rút kinh nghiệm công tác phòng chống dịch bệnh vừa qua, tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống không để dịch bệnh, nhất là dịch tiêu chảy cấp bùng phát. Về các giải pháp lâu dài sống chung với mưa lũ ở các tỉnh miền Trung, Thủ tướng khẳng định, Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, đề xuất quy hoạch lại khu vực này theo hướng sống chung với lũ như ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trước những cảnh báo tác động đối với nước ta do biến đổi khí hậu, Thủ tướng chính thức quyết định giao Bộ Tài nguyên và môi trường khẩn trương xây dựng Chương trình quốc gia về vấn đề biến đổi khí hậu với sự tham gia của các nhà khoa học và kêu gọi các tổ chức quốc tế cùng tham gia.

Cũng trong phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận về Đề án sắp xếp doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo tinh thần Nghị quyết trung ương 4. Thủ tướng nêu rõ, sắp xếp lại doanh nghiệp quốc phòng, an ninh là rất cần thiết, góp phần xây dựng lực lượng quân đội, công an chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Đây cũng là biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng. Thủ tướng lưu ý Bộ Quốc phòng và Công an phải có phương án cụ thể khi thực hiện, nhất là trong giải quyết vấn đề lao động và quản lý sử dụng đất đai. Chính phủ cũng đã thảo luận về Dự thảo Nghị định về bán, giao doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ. Ý kiến của Thủ tướng là quá trình thực hiện phải thận trọng, giải quyết tốt chính sách cho người lao động; ưu tiên phương án cổ phần hoá, nếu cổ phần hoá không được mới tiến hành bán, giao hoặc giải thể doanh nghiệp./.

Nguồn: VOV