Phục hồi đi kèm nguy cơ tái lạm phát
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chuẩn bị báo cáo tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá X, bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) đã trình Chính phủ báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2009 và kế hoạch năm 2010.

Theo đó, tăng trưởng GDP quý 3 đạt 5,5%, quý 4 trên 6,5% và cả năm 2009, GDP tăng 5 – 5,2% nông, lâm, thuỷ sản tăng 2,6 – 2,8%, công nghiệp và xây dựng 4,7 – 4,9% và dịch vụ 6,4 – 6,5%.

Khó khăn nhất là lĩnh vực xuất khẩu, mặc dù vẫn có tăng trưởng đáng kể về lượng nhưng do giá xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng đều giảm (riêng yếu tố giá giảm làm hụt 5 – 6 tỉ USD) nên dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2009 đạt 61 tỉ USD, giảm 2,7% so năm 2008. Nhu cầu nhập khẩu từ nay đến cuối năm có thể tăng lên, dự kiến đạt 71 tỉ USD, giảm 12% so năm 2008, nhập siêu khoảng 10 tỉ USD.

Ước thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội năm 2009 đạt khoảng 710 ngàn tỉ đồng, tăng hơn 16% so năm 2008. Tỷ lệ bội chi ngân sách sẽ dừng lại ở con số 6,9%. Tổng nguồn vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm, theo bộ KH&ĐT, dự kiến đạt 20 tỉ USD. Tổng vốn ODA ký kết cả năm dự kiến đạt trên 5,45 tỉ USD nhưng giải ngân chỉ đạt khoảng 3 tỉ USD. Một chỉ số quan trọng khác là CPI (chỉ số giá tiêu dùng) có thể tăng khoảng 7% (chỉ tiêu Quốc hội là dưới 10%).

Mức tăng trưởng được cho là hợp lý và đang có xu hướng phục hồi. Kinh tế vĩ mô cơ bản giữ được ổn định, các cán cân thu, chi ngân sách, tiền tệ, thanh toán quốc tế… được bảo đảm. Các nguồn vốn đầu tư quan trọng được huy động tốt để tăng cường đầu tư khiến nền kinh tế không bị suy giảm mạnh, tạo thêm việc làm.

Tuy nhiên, đã có thể thấy rõ những kết quả không như ý. Tăng trưởng công nghiệp đã ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Xuất khẩu suy giảm đáng kể ảnh hưởng đến nguồn thu ngoại tệ và cán cân thanh toán quốc tế.

Đáng lo nhất là nguy cơ tái lạm phát do tốc độ cung ứng tiền tệ, tăng trưởng tín dụng cao, tăng chi tiêu từ ngân sách… Tỷ lệ thất nghiệp, giải quyết việc làm và xuất khẩu khó đạt chỉ tiêu đặt ra.

Năm 2010, có thể đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP tăng 6,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu 6% so với năm 2009. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội sẽ bằng khoảng 41,5% GDP. Chỉ số giá tiêu dùng ở mức 7%. Và số việc làm tạo mới đạt khoảng 1,6 triệu lao động..

Một số nhận định của bộ KH&ĐT trùng khớp với đánh giá của nhiều định chế tài chính, tổ chức nghiên cứu kinh tế ngoài nước. Một loạt cơ quan nghiên cứu, định chế tài chính bên ngoài đều đã chính thức thông báo điều chỉnh dự báo của mình về tốc độ tăng GDP của Việt Nam năm 2009 và 2010. Ví dụ, Business Monitor International nâng mức dự báo Việt Nam năm 2009 từ 2,9% lên 4,5%, và năm 2010 từ 5% lên 5,5%.

Ngân hàng Credit Suisse nâng mức dự báo từ 4% lên 5,3% và từ mức dự báo 6,5% năm 2010 lên mức 8,5%… Tổ chức Economic Intelligent Unit (EIU) dự báo GDP Việt Nam chỉ tăng 4,2% trong năm nay (ban đầu dự báo chỉ tăng 1,5%) và tăng 4,8% năm 2010; tỷ lệ lạm phát cho cả năm 2009 và 2010 đều ở mức 6,8 %.

Những cơ sở được các tổ chức, định chế tài chính bên ngoài có những đánh giá, dự báo tích cực hơn về kinh tế Việt Nam được cho là, Việt Nam đã có những phản ứng chính sách tốt: hỗ trợ lãi suất, kích cầu… có tác dụng; hoạt động sản xuất – kinh doanh nội địa được cải thiện, có những cố gắng đáng kể trong kiềm chế lạm phát (thắt chặt tiền tệ hồi đầu năm) và duy trì được tăng trưởng xuất khẩu ở một số ngành hàng quan trọng: nông, lâm, thuỷ sản…

Tuy nhiên, một số tổ chức cũng đưa ra những đánh giá khá thận trọng. Ngân hàng ANZ mặc dù cũng cho rằng, Việt Nam có nhiều khả năng phục hồi kinh tế nhanh hơn các nền kinh tế khác ở châu Á.

Nhưng theo tổ chức này, đã những tín hiệu đáng lo ngại ngày càng tăng lên cho Việt Nam: áp lực lạm phát đang tiếp tục gia tăng do tăng trưởng tín dụng, do cầu tăng… trong khi sản lượng còn thiếu hụt; thâm hụt thương mại đáng kể hàng tháng lại xuất hiện, đầu tư nước ngoài bị rút bớt… đang làm xấu đi cán cân thương mại.

Một số định chế tài chính khác: HSBC, Credit Suisse, ADB, IMF… cũng cho rằng, về cơ bản, giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam đã ở phía sau nhưng những nguy cơ gây bất ổn kinh tế vẫn hiện hữu như: nguy cơ lạm phát cao, nợ xấu gia tăng, thâm hụt cán cân thanh toán…

“Chúng tôi rất mong thấy là Chính phủ (Việt Nam) sẽ có những cố gắng lớn hơn trong việc tái cơ cấu nền kinh tế để giải quyết căn bản những mất cân đối, những điểm yếu cơ bản của nền kinh tế, giảm bớt tình trạng đôla hoá, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư để thu hút thêm đầu tư nước ngoài và nhất là tạo điều kiện, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế”, Credit Suisse khuyến nghị.

Năm 2010 – năm cuối cùng của kế hoạch năm năm 2006 – 2010 và mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới. Theo một số chuyên gia kinh tế trong nước, đây chính là thời điểm để nhìn lại, đánh giá toàn bộ những ưu, khuyết điểm trong cơ cấu, cách điều hành nền kinh tế để sang năm sau (2010) có những định hướng, điều chỉnh toàn diện, sâu rộng để nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn sau.

Những khuyến cáo, đánh giá không chỉ của các chuyên gia, tổ chức trong nước mà của cả nhiều tổ chức nước ngoài như nêu trên rất cần được nghiên cứu, tiếp thu vào việc xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội mà bộ KH&ĐT đang chủ trì soạn thảo.

Theo Mạnh Quân
SGTT