Quí II: Thị trường trong nước sẽ phát triển tích cực
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại cuộc họp của tổ điều hành thị trường trong nước, ngày 27/3, tại Hà Nội nhiều ý kiến cho rằng, nhiều tổ chức dự đoán kinh tế Việt Nam chỉ tăng ở mức rất thấp: 0,3% nhưng quý I Việt Nam đã tăng trưởng 3,1%, đạt mức tăng trưởng khá so với nhiều nước; tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng vật tư sản xuất đã cao hơn so với các tháng quý 4/2008.

Hiện nay các bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai các gói giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng… và nhiều chỉ tiêu vĩ mô vẫn giữ được. Thị trường tài chính- tiền tệ được kiểm soát nên khá ổn định. Kết quả đó đã tác động tích cực đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô và ngăn chặn đà suy giảm kinh tế.

Tuy nhiên, các thành viên Tổ điều hành Thị trường trong nước cũng phải thừa nhận, trong quý I/2009, kinh tế Việt Nam có sự suy giảm rất lớn, thể hiện rõ nhất là sản xuất giảm sút, thị trường tiêu thụ gặp khó; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ quý I tăng thấp…

Theo dự báo của các chuyên gia, trong tháng 4, có những yếu tố gây áp lực tăng giá như tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, gói kích cầu hỗ trợ lãi suất phải thực hiện còn khoảng mấy trăm tỷ vẫn phải tiếp tục; việc nâng biên độ tỷ giá ngoại tệ từ 3% lên 5% để kích thích xuất khẩu cũng sẽ tác động đến thị trường tiền tệ.

Bên cạnh đó, chính sách thuế sẽ xử lý linh hoạt hơn theo hướng nâng thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng với mức phù hợp với WTO để bảo hộ sản xuất trong nước.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Nhà nước sẽ phải tiếp tục công việc giảm, dãn, hoãn thuế cho một số đối tượng; vốn đầu tư tiếp tục đổ vào các công trình trọng điểm đã bắt đầu được giải ngân. Thời gian tới, vẫn tiếp tục lộ trình điều chỉnh sát giá thị trường một số mặt hàng thiết yếu như giá nước sạch, cước vận chuyển hành khách, giá than cho điện…

Đó là những yếu tố có thể làm tăng giá giá tiêu dùng. Mặt khác, vẫn có nhiều yếu tố làm giảm giá tiêu dùng, như tác động của giá thế giới đang ở mức thấp, nhu cầu xuất khẩu, sức mua giảm sút; nhiều doanh nghiệp, hệ thống siêu thị có các chương trình khuyến mãi.

Tổ điều hành cho rằng: Chính phủ cần giao cho các Bộ, ngành, địa phương đánh giá lại tác động của “gói” kích cầu, điều chỉnh những bất cập trong thời gian qua để tiếp tục triển khai tốt hơn.

Ngoài ra, cần có biện pháp khẩn cấp để hạn chế hàng hóa giá rẻ, hàng tồn kho có nguy cơ từ các nước tràn sang. Bên cạnh đó tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt cần thực hiện nghiêm túc việc thực hiện kê khai, niêm yết giá và xử lý việc thông tin thất thiệt cũng là điều kiện tiên quyết.

Theo TTXVN