Quốc hội: Nên phản biện ngay khi xây dựng luật
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhiều luật ban hành xong không để làm gì?

Là bức xúc của đại biểu Lê Thị Dung, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang, trong phiên thảo luận tại tổ về Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi sáng nay (9/11).

Theo bà Dung, cách làm luật như lâu nay rất lãng phí. Nhiều luật đang đưa ra để bàn và sẽ thông qua tại kỳ họp lần này nhưng ngay khi bàn thảo, đại biểu đã thấy ban ra chẳng để làm gì. “Khâu thẩm tra các dự án luật nên bắt đầu ngay trong quá trình xây dựng luật”, bà Dung đề xuất.

Nhất trí với đề xuất này, đại biểu Lê Việt Trường Vụ trưởng Vụ Quốc phòng – An ninh, Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh: “Cơ quan thẩm tra phải là cơ quan phản biện, báo cáo thẩm tra phải là báo cáo phản biện”.

Theo Luật hiện hành, việc lấy ý kiến nhân dân chỉ được thực hiện ở giai đoạn Quốc hội chuẩn bị thảo luận dự thảo luật. Đặc biệt, chưa có quy định về việc phải phản hồi, giải trình lý do tiếp thu, không tiếp thu các ý kiến đóng góp cho luật. Do đó, việc tổ chức lấy ý kiến hiện nay còn nặng về hình thức, tốn kém mà ít hiệu quả. Các đại biểu kiến nghị rằng, việc lấy ý kiến như vậy được tiến hành quá muộn.

Ông Trường phân tích, lâu nay, dự án luật soạn “hòm hòm” mới đưa sang cơ quan thẩm tra. Bởi, vẫn còn nhiều lo ngại rằng, nếu thẩm tra vào cuộc ngay từ đầu, thì đến khi trình báo cáo thẩm tra trước Quốc hội sẽ không còn gì để báo cáo.

“Soạn thảo hay thẩm tra cũng là để đưa ra trình QH. Thẩm tra phải tiếp cận với văn bản luật ngay từ khâu đang lập dự án”, ông Trường chốt lại.

Ban thẩm tra “nhập cuộc” ngay từ đầu hay đợi khi dự án luật đâu vào đấy mới “kiểm tra, giám sát, nêu ý kiến” (như quy trình cũ) là băn khoăn của hầu hết các đại biểu khi thảo luận.

Ông Trịnh Huy Quách, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách, đại biểu Bắc Kạn cho rằng, Luật sửa đổi lần này nên quy định lại cho rõ hơn.

Tham gia vào quy trình thẩm tra nhiều dự án luật từ các nhiệm kỳ trước, ông Quách cho biết, như lâu nay, các ủy ban chịu trách nhiệm thẩm tra ngồi chờ cho đến khi dự luật soạn xong mới vào cuộc nên thời gian vừa gấp gáp, chất lượng lại không tốt. “Thẩm tra nên vào cuộc từ đầu để  khi trình ra QH đỡ mất thời gian và tờ trình của cơ quan soạn thảo đã tiếp thu rất nhiều ý kiến của cơ quan thẩm tra”, ông Quách đề xuất.

Nên phản biện ngay khi lập dự án Luật

Phó Chánh án Toà án Quân sự TƯ Trần Văn Độ

Tán đồng với hầu hết các ý kiến trên, Phó Chánh án Tòa án Quân sự TƯ Trần Văn Độ còn gợi ý, nên có yếu tố phản biện ngay trong khâu lập dự án. Theo ông, nếu có các chuyên gia đầu ngành trong ban soạn thảo thì quá trình xây dựng luật cũng chính là quá trình phản biện.

“Việc mời các thành viên tham gia vào ban soạn thảo dự án luật hiện nay nhiều khi chỉ là hình thức”, ông Độ cho biết.

Theo ông, quy định đại diện các cơ quan liên quan chiếm 2/3 số lượng thành viên ban soạn thảo, còn lại là các chuyên gia, nhà khoa học vẫn là quá  nhiều. “Vậy nên trong thực tế rất ít các chuyên gia đầu ngành được mời tham gia soạn thảo luật”, ông Độ khẳng định.

Ông dẫn chứng, như khi soạn thảo Bộ Luật Tố tụng, trong thành phần ban soạn thảo không có mặt bất kỳ một vị luật sư nào.

Dự thảo Luật sửa đổi lần này đã bổ sung thêm quyền của cơ quan thẩm tra là mời các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các đối tượng chịu tác động của văn bản tới tham dự phiên họp thẩm tra để phát biểu ý kiến về dự thảo luật. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, sửa đổi này vẫn chưa triệt để.

Dự luật sửa đổi sẽ đưa ra thảo luận tại Hội trường vào ngày 15/11 sắp tới.

Theo VNN