Quy hoạt động luật sư về một mối
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội Phạm Hồng Hải, thành viên ban chỉ đạo đại hội, sứ mệnh quan trọng nhất của hội đồng lâm thời là soạn thảo điều lệ và các văn kiện trình đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ nhất, đại hội thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Các chức năng của liên đoàn

Lẽ ra theo lộ trình, hội đồng này đã phải ra mắt từ tháng 2; việc tổ chức soạn thảo, lấy ý kiến về điều lệ và các văn kiện trình đại hội phải được thực hiện trong tháng 3 nhưng vì nhiều lý do nên đến nay mới bắt đầu khởi động. Theo một số luật sư, sự chậm trễ này sẽ khiến Liên đoàn Luật sư Việt Nam khó có thể ra mắt vào tháng 7 tới như dự kiến.

Theo đề án thành lập tổ chức luật sư toàn quốc (đã được Thủ tướng phê duyệt), Liên đoàn Luật sư Việt Nam có các nhiệm vụ, chức năng sau: Ban hành, giám sát việc tuân theo quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư; phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc ban hành quy chế tập sự hành nghề luật sư, đào tạo nghề Luật sư, kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

Ngoài ra, Liên đoàn luật sư Việt Nam quy định mẫu trang phục luật sư tham gia phiên tòa; mẫu thẻ luật sư; cấp, đổi, thu hồi thẻ luật sư. Đồng thời, liên đoàn quy định việc miễn, giảm thù lao, trợ giúp pháp lý miễn phí của luật sư, giải quyết tranh chấp liên quan đến thù lao, chi phí của luật sư; đồng thời quy định phí tập sự hành nghề luật sư, phí gia nhập đoàn luật sư, phí thành viên.

Thống nhất hoạt động tự quản

Một trong những mục tiêu thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam là nhằm xây dựng hoàn chỉnh, củng cố chặt chẽ hệ thống tổ chức xã hội-nghề nghiệp của luật sư từ trung ương đến địa phương nhằm bảo đảm thống nhất hoạt động tự quản của tổ chức luật sư trong phạm vi cả nước.

Theo nhận định của giới luật sư, hoạt động tự quản của các đoàn luật sư hiện còn nhiều hạn chế. Cụ thể là hoạt động quản lý, điều hành của nhiều ban chủ nhiệm còn kém hiệu quả. Những quy chế nội bộ cần thiết cho việc quản lý, điều hành của các đoàn như quy chế làm việc của ban chủ nhiệm, quy chế giám sát tập sự, giám sát, kiểm tra việc tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư… hoặc chưa được quan tâm xây dựng hoặc nội dung còn sơ sài, chưa phát huy tác dụng.

Mặt khác, việc quản lý hành nghề luật sư ở một số nơi có biểu hiện buông lỏng hoặc vượt quá tầm kiểm soát của ban chủ nhiệm đoàn luật sư. Việc xử lý, kỷ luật đối với luật sư vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp chưa nghiêm, chưa kịp thời, vẫn còn hiện tượng nể nang, e dè hoặc bao che, làm dư luận không đồng tình. Vì thế, nhiều luật sư hy vọng với sự ra đời của Liên đoàn Luật sư Việt Nam thì những hạn chế này sẽ được khắc phục.

Vẫn còn thiếu nhiều luật sư

Theo số liệu của cơ quan chức năng, đến nay cả nước đã thành lập được 62 đoàn luật sư (hai tỉnh chưa thành lập được đoàn luật sư là Điện Biên và Lai Châu) với hơn 4.000 luật sư và 2.000 người tập sự hành nghề luật sư.

So với trước khi có Pháp lệnh Luật sư năm 2001, trong gần bảy năm qua, số lượng luật sư đã tăng 200%. Tuy nhiên, tỷ lệ luật sư trên số dân ở nước ta còn rất thấp, trung bình gần 21.000 dân mới có một luật sư. Trong khi đó, ở Nhật gần 1.500 dân có một luật sư, Singapore là 1.000, Mỹ 250… Số lượng luật sư ở nước ta chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về dịch vụ pháp lý ngày càng tăng của cơ quan, tổ chức, cá nhân và ngay cả hoạt động của các cơ quan tố tụng. Thực tế, chỉ khoảng 20% vụ án hình sự trong cả nước là có sự tham gia của luật sư.

Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM