Rà soát các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ Báo cáo dự kiến các nguyên tắc rà soát để loại bỏ, hoãn giãn tiến độ các dự án đầu tư xây dựng cơ bản năm 2008. Các Bộ, ngành, các cơ quan chức năng, các doanh nghiêp Nhà nước cần phải quán triệt các nguyên tắc này, thực hiện nghiêm túc việc rà soát lại các dự án, tránh vì lợi ích cục bộ mà chậm trễ trong việc cắt giảm các dự án đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 3/4/2008 đã có 15 Bộ, ngành, 15 địa phương, 12 tập đoàn kinh tế, tổng công ty 90, 91 gửi danh sách các công trình, dự án, danh mục dự án cần phải loại bỏ, hoặc giãn tiến độ. Tổng số dự án loại bỏ và giãn tiến độ là 451 dự án, với tổng vốn kế hoạch năm 2008 là 2.692 tỷ đồng, trong đó hầu hết là các dự án nhóm C, và một số dự án nhóm B, không có dự án nhóm A. Tuy nhiên do thời gian thực hiện gấp và các nguyên tắc tiêu chí đình hoãn, giãn tiến độ chưa rõ ràng cụ thể nên các Bộ, ngành, địa phương vẫn chưa rà soát để loại bỏ các công trình trên cơ sở danh mục các dự án đã bố trí kế hoạch vốn năm 2008 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Do đó vấn đề quan trọng đối với chúng ta hiện nay là phải nhanh chóng đưa ra các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, để các Bộ ngành, địa phương, cho các tổng công ty nhà nước có thước đo rà soát, đánh giá lại mức độ hiệu quả thực sự của các dự án đang thực hiện.

Kết quả giám sát: thiếu thuyết phục
Trong nhiều năm qua việc giám sát và đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước chưa được nghiêm túc thực hiện. Các báo cáo giám sát đầu tư của các Bộ, ngành, các tổng công ty, các cơ quan chức năng thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn luôn chậm, thậm chí nhiều báo cáo còn không đạt yêu cầu, thiếu biểu mẫu, thiếu số liệu, không có phân tích, đánh giá tình hình một cách cụ thể. Chính vì vậy mà trong năm 2007, sau khi tổng hợp kết quả của các bản giám sát các dự án đầu tư có sử dụng ngân sách nhà nước thì chỉ có 17 dự án có lãng phí chiếm 0,06% và 34 dự án có chất lượng xây dựng thấp, chiếm 0,1% so với tổng số dự án thực hiện trên toàn quốc. Nhìn vào thực trạng sử dụng nguồn vốn nhà nước ở các dự án đầu tư hiện nay thì liệu con số này có đáng tin cậy hay không? Cũng chính vì sự thiếu minh bạch trong công tác giám sát và thu thập số liệu thống kê của các dự án từ nhiều năm qua mà việc xây dựng tiêu chí để đánh giá hiệu quả dự án là hết sức khó khăn.

Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì cái khó nhất trong việc rà soát các dự án hiện nay là các thông số ban đầu trong khi lập kế hoạch đầu tư cũng như các thông số, chỉ tiêu trong quá trình thực hiện dự án có chuẩn hay không, nếu chuẩn thì việc rà soát và loại bỏ các dự án không có hiệu quả sẽ rất dễ dàng.

Các nguyên tắc rà soát các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được ban hành trong thời gian tới sẽ là kim chỉ nam để các đơn vị sử dụng nguồn vốn đầu tư của nhà nước thực hiện. Tuy nhiên để đảm bảo việc thực hiện cắt giảm các dự án đầu tư công được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả, tránh tình trạng vì những lợi ích cục bộ mà các Bộ, ngành, địa phương không muốn cắt giảm dự án đầu tư, thì bên cạnh việc trao quyền chủ động cho các đơn vị này thì cũng cần phải giám sát kiểm tra.


Rà soát để tăng hiệu quả thực hiện

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, Phó Ban Kinh tế Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng: Các Bộ, ngành, các đơn vị thực hiện các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước phải tự kiểm điểm, tìm ra những bất cập để tự điều chỉnh xử lý nhằm cắt giảm hợp lý các dự án không hiệu quả. Bên cạnh đó cũng cần phải cho kiểm toán từng giai đoạn trong lộ trình thực hiện dự án, xét duyệt kỹ tác động thực sự của dự án tới phát triển kinh tế.

Hiện nay việc cắt giảm, hoãn giãn các dự án đầu tư không hiệu quả, tập trung mọi nguồn lực vào các dự án trọng điểm đem lại hiệu quả kinh tế cao đang là nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ giao cho các bộ ngành, địa phương, các tổng công ty, các tập đoàn nhà nước thực hiện. Vì vậy mà các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chức năng, các tổng công ty, tập đoàn nhà nước cần phải nâng cao tình thần trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, ông Võ Hồng Phúc cho biết: Vai trò của Bộ quản lý ngành là rất quan trọng trong vấn đề rà soát lại các dự án có vốn đầu tư Nhà nước. Ví dụ, ngành than thì Bộ Công thương phải đứng ra phối hợp với ngân hàng và các tổ chức cho vay vốn để rà soát lại từng hạng mục công trình xem có hiệu quả hay không. Hay là đối với các công trình của Bộ Giao thông thì Bộ Giao thông phải đứng ra làm và xem lại các dự án đầu tư do ngành mình quản lý. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giao thông và Bộ Tài chính phải kiểm tra lại các khoản vay từ trái phiếu quốc tế trị giá 750 triệu USD của Vinashin, xem xét việc sử dụng nguồn vốn này vào đầu tư các dự án có hiệu quả không? Nếu không thì phải xem xét để dừng lại.

Hiện nay các nguyên tắc rà soát để loại bỏ, hoãn giãn tiến độ các dự án đầu tư xây dựng cơ bản năm 2008 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đang được Chính phủ xem xét. Và trong thời gian sắp tới, khi các nguyên tắc này được ban hành, các Bộ ngành, địa phương, các tổng công ty, tập đoàn nhà nước cần phải nghiêm túc thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả nền kinh tế./

Nguồn: VOV News