Rất khó xử lý hình sự người đầu cơ tăng giá
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có công điện yêu cầu cơ quan chức năng kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu, kể cả việc truy tố theo pháp luật đối với hành vi đầu cơ, tung tin gây rối loạn thị trường, đặc biệt tập trung vào 3 mặt hàng: xi măng, thép xây dựng và phân bón.

Hành động này của Chính phủ là cần thiết trong tình hình lạm phát, giá cả tăng mạnh như hiện nay. Tuy nhiên, xét ở góc độ pháp lý, việc xử lý hình sự người có hành vi đầu cơ hiện nay khó có thể thực hiện được vì vướng chính những quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS).

Để làm rõ vấn đề pháp lý này, VTC News đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Thanh Bình (VP Luật sư Hồng Hà- Đoàn Luật sư Hà Nội).

Bộ luật hình sự đang “tự trói tay”

Ông Bình nói, mặt pháp lý, trong cấu thành tội đầu cơ phải có đủ bốn điều kiện bắt buộc: lợi dụng tình trạng khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo/ có hành vi vơ vét hàng hóa với số lượng lớn/ bán lại nhằm thu lợi bất chính/ các hành vi này xảy ra trong bối cảnh có thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh. Phải đầy đủ cả bốn yếu tố thì mới có thể truy tố một cá nhân về tội đầu cơ được.

– Cụ thể, trong trường hợp tạo ra sự khan hiếm giả, tung tin đồn để đẩy giá gạo lên cao như vừa qua, hoặc nếu sắp tới người ta cũng dùng chiêu thức đầu cơ như vậy đối với mặt hàng xi măng, sắt thép, phân bón thì nếu phát hiện ra, có xử lý hình sự người có hành vi đầu cơ được không, thưa ông?

– Chắc chắn là không. Đúng là người ta có lợi dụng tình trạng khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo, có hành vi mua vét, có bán lại thu lợi bất chính, nhưng theo quy định của BLHS hiện nay thì các hành vi này phải xảy ra trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh thì mới bị xử lý hình sự. Vì thế, nếu có phát hiện ra thì hành vi mua vét gạo để đầu cơ như vừa rồi chưa thể xử lý được về mặt hình sự được vì không thỏa mãn các điều kiện theo quy định.

Để đấu tranh với nhưng hành vi đầu cơ đẩy giá cả lên cao, Nhà nước có thể kiểm soát bằng cách tăng cường quản lý chặt thị trường và các biện pháp khác như xử lý hành chính chứ không thể xử lý hình sự được. Bởi theo nguyên tắc của BLHS, một hành vi chỉ bị coi là có dấu hiệu tội phạm khi nó được quy định trong BLHS, tức là hành vi đó phải được luật hóa.

– Thưa ông, nếu không xử lý hành vi đầu cơ như thế về tội đầu cơ được thì có thể xử lý tội khác tương tự được không?

– Người đầu cơ gạo để đẩy giá bán lên như vừa rồi có thể bị truy tố về tội Kinh doanh trái phép (Điều 159) nếu như họ đã mua vét một số lượng lớn bán kiếm lời trong khi không có đăng ký kinh doanh hoặc trong đăng ký kinh doanh không có nội dung kinh doanh mặt hàng gạo. Tuy nhiên, để truy tố được họ về tội này thì cũng phải thêm dấu hiệu khác như đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm hoặc số lượng phạm pháp có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.

Không bỏ tội đầu cơ mà nên sửa lại

– Theo Ban soạn thảo dự án BLHS sửa đổi thì sẽ bỏ tội đầu cơ vì hơn 20 năm thực hiện bộ luật này, chúng ta chưa xử lý một trường hợp nào. Theo ông, lập luận này có thuyết phục không, nhất là trong tình hình hiện nay, khi mà hành vi đầu cơ đang ngày một phổ biến?

– Theo tôi trong tình hình hiện nay thì không nên bỏ. Có nhiều tội mà BLHS cũng quy định nhưng từ năm 1985 tới nay cũng chưa xử được vụ nào như một số tội phạm chiến tranh, tội chống loài người, tội ngược đãi tù binh… Vấn đề không phải là hiện tại đang có tội nào mới quy định tội đó, mà yêu cầu của nhà làm luật là ghi nhận được thực tế và dự kiến được diễn biến của xã hội.

Đúng là tội đầu cơ mang dáng dấp của thời bao cấp, nhưng không phải bây giờ không còn. Các nước có nền kinh tế thị trường như Nga, Singapore, Malaysia cũng vẫn còn quy định về tội này.

– Nhưng nếu để quy định của tội đầu cơ như hiện hành thì không thể áp dụng được trong điều kiện thực tế của chúng ta, vì các hành vi đầu cơ hiện nay không xảy ra trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh nhưng luật thì quy định chỉ xảy ra trong bối cảnh đó thì mới bị xử lý hình sự, theo ông, chúng ta nên điều chỉnh theo hướng nào?

– Nên giữ lại tội đầu cơ trong BLHS nhưng nên sửa cấu thành tội cho “mềm” đi để có thể áp dụng phù hợp với hoàn cảnh hơn. Ví dụ trong cấu thành tội đầu cơ, chỉ cần quy định có ba dấu hiệu là đủ, bỏ hẳn dấu hiệu thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh.

Tất nhiên là ngoài biện pháp hình sự, Nhà nước còn nhiều biện pháp khác để xử lý nhưng đây là một trong những công cụ hữu hiệu đối vói hành vi nguy hiểm cho xã hội. Nếu không có quy định yếu tố chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh thì như vụ gạo vừa rồi, cơ quan điều tra có thể vào cuộc để lần ra thủ phạm.

Xin cảm ơn ông!

Điều 160, Khoản 1 BLHS hiện hành quy định:“Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiến giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh mua vét hàng hóa có số lựợng lớn nhằm bán lại thu lợi bất chính, gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.

Nguồn: VTC NEWS