Rộng cửa cho gạo Việt Nam vào Hồng Kông
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chiều ngày 28-2, đoàn hơn 40 thương nhân Hồng Kông do Hiệp hội các thương nhân gạo Hồng Kông dẫn đầu đã đến TPHCM làm việc với Hiệp hội lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp trong lĩnh vực lúa gạo. Chuyến đi do Công ty Sao Khuê phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hồng Kông và Ma Cau (Trung Quốc) tổ chức.

Ông Kenneth Chan, Chủ tịch Hiệp hội các thương nhân gạo Hồng Kông cho biết mục đích chính của chuyến đi là để thương nhân Hồng Kông hiểu biết nhiều hơn về nước xuất khẩu lớn thứ 2 vào thị trường của họ trong năm 2011. 

“Xuất khẩu gạo, đặc biệt là gạo thơm của Việt Nam vào thị trường chúng tôi đã có một cuộc bứt phá ngoạn mục”. Ông Chan cho biết từ chỗ chỉ chiếm khoảng 1% lượng nhập khẩu vào Hồng Kông trong năm 2008, đến hết năm 2011 Việt Nam đã chiếm một thị phần tương đương 30%, khoảng 100.000 tấn gạo. Nhập khẩu gạo Việt Nam vào thị trường này chủ yếu dành cho tiêu thụ nội địa.

“Việt Nam rõ ràng đã trở thành một đối tác xuất khẩu lớn và hiệp hội của chúng tôi muốn tìm hiểu hơn về thị trường này. Qua buổi làm việc ngày hôm nay và chuyến tham quan các nhà máy chế biến gạo sắp tới thì chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều hợp đồng lớn được ký kết giữa các bên”, ông nói thêm.

Theo ông Chan, người tiêu dùng Hồng Kông ưa chuộng gạo thơm, và gạo thơm Thái đã chiếm lĩnh thị trường trong suốt một thời gian dài. Tuy nhiên tình hình đã thay đổi trong 3 năm trở lại. So với gạo Thái thì chất lượng của gạo Việt Nam còn thấp hơn gạo thơm Thái nhưng vấn đề quan trọng là giá cả thì giá gạo Việt Nam đang ngày càng trở nên hấp dẫn so với gạo Thái. Ưu thế này đang ngày càng trở nên đáng kể trong bối cảnh chính phủ Thái tuyên bố duy trì chính sách trợ giá lúa, khiến giá gạo không có khả năng giảm giá.

Ông Phạm Văn Công, Phó tổng lãnh sự Việt Nam tại Hồng Kông và Ma Cau đánh giá nhu cầu tiêu thụ gạo thơm của thị trường này sẽ tiếp tục phát triển vì các hiệp hội kinh doanh ngoài việc mua gạo cho tiêu thụ nội địa còn tái xuất sang các nước thứ 3 vì Hồng Kông đang là thị trường tự do, nhiều mặt hàng nhập khẩu không phải chịu thuế.

Về mặt chất lượng, ông Công cho biết gạo Jasmine và một số chủng loại gạo thơm Việt Nam được thị trường chấp nhận

“Nhưng doanh nghiệp mình còn phải nâng cao chất lượng hơn nữa vì qua quan sát của tôi, gạo mình sang đấy còn phải qua khâu chế biến sơ bộ, đóng gói rồi mới đưa ra thị trường tiêu thụ được”, ông nói.

Bên cạnh đó, trong quá trình công tác cơ quan thương vụ, ông Công nhận xét tình trạng doanh nghiệp Việt Nam hợp đồng rồi nhận tiền đặt cọc của khách hàng nhưng gần đến hạn giao hàng giá gạo lên cao thì đơn phương hủy cọc, hủy hợp đồng, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín và hình ảnh gạo Việt Nam.

“Nhất thiết phải giữ chữ tín với khách hàng. Ngược lại doanh nghiệp Việt Nam trong khâu thanh toán cũng cần yêu cầu khách hàng mở tín dụng thư (L/C) thanh toán qua ngân hàng để hạn chế rủi ro mặc dù Hồng Kông là thị trường khá quy củ trong giao dịch”, ông Công nói.

Trong năm 2011, Việt Nam là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2 qua Hồng Kông và hoàn toàn có thể vươn lên vị trí số 1, nếu như các bên có liên quan tổ chức, tăng cường khâu xúc tiến thương mại, ông nhận xét.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online