Rộng đường pháp lý cho đầu tư
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mặc dù đây là hình thức đầu tư được Chính phủ đặc biệt chú trọng khi kêu gọi các nguồn vốn đầu tư vào dự án cơ sở hạ tầng và mối quan tâm của các nhà đầu tư trong lĩnh vực này cũng không nhỏ, song dường như vẫn chưa đạt được sự thông suốt. Cần phải nói rằng, khá nhiều đề nghị của các nhà đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cảng biển, đường cao tốc, các dự án trong ngành điện… vẫn đang đọng ở các bộ, ngành mà chưa nhận được hồi âm. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (vừa diễn ra đầu tháng 12 này), sự chậm trễ này từ phía các cơ quan nhà nước được xem là một trong những nguyên nhân khiến cơ hội dù được mở ra, nhưng không dễ trở thành hiện thực.

Nguyên nhân khá nhiều, song theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, sự phân chia chưa rõ ràng về vai trò của Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân trong các dự án, hệ thống pháp lý chưa đầy đủ, sự hạn chế trong các phương thức huy động vốn, cũng như các hệ thống tiêu chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật, đơn giá… đang là những trở ngại lớn, khiến nhiều tín hiệu tốt từ phía các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước không được khai thác kịp thời.

Ông Phạm Quang Vinh, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) cho biết, ngoài các vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính kéo dài, hiệu quả dự án phụ thuộc nhiều vào chính sách của Nhà nước. Với các dự án đường bộ, việc chưa phê duyệt quy hoạch và phân luồng vận tải trong tương lai sẽ ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của các nhà đầu tư tư nhân khi tham gia dự án. “Việc quy định giá thu phí cũng cần phải xem xét theo quy mô dự án thay vì hạn chế không quá 2 lần mức thông thường như hiện nay”, ông Vinh đề nghị.

Ngay cả phương thức cho thuê đối với kết cấu hạ tầng cảng biển mà Cục Hàng hải Việt Nam cho là phù hợp nhất trong sự hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực đầu tư phát triển cảng biển cũng chưa có cơ sở pháp lý vững chắc. “Những phần việc này, Nhà nước phải đảm trách tốt thì mới thực hiện được định hướng phát triển cảng biển vào hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân để có thể phát huy được vốn, kinh nghiệm của các tập đoàn quốc tế có uy tín và kinh nghiệm vào lĩnh vực này”, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Vương Đình Lam nhận xét.

Tuy nhiên, theo ông Gun – young Chung, Vụ trưởng Vụ hỗ trợ khu vực tư nhân thực hiện dự án cơ sở hạ tầng (Bộ Kế hoạch và Ngân sách Hàn Quốc), kinh nghiệm của Chính phủ Hàn Quốc trong giải quyết vấn đề trên là sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ phải song hành với cơ chế thông tin một cách minh bạch giữa khu vực tư nhân và Chính phủ về các PPP. “Chính phủ Việt Nam cần phải cởi mở hơn, thúc đẩy mạnh mẽ hơn khu vực kinh tế tư nhân thông qua các ưu đãi chủ động cho các nhà đầu tư cũng như lựa chọn các dự án để mời họ tham gia”, ông Gun – young Chung nói và cho rằng, xây dựng thể chế và cơ chế phù hợp cho loại hình đầu tư này là điều quan trọng nhất, nhưng cũng khó khăn nhất đối với Việt Nam.

Thực ra, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia lĩnh vực cơ sở hạ tầng thông qua các hình thức đầu tư theo Hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT), Hợp đồng xây dựng – chuyển giao – kinh doanh (BTO), Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) là vấn đề không chỉ được bàn tới nhiều. Những thay đổi về mặt pháp lý thời gian qua, đặc biệt là sự ra đời của Nghị định 78/2007/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức BOT, BTO, BT với việc cho phép các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh xây dựng và phê duyệt Danh mục Dự án gọi vốn đầu tư theo Hợp đồng BOT, BTO và BT của ngành và địa phương thay vì cách làm tập trung như trước đây, cũng như sự hợp nhất khung khổ pháp lý trong hình thức này cho tất cả nhà đầu tư tư nhân, không phân biệt tư nhân trong và ngoài nước, đã khiến cơ sở pháp lý cho các nhà đầu tư tư nhân rộng mở hơn.

Nguồn: Báo Đầu tư