Sản xuất công nghiệp tăng, xuất khẩu giảm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sản xuất công nghiệp: Cả 4 khu vực đều tăng

Giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành tháng 5 ước đạt 56,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng 4 và tăng 6,8% so với tháng 5/2008 và tính chung 5 tháng ước đạt 265,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,0% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh tế trung ương tăng 1,3%, kinh tế địa phương giảm 4,8%; kinh tế ngoài nhà nước có tốc độ tăng cao nhất 7,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,7%.

Các tỉnh, thành phố công nghiệp trọng điểm đạt được mức tăng trưởng cao trong tháng 5 so với cùng kỳ như Quảng Ninh (15,8%), Hải Phòng (10,6%), Đà Nẵng (9,9%), Khánh Hoà (9,3%), Thanh Hoá (8,2%), Bà Rịa – Vũng Tàu (7,0%), TP Hồ Chí Minh (5,1%), Hà Nội (5,0%… Một số tỉnh, thành phố từ đầu năm đến nay liên tục giảm nhưng nay đã có sự tăng trưởng tuy còn rất khiêm tốn như Đà Nẵng (6,5%), Hải Dương (1,9%), Phú Thọ (1,8%), Vĩnh Phúc (1,0%) …

Tính theo sản phẩm cũng cho thấy dấu hiệu tích cực. Những sản phẩm công nghiệp phục vụ cho sản xuất 5 tháng có tăng trưởng cao so với cùng kỳ như dầu thô (19,9%), xi măng (17,4%), thép (13,2%), khí đốt (8,6%), quặng apatít (7,8%), điện sản xuất (5,7%)… Tuy nhiên, một số sản phẩm lại giảm mạnh như xe chở khách (-31,4%), phân bón NPK (-19,0%), vải dệt từ sợi bông (- 26,1%), than sạch (-6,8%)… Những sản phẩm phục vụ tiêu dùng có tăng trưởng cao như xà phòng giặt các loại (8,7%), thuốc lá (10,7%), bia (7,4%); trong khi một số sản phẩm khác tiếp tục giảm như giấy bìa (- 28,8%), sữa bột (-12,0%), quần áo người lớn (-19,9%), dầu thực vật tinh luyện (-6,4%) …

Các ngành công nghiệp chủ lực cũng đạt được kết quả tốt trong tháng 5. Ví như sản lượng dầu thô tháng 5 tiếp tục tăng, ước đạt 1,43 triệu tấn, tăng 22,9% so với tháng 5/2008, tính chung 5 tháng ước đạt 7,3 triệu tấn, tăng 19,9% so với cùng kỳ, tiêu thụ trong nước gần 3,4 tỷ m3 khí khô, tăng 8,6% so với cùng kỳ.

Trong tháng 5, nhiều nhà máy cán thép đã hoạt động trở lại nên sản lượng thép tháng 5 tăng đáng kể: thép tròn ước đạt 451 nghìn tấn, tăng 49,5% so với tháng 5/2008. Trong nhóm vật liệu xây dựng, xi măng có tốc độ tăng nhanh nhất trong 2 tháng nay do gói kích cầu của Chính phủ đã phát huy tác dụng.

Sản xuất phân bón so với tháng 4, phân đạm urê ước đạt 82,3 nghìn tấn, tăng 9,9%; phân lân ước đạt 146 nghìn tấn, tăng 9,7%; phân NPK ước đạt 159,3 nghìn tấn, tăng 12,5%.
 
Tuy nhiên, sản lượng các sản phẩm hoá chất và khai thác than – khoáng sản vẫn gặp khó khăn. Trong đó, tính chung 5 tháng, lốp ô tô giảm 40,3%, thuốc trừ sâu giảm 36,6%; axit thành phẩm giảm 17,9%; than sạch toàn ngành 5 tháng ước đạt 18,9 triệu tấn giảm 10,3% so với cùng kỳ… Khoáng sản khai thác và sản xuất ra như: kẽm thỏi, thiếc thỏi, tinh quặng sắt, tinh quặng đồng 25%, tinh quặng titan… đều tiêu thụ chậm. Chỉ riêng sản lượng quặng apatit ước đạt 883,7 nghìn tấn, tăng 7,8%; chất tẩy rửa tăng 14,1%.

Trong ngành công nghiệp nhẹ, dệt may đã bắt đầu có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu dùng tiếp tục giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi ở thị trường Hoa Kỳ và EU, nên kim ngạch xuất khẩu của ngành trong tháng 5 tiếp tục giảm 11% so với tháng 5/2008, tính chung 5 tháng chỉ đạt 3,24 tỷ USD, bằng 28% kế hoạch năm và giảm 2% so với cùng kỳ.

Ngành da giày do thiếu đơn hàng xuất khẩu từ Hoa Kỳ, EU nên nhiều doanh nghiệp ngành da giày chỉ sản xuất cầm chừng, nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất của ngành tháng 5 tiếp tục giảm 16% so với tháng 5/2008, tính chung 5 tháng giảm 20% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu da giầy 5 tháng chỉ đạt 1,64 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ.

Ngành giấy hiện mới khai thác 80 – 85% công suất so với cùng kỳ. Để đảm bảo nguồn cung giấy in, giấy viết phục vụ cho năm học mới 2009 – 2010, ngay trong tháng 5 ngành giấy đã đẩy mạnh sản xuất và phân phối nên so với tháng 4, sản lượng sản xuất giấy các loại tăng 23,3%, tiêu thụ giấy các loại tăng 8%. Lượng tồn kho giấy các loại đã giảm, khoảng 43 nghìn tấn.

Xuất khẩu: Giảm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

Ước kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 5 năm đạt 4,4 tỷ USD, tăng 2,84% so với tháng 4, nhưng giảm 24,9% so với tháng 5/2008. Trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,36 tỷ USD, giảm 24,3%, doanh nghiệp trong nước đạt 2,04 tỷ USD, giảm 25,7% so với cùng kỳ.

So với tháng 4, nhóm mặt hàng nông lâm thuỷ sản, ngoại trừ mặt hàng cà phê, gạo, rau quả giảm, các mặt hàng khác tăng nhẹ, mặt hàng cao su do đang vào vụ thu hoạch và nhu cầu tăng nên kim ngạch xuất khẩu tăng cao 59,3%; Nhóm mặt hàng công nghiệp chế biến có dấu hiệu phục hồi của một số mặt hàng xuất khẩu như túi xách va li ô dù, hàng dệt may, dây điện và cáp điện, mây, tre, cói, thảm, thuỷ tinh và các sản phẩm bằng thuỷ tinh.

Tính chung 5 tháng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 22,85 tỷ USD giảm 6,8% so với cùng kỳ (tương đương với giảm 1,66 tỷ USD) và chỉ đạt 32% kế hoạch. Nếu loại trừ yếu tố xuất khẩu vàng đột biến (khoảng 2,5 tỷ) thì xuất khẩu 5 tháng chỉ đạt 20,35 tỷ USD, bằng 83% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào những thị trường lớn đều giảm, Hoa Kỳ giảm khoảng 7%, EU giảm khoảng 10%, ASEAN giảm khoảng 6%.

Xuất khẩu 5 tháng giảm một số nhóm hàng. Mặc dù lượng xuất khẩu dầu thô tăng 23% nhưng do giá dầu thô giảm 54% nên kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm 44% so với cùng kỳ năm 2008 tương ứng giảm 3,06 tỷ USD. Các mặt hàng công nghiệp chế biến chủ yếu giảm: dệt may giảm 1,8%, giày dép giảm 10,1%, sản phẩm gỗ giảm 19,8%, linh kiện điện tử giảm 8%, dây điện và cáp điện giảm 41,7%, sản phẩm chất dẻo giảm 13,4%… đã làm cho kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này giảm 780 triệu USD. Các mặt hàng nông sản, mặc dù lượng xuất khẩu của một số mặt hàng tăng như gạo tăng 43,3%, hạt tiêu tăng 45,2%, cà phê tăng 21,6%, chè tăng 16,3% nhưng do giá giảm đã làm cho kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 320 triệu USD.

Nguyên nhân trực tiếp tác động tới xuất khẩu của Việt Nam 5 tháng đầu năm vẫn là sự giảm giá của nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực trên thị trường thế giới và sự thu hẹp của các thị trường xuất khẩu truyền thống do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế.

Trong những tháng tới, tình hình kinh tế thế giới vẫn tiếp tục diễn biến khó lường, nhu cầu nhập khẩu của các nước và giá các mặt hàng chưa có dấu hiệu tăng trở lại, nên có thể xuất khẩu còn tiếp tục gặp khó khăn.

Doanh Chính
Nguồn: Báo điện tử Công thương